Thảm kịch “hạt giống màu tím” tại Iraq

Vào đầu những năm 1970, tại Iraq đã xảy ra thảm họa hạt giống nhiễm độc thủy ngân nghiêm trọng khiến 10.000 người chết và 100.000 người bị tổn thương thần kinh vĩnh viễn.

Hạt giống chết người

Câu chuyện bắt đầu từ cuối những năm 1960, đầu những năm 1970, khi nông dân Iraq liên tiếp mất mùa. Hạn hán kéo dài khiến nông nghiệp kiệt quệ, ảnh hưởng cuộc sống của hơn 500.000 người. Ông Saddam Hussein lúc đó là nhân vật đứng số 2 trong chính phủ, phụ trách nông nghiệp đã ra lệnh nhập khẩu hạt giống có tên gọi “hạt giống nhiệm màu” từ Mexico và Mỹ về dùng cho vụ đông năm 1971. Tuy nhiên, trong quá trình vận chuyển bằng đường biển kéo dài trong nhiều ngày với khí hậu đại dương ẩm ướt, các hạt giống sẽ bị mốc nếu như không được bao phủ bằng một loại hóa chất diệt nấm.

Vào thời đó, hóa chất Methyl thủy ngân là một trong những loại thuốc diệt nấm hiệu quả nhất được ngành nông nghiệp tin dùng, mặc cho trước đó loại chất này đã bị cấm dùng ở Scandinavia và một số bang nước Mỹ vì gây độc hại cho môi trường. Theo lý giải khoa học, hạt giống được xử lý qua một hợp chất thủy ngân hữu cơ có tác dụng ngăn ngừa bị mục ruỗng hay côn trùng tấn công. Liệu pháp này trở nên vô hại nếu như hạt giống chỉ dùng cho mục đích cấy trồng, tuy nhiên nó lại vô cùng độc hại nếu ăn trực tiếp.

Các bao hạt giống nhiễm thủy ngân được đóng bao bì cảnh báo nguy hiểm.

Theo kế hoạch, 70.000 tấn hạt giống qua xử lý methyl thủy ngân được chuyển từ Bắc Mỹ tới thành phố cảng Basra nằm ở phía nam Iraq vào tháng 8/1971. Tuy nhiên, do tàu vận chuyển đến muộn, xe tải và tàu hỏa làm nhiệm vụ chở hàng không thể ở lại chờ mà bị điều động tới nơi khác, nên phải mất mấy tháng sau khi hết vụ mùa những bao tải hạt giống này mới đến tay người nông dân.

Được chính phủ cảnh báo cấm ăn, chỉ được phép cấy trồng, nhưng chính hoàn cảnh không còn gì ăn đã khiến những người nông dân phá những bao “hạt giống màu tím” để chăm nuôi súc vật. Lúc đầu họ cho gà và cừu ăn để xem có tác dụng phụ hay không. Chỉ trong vài tuần đầu nhận thấy không có dấu hiệu bất thường, lúc này nông dân được phát hạt giống mới an tâm cho vật nuôi ăn trên quy mô lớn và chính bản thân cũng thử. Thậm chí thời đó bánh mì tím còn là thức ăn ưa thích của trẻ em.

Tuy nhiên, mọi thứ trở nên tồi tệ chỉ sau vài tháng. Bệnh viện bị quá tải bởi những bệnh nhân đến cấp cứu do có những triệu chứng ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ thống thần kinh trung ương. Ban đầu các bác sĩ tại Iraq không biết nguyên nhân gây ra thảm kịch này. Một số người chẩn đoán đó là một nạn dịch do virus “sốt não” gây ra.

Sau đó, một nhóm các chuyên gia quốc tế nghiên cứu thủy ngân đã được triệu tập và khẳng định chính thủy ngân là chất gây độc trong thức ăn.

Vụ khủng hoảng y tế lớn nhất

Khi hạt giống nhập khẩu được xác định là nguyên nhân gây ra vụ ngộ độc trên diện rộng tại Iraq, chính phủ đã có hành động quyết liệt thu hồi toàn bộ số hạt giống còn lại ở nhà dân chỉ trong vòng 2 tuần. Thậm chí chính phủ còn ra lệnh sẽ xử tử ai lén lưu trữ hạt giống tím trong nhà sau thời gian thu hồi.

Bánh mì tím là thức ăn được ưa thích năm 1970.

Vì nhiều lí do khác nhau mà nông dân Iraq đã phớt lờ mọi cảnh báo và khiến thảm kịch lan rộng. Các bao chứa hạt giống được in nhãn mác bằng tiếng Anh và tiếng Tây Ban Nha, kèm theo hình vẽ “đầu lâu xương chéo” bên ngoài, nhưng nông dân lại không thạo tiếng nước ngoài, không quan tâm đến hình vẽ nguy hiểm nên đã dùng làm thức ăn. Một số người thậm chí còn biết hạt giống bị nhiễm độc nhưng họ lại nghĩ đơn giản chỉ cần rửa sạch màu tím của thủy ngân thì sẽ ăn được.

Bên cạnh đó, phần lớn người dân Iraq lúc bấy giờ không có cơ hội tiếp cận với đài, báo chí, TV... Họ chỉ nhanh chóng biết được thông tin sẽ bị phạt nếu như còn tích trữ hạt giống nhập khẩu. Chính vì vậy, hai tuần trôi qua, và binh lính quân đội bắt đầu đến từng nhà để bắt giữ hộ còn sử dụng hạt giống độc, đến lúc này những người dân mới bắt đầu đem các bao tải hạt giống còn lại vất bừa bãi ra lòng đường, kênh rạch, sông ngòi... Sinh vật dưới nước và chim chóc ăn hạt giống cũng bắt đầu bị nhiễm độc, khiến cho tình trạng lại càng mất kiểm soát.

Tại bệnh viện, các bác sĩ kết luận không có biện pháp chữa trị cho bệnh nhiễm độc methyl thủy ngân. Triệu chứng đầu tiên của căn bệnh nhiễm độc thủy ngân là liệt phần ngón tay, ngón chân, sau đó lan rộng ra toàn bộ cơ thể. Chức năng phối hợp giữa các cơ bị mất đi, khiến con người không thể đi lại, không nói chuyện được. Phần thị lực suy giảm, mờ dần đi cho đến khi mù hẳn. Một số người chất độc ảnh hưởng đến dây thần kinh phụ trách phần thính giác, làm mất khả năng nghe. Kết quả khi chất độc để càng lâu trong người, thì sẽ dẫn đến thiệt mạng.

Nhiễm độc thủy ngân từ hạt giống đã qua xử lí có thể lây lan bằng nhiều cách, qua đường miệng bằng thức ăn, hít ngửi hay thậm chí chỉ cần tiếp xúc qua da. Những đứa trẻ còn nằm trong bụng người mẹ ăn phải thức ăn nhiễm độc thủy ngân có nguy cơ lớn bị câm điếc bẩm sinh, do tỷ lệ nhiễm bệnh cao gấp 3 lần người mẹ.

Năm 1974, tổ chức Nông nghiệp và Lương thực thế giới (FAO) và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) nhóm họp để đưa ra các đề xuất nhằm ngăn chặn nạn dịch, trong đó nhấn mạnh tầm quan trọng của việc dán nhãn bằng ngôn ngữ địa phương cùng các biểu tượng cảnh báo mà người dân dễ hiểu. Bên cạnh đó, các tổ chức quốc tế này trợ giúp chính quyền các nước xây dựng trung tâm kiểm soát tình trạng nhiễm độc quốc gia, cũng như khuyến khích truyền thông quốc gia công bố rộng rãi về bệnh dịch, bao gồm quy mô, triệu chứng và các thông tin cần thiết.

WHO còn hỗ trợ cung cấp cho chính phủ Iraq nguồn thuốc và các thiết bị chữa trị nhằm giảm lượng độc tố có trong máu các nạn nhân, bao gồm thuốc chữa trị độc kim loại nặng, thuốc penicillamine và áp dụng kỹ thuật thẩm tách.
Hồng Hạnh
Thảm họa “vịnh thủy ngân” Minamata
Thảm họa “vịnh thủy ngân” Minamata

Một nguyên nhân gây ra hiện tượng cá chết hàng loạt ở miền Trung Việt Nam được phỏng đoán là do hóa chất cực độc. Thảm họa môi trường này khiến người ta nhớ lại thảm họa “vịnh thủy ngân” Minamata ở Nhật Bản cách đây 60 năm.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN