05:17 06/05/2012

Nhật Bản đóng cửa lò phản ứng hạt nhân cuối cùng

Nhật Bản đã không còn lò phản ứng hạt nhân nào hoạt động sau khi lò phản ứng cuối cùng ngừng hoạt động hoàn toàn vào sáng 6/5/2012. Đây là lần đầu tiên Nhật Bản hoàn toàn không sử dụng điện hạt nhân. Nhưng những khó khăn do thiếu điện đã hiện hữu.

Nhật Bản đã không còn lò phản ứng hạt nhân nào hoạt động sau khi lò phản ứng cuối cùng - lò số 3 thuộc nhà máy điện hạt nhân Tomari do Công ty Điện lực Hokkaido điều hành - chấm dứt hoạt động vào hồi 23 giờ đêm 5/5 (giờ Nhật Bản) và ngừng hoạt động hoàn toàn vào khoảng 4h00 sáng 6/5. Sự kiện này đánh dấu lần đầu tiên kể từ năm 1970, Nhật Bản hoàn toàn không sử dụng điện hạt nhân, và những khó khăn do thiếu điện đã hiện hữu.

 

Lò phản ứng số 3 của nhà máy điện hạt nhân Tomari, lò cuối cùng trong tổng số hơn 50 lò phản ứng hạt nhân sản xuất điện của Nhật Bản, đã bị ngừng hoạt động ngày 6/5/2012. Ảnh: Nhà máy điện hạt nhân Tomari.

Nền kinh tế lớn số 3 thế giới lệ thuộc nặng nề vào năng lượng hạt nhân trong hàng thập kỷ qua, khi các lò phản ứng cung cấp gần 30% điện năng tiêu thụ. Sau trận động đất và sóng thần năm 2011 làm các lò phản ứng ở nhà máy Fukushima rơi vào tình trạng nóng chảy, chính phủ Nhật Bản đã cho kiểm tra lại toàn bộ các lò phản ứng bằng những cuộc trắc nghiệm khả năng chịu đựng. Từng lò phản ứng phải ngừng hoạt động để kiểm tra xem có chịu được động đất và sóng thần hay không. Chính quyền đã đánh giá tốt cuộc trắc nghiệm này, nhưng cho tới nay, chưa có lò phản ứng hạt nhân nào được khởi động lại. 

 Chính quyền của Thủ tướng Yoshihiko Noda lo ngại nếu không có điện hạt nhân, Nhật Bản sẽ khan điện vào mùa hè này. Theo giới truyền thông Nhật, chính phủ đã dự đoán tình trạng thiếu điện có thể bắt đầu vào giữa tháng 5, và khi đó một kế hoạch tiết kiệm điện bao gồm cả hạn chế bắt buộc sẽ được áp dụng. Hiện nay, các nhà máy tại Nhật đã tăng cường hoạt động vào buổi đêm và cuối tuần để tránh gây sức ép lên mạng lưới. Nhiều công ty lớn cũng đang chuẩn bị cho kế hoạch sản xuất tương tự trong mùa hè này.

 Một số chuyên gia đã cảnh báo, tình trạng thiếu điện trong dài hạn, cùng với một đồng yen mạnh, sẽ ảnh hưởng tới sản xuất và có thể đẩy nhiều công ty Nhật phải chuyển hoạt động ra nước ngoài.

 T.H