Thời niên thiếu của Nữ hoàng Elizabeth II - Kỳ cuối

Năm 1944, Công chúa Elizabeth tròn 18 tuổi và bắt đầu đảm nhiệm các bổn phận hoàng gia. Công chúa đã có bài phát biểu đầu tiên trước công chúng tại một bệnh viện nhi và tiến hành hạ thủy con tàu HMS Vanguard vào mùa thu năm đó. Tuy nhiên, công chúa vẫn muốn đảm nhiệm nhiều sứ mệnh hơn nữa, đó là phục vụ trong quân đội.

THỜI BOM ĐẠN CHIẾN TRANH THẾ GIỚI THỨ HAI

Ngày 15/3/1939, xe tăng Đức đã tiến vào Prague (Séc). “Nền hòa bình” được thiết lập qua sự thỏa hiệp của Thủ tướng Neville Chamberlain đã bị lung lay. Nước Anh khi đó đang đứng bên bờ chiến tranh. Mùa hè năm 1939, Elizabeth và cha mẹ cô đã tới thăm trường Hải quân Hoàng gia ở Dartmouth, nơi Nhà vua từng theo học. Vào năm đó, công chúa (13 tuổi) lần đầu tiên gặp mặt Hoàng tử Philip (18 tuổi) của Hy Lạp. Công chúa đã rất cảm mến người con trai này. 

Ngày 3/9/1939, phát thanh viên Chamberlain thông báo trên đài BBC rằng nước Anh chính thức rơi vào chiến tranh. Nhà vua sau đó đã phát biểu trên sóng phát thanh, thông báo với người dân rằng “những giờ khắc đau khổ này” có lẽ “là định mệnh của lịch sử”.

Công chúa Elizabeth khi gia nhập Đội quân Lãnh thổ Bổ trợ Phụ nữ.

Các công chúa khi đó đang sống ở tư dinh Birkhall gần lâu đài Balmoral trong kỳ nghỉ hè với cô giáo Crawford. Sau lễ Giáng sinh tại lâu đài Sandringham, họ đã tới lâu đài ở Windsor, nơi những bức tường màu hồng đã bị sơn màu xanh lá cây để đánh lừa bom đạn của kẻ thù. Đã có người đề nghị di tản hai công chúa sang Canada, nơi họ cùng với cha mẹ mình sẽ sống tại Lâu đài Hatley ở British Columbia. Tuy vậy, Hoàng hậu đã bác bỏ kế hoạch này và nói: "Những đứa trẻ sẽ không đi đâu hết nếu không có tôi. Tôi sẽ không đi khỏi mà không có Đức Vua. Và Đức Vua sẽ không bao giờ ra đi". 

Mùa xuân năm 1940, Đức Quốc xã đã xâm chiếm Đan Mạch và Na Uy. Ông Chamberlain đã từ chức và ông Winston Churchill đã lên nắm quyền thủ tướng, tuyên bố với Khối thịnh vượng chung rằng nước Anh phải “tiến hành chiến tranh trên biển, trên bộ và trên không bằng mọi sức lực”. Các gia đình hoàng gia bị truất quyền ở Na Uy và Đan Mạch đã tới London an toàn. Các công chúa khi đó đã được gửi tới lâu đài Windsor và ở đó đến khi chiến tranh kết thúc.

Thủ tướng Churchill (giữa) cùng Nhà vua, Hoàng hậu và hai công chúa trong Ngày chiến thắng.

Các công chúa là nhân vật chính trong chiến dịch tuyên truyền. Người dân Anh được thông báo rằng các công chúa đã có nơi trú ẩn an toàn ở miền quê. Họ được trang bị mặt nạ phòng độc, tự trồng cà rốt và khoai tây trên ruộng. Tuy nhiên, các công chúa vẫn đối mặt với hiểm nguy khi 300 quả bom đã được thả xuống công viên Windsor trong cuộc xung đột. 

Cung điện hoàng gia đã nhiều lần từ chối đề nghị cho công chúa Elizabeth phát biểu trên đài phát thanh. Năm 1940, khi lực lượng Không quân Đức tàn phá các thành phố của Anh, Nhà vua và Hoàng hậu đã thay đổi quan điểm. Khi sự giúp đỡ của Mỹ cho Anh trở nên mang tính quyết định, họ đã đồng ý cho phép công chúa Elizabeth phát biểu, bay tỏ sự cảm thông của cô và em gái Margaret với những người di tản. 

Cuối năm 1943, khi công chúa Elizabeth 17 tuổi, Hoàng tử Philip đã tới Anh để nghỉ Giáng sinh với gia đình. Hoàng tử cảm thấy bị lôi cuốn bởi tính cách của công chúa và niềm vui giản đơn của đời sống gia đình, trái ngược với tuổi thơ kém hạnh phúc của anh. Hoàng tử sau đó đã nung nấu ý định cưới công chúa nhưng ngay sau khi biết ý định này, Nhà vua George VI đã cảm thấy rất sốc và nói rằng Elizabeth còn quá trẻ và Hoàng tử Philip “đừng nên nghĩa đến chuyện đó vào thời điểm này”. Nhà vua không muốn để mất con gái của mình trong khi các cận thần cho rằng Hoàng tử Philip là một người “thô lỗ”, đặc biệt bởi lý lịch của anh ta khi các chị gái của anh đã lấy chồng có quan hệ với Đức quốc xã.

Năm 1944, Công chúa Elizabeth tròn 18 tuổi và bắt đầu đảm nhiệm các bổn phận hoàng gia. Công chúa đã có bài phát biểu đầu tiên trước công chúng tại một bệnh viện nhi và tiến hành hạ thủy con tàu HMS Vanguard vào mùa thu năm đó. Tuy nhiên, công chúa vẫn muốn đảm nhiệm nhiều sứ mệnh hơn nữa, đó là phục vụ trong quân đội. Đầu năm 1945, Nhà vua đã cho phép Công chúa Elizabeth gia nhập Đội quân Lãnh thổ Bổ trợ Phụ nữ, với số hiệu 230873 Đại úy thứ hai Elizabeth Windsor. Công chúa đã được huấn luyện để trở thành tài xế và thợ cơ khí, lái một chiếc xe tải quân sự, và tiến đến cấp bậc tư lệnh cấp thấp.

Ngày 30/4/1945, quân Đồng minh đã chiếm được tòa nhà quốc hội Đức. Hitler đã tự sát và quân phát xít đầu hàng. Ngày 7/5/1945, đài BBC thông báo ngày hôm sau (8/5/1945) sẽ là Ngày chiến thắng. Chiến tranh Thế giới thứ II đã kết thúc.

Trong Ngày chiến thắng, các công chúa đã xuất hiện cùng Nhà vua và Hoàng hậu, cùng Thủ tướng Winston Churchill trên ban công của cung điện để vẫy chào đám đông. Tối hôm đó, công chúa Margaret đề nghị họ sẽ ra ngoài hòa cùng niềm vui của người dân. Sau này, Elizabeth kể lại: “Tôi nhớ nhiều hàng người không biết mặt nhau đã nắm tay và đi dọc xuống phố Whitehall, tất cả chúng tôi chỉ biết khóc trong ngập tràn hạnh phúc và nhẹ nhõm”.

Những ngày tháng sau chiến tranh là thời kỳ vô cùng đau khổ khi người dân thiếu thức ăn, nhiên liệu và quần áo. Nhưng cùng lúc đó, người dân tỏ ra rất ngưỡng mộ Công chúa Elizabeth và mong muốn được thấy cô mở cửa các bệnh viện, trao tặng các giải thưởng và phát biểu. Công chúa được người dân yêu quý bởi phẩm cách cao quý, từng là quân nhân trong chiến tranh và tràn đầy nhiệt huyết tuổi trẻ. Đại học Cambridge đề xuất rằng công chúa Elizabeth sẽ là người phụ nữ đầu tiên được nhận bằng danh dự, nhưng Cung điện hoàng gia đã từ chối đề nghị này.

Năm 1946, khi chiến tranh ở Nhật Bản kết thúc, Hoàng tử Philip trở lại Anh và được gửi đến giảng dạy cho các sĩ quan hải quân ở Wales. Ông bắt đầu chinh phục trái tim Elizabeth bằng việc mời công chúa và em gái Margaret đi nhà hàng hay xem hòa nhạc. Người dân Anh khi đó rất thích thú với cuộc tình hoàng gia lãng mạn và khả năng hai người sẽ làm đám cưới. Nhà vua và Hoàng hậu tỏ ra do dự, nhưng Elizabeth đã xác định lấy Hoàng tử Philip. 

Tháng 2/1947, công chúa Elizabeth rời Anh lần đầu tiên để tới Nam Phi cùng cha mẹ và em gái. Tại đó, cô đã tổ chức sinh nhật lần thứ 21. Trong một buổi phát thanh đến Khối thịnh vương chung từ Nam Phi, Công chúa nói rằng: "Tôi tuyên bố trước tất cả mọi người rằng toàn bộ cuộc đời tôi, dù dài hay ngắn, sẽ dành phục vụ các bạn và phục vụ cho hoàng gia vĩ đại mà tất cả chúng đều thuộc về". Sau khi vua cha George VI băng hà, Elizabeth đã chính thức lên ngôi vào ngày 2/6/1953.
Bích Hạnh
Thời niên thiếu của Nữ hoàng Elizabeth II - Kỳ 1
Thời niên thiếu của Nữ hoàng Elizabeth II - Kỳ 1

Nữ hoàng Anh Elizabeth II là người trị vì lâu nhất Vương quốc Anh (từ năm 1953 đến nay) nhưng vẫn còn nhiều điều mà chúng ta chưa biết về một con người mà bản thân đã trở thành biểu tượng của nước Anh.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN