01:10 15/01/2011

Nhật Bản cải tổ nội các: Chông gai còn đó

Ngày 14/1, Thủ tướng Nhật Bản Naoto Kan đã tiến hành cải tổ nội các với mục đích khôi phục lòng tin của người dân và cải thiện quan hệ với phe đối lập.

Ngày 14/1, Thủ tướng Nhật Bản Naoto Kan đã tiến hành cải tổ nội các với mục đích khôi phục lòng tin của người dân và cải thiện quan hệ với phe đối lập.


“Nội các mạnh nhất” – như tuyên bố của Thủ tướng Kan – đã ngay lập tức giúp ông gạt bỏ được chướng ngại vật lớn nhất trên con đường dẫn tới kỳ họp thường niên của Quốc hội. Tuy nhiên, chặng đường phía trước của nhà lãnh đạo này cũng như chính phủ của ông vẫn còn không ít chông gai.

“Nội các mạnh nhất”

Trong cuộc cải tổ lần này, Thủ tướng Kan đã bổ sung 4 gương mặt mới vào nội các, luân chuyển 2 bộ trưởng và giữ nguyên 11 bộ trưởng khác.

Đáng chú ý nhất là sự ra đi của Chánh Văn phòng nội các Yoshito Sengoku, cánh tay phải của Thủ tướng Kan, và Bộ trưởng Giao thông Sumio Mabuchi.


Động thái này được xem là điều không thể tránh khỏi, bởi cuối năm 2010, Thượng viện, do phe đối lập kiểm soát, đã thông qua các bản kiến nghị khiển trách đối với ông Sengoku và ông Mabuchi, do hai người này đã mắc sai lầm trong xử lý các vấn đề ngoại giao quan trọng. Phe đối lập dọa tẩy chay các phiên thảo luận tại Quốc hội chừng nào hai ông này còn ở trong nội các.

Thủ tướng Naoto Kan tại hội nghị của DPJ ở Chiba ngày 13/1. Ảnh: AFP/TTXVN


Với việc yêu cầu (ông Sengoku và ông Mabuchi ra khỏi nội các) của phe đối lập được đáp ứng, đảng Dân chủ Tự do (LDP) đối lập và đảng Công minh đã nhất trí với đảng Dân chủ Nhật Bản (DPJ) cầm quyền tổ chức cuộc họp Hạ viện ngay trong ngày 14/1 để ấn định thời điểm tổ chức kỳ họp thường niên của Quốc hội.

Một thành công của Thủ tướng Kan trong cuộc cải tổ nội các lần này là việc lôi kéo được nghị sỹ, cựu Bộ trưởng Tài chính Kaoru Yosano tham gia nội các với vai trò Quốc vụ khanh phụ trách chính sách kinh tế - tài chính và cải cách an sinh xã hội.


Việc thu nạp ông Yosano là nhằm tạo điều kiện cho các cuộc thương lượng giữa các đảng phái về vấn đề tái thiết nền tài chính công, đặc biệt khi ông này có mối quan hệ với các nghị sỹ LDP.

Con đường chông gai

Thách thức đầu tiên mà Thủ tướng Kan phải đối mặt sau cuộc cải tổ nội các lần này là việc thuyết phục phe đối lập ủng hộ dự thảo ngân sách kỷ lục cho tài khóa 2011 và các dự luật liên quan nhằm tạo ra cú hích cho nền kinh tế.


Cho dù lôi kéo thành công ông Yosano, vốn là “kiến trúc sư” về chính sách kinh tế của LDP, nhưng chưa thể khẳng định chắc chắn rằng ông Yosano sẽ giúp cải thiện quan hệ giữa chính phủ và phe đối lập khi mà các cuộc thương lượng trong hậu trường về việc thành lập liên minh cầm quyền giữa DPJ và một số đảng đối lập vẫn chưa đạt được tiến bộ nào.


Trong khi đó, nội bộ DPJ cũng đang bị chia rẽ nghiêm trọng về cách xử lý cựu Chủ tịch Ichiro Ozawa, người lãnh đạo phái lớn nhất trong DPJ nhưng sắp bị truy tố vì vụ bê bối quỹ chính trị.

Trước việc tỷ lệ ủng hộ nội các đã tụt xuống mức 20%, Thủ tướng Kan sẽ phải nỗ lực khôi phục niềm tin của người dân vào chính phủ cũng như DPJ trước thời điểm diễn ra các cuộc bầu cử địa phương vào tháng 4 tới.


Bên cạnh đó, ông sẽ phải tìm cách thuyết phục người dân ủng hộ việc Nhật Bản tham gia Hiệp định Đối tác Kinh tế xuyên Thái Bình Dương và kế hoạch tăng thuế tiêu dùng để duy trì sự ổn định của hệ thống an ninh xã hội.

Trên mặt trận đối ngoại, hàn gắn quan hệ đồng minh Nhật - Mỹ, trong đó có việc giải quyết vấn đề di chuyển căn cứ Futenma của Mỹ ở tỉnh Okinawa, tăng cường quan hệ với Hàn Quốc, xử lý mối quan hệ với CHDCND Triều Tiên và giải quyết các vấn đề tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc và Nga cũng là những nhiệm vụ không dễ dàng đối với Thủ tướng Kan.

Thanh Tùng (P/v TTXVN tại Nhật Bản)