10:02 02/10/2012

Nhật Bản cải tổ nội các

Chiều 1/10, Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda đã công bố danh sách nội các mới trong một cuộc cải tổ mạnh mẽ giữa lúc Thủ tướng Noda cùng ban lãnh đạo đảng Dân chủ Nhật Bản (DPJ) cầm quyền nỗ lực tìm kiếm sự ủng hộ lớn hơn của cử tri trong cuộc tổng tuyển cử sắp tới.

Chiều 1/10, Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda đã công bố danh sách nội các mới trong một cuộc cải tổ mạnh mẽ giữa lúc Thủ tướng Noda cùng ban lãnh đạo đảng Dân chủ Nhật Bản (DPJ) cầm quyền nỗ lực tìm kiếm sự ủng hộ lớn hơn của cử tri trong cuộc tổng tuyển cử sắp tới.

 

Nội các mới của Thủ tướng Noda, với một thành viên nữ duy nhất. Ảnh: AFP/ TTXVN

 

Trước đó, trong cuộc họp sáng cùng ngày, toàn thể nội các Nhật Bản đã từ chức nhằm dọn đường cho cuộc cải tổ và Thủ tướng Noda đã chấp nhận sự từ chức này.


Nội các mới của Nhật Bản giữ lại 8 thành viên của nội các cũ và thay đổi 10 vị trí khác. Trong số các gương mặt tiếp tục lưu nhiệm có Chánh Văn phòng Nội các Osamu Fujimura, Phó Thủ tướng Katsuya Okada, Ngoại trưởng Koichiro Gemba, Bộ trưởng Quốc phòng Satoshi Morimoto...


Trong các bộ trưởng mới được bổ nhiệm, đáng chú ý là cựu Ngoại trưởng Seiji Maehara nắm cương vị Bộ trưởng Chính sách quốc gia; ông Koriki Jojima, phụ trách các vấn đề quốc hội của DPJ, được giao trọng trách Bộ trưởng Tài chính. Một cựu ngoại trưởng khác là bà Makiko Tanaka được cử giữ chức Bộ trưởng Giáo dục.
Đây là lần thứ ba Thủ tướng Noda cải tổ nội các kể từ khi lên nắm quyền hồi tháng 9 năm ngoái. Ông Noda khẳng định, “đây là một cuộc cải tổ giúp chính phủ và các đảng cầm quyền hợp tác thực hiện một loạt vấn đề đối nội, đối ngoại mà chúng ta đang đối mặt”. Tuy nhiên, hãng thông tấn Nhật Bản Kyodo nhận định nỗ lực mới nhất này có thể sẽ không giúp vực dậy được tỷ lệ ủng hộ đối với chính phủ của ông Noda, vốn đã rơi xuống "vùng nguy hiểm" dưới 30%, một phần do kế hoạch tăng gấp đôi thuế tiêu dùng vào năm 2015.


Cùng ngày, trong một cuộc họp báo, Thủ tướng Yosihiko Noda khẳng định Nhật Bản không có ý định sử dụng Tòa án Công lý Quốc tế để giải quyết căng thẳng với Trung Quốc liên quan đến chủ quyền quần đảo Senkaku, mà Trung Quốc gọi là Điếu Ngư, vì Tôkyô cho rằng về mặt chính thức thì không tồn tại tranh chấp lãnh thổ giữa hai nước. Ông Noda nhấn mạnh, trên cả phương diện quốc tế và lịch sử, quần đảo Senkaku là một phần không thể tách rời của lãnh thổ Nhật Bản.


Phát biểu nói trên cho thấy, Nhật Bản sẽ đối phó với tranh cãi xung quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư theo một cách khác cách giải quyết trước đó của họ đối với tranh chấp tương tự với Hàn Quốc. Hồi tháng 8, chính phủ Nhật đã chính thức đề xuất với Hàn Quốc rằng hai nước nên cùng tìm kiếm sự phân giải tại Tòa án Công lý Quốc tế ở La Haye đối với tranh chấp xung quanh một quần đảo có người ở trên biển Nhật Bản, hiện do Xơun kiểm soát nhưng Tôkyô tuyên bố chủ quyền.


Minh Sơn - T.H