Người mẹ thứ hai của trẻ Do Thái tại Warsaw

Irena Sendler là người phụ nữ Ba Lan đã không quản ngại nguy hiểm để tình nguyện góp sức cứu hơn 2.500 trẻ em người Do Thái khỏi sự tàn sát của Phát xít Đức trong Chiến tranh Thế giới thứ hai.

Tình bạn từ thuở thiếu thời với người Do Thái

Irena Sendler sinh ngày 15/2/1910 tại Otwock, một địa danh nghỉ dưỡng đặc biệt thu hút người Do Thái trước khi chiến tranh nổ ra. Bà Sendler là con gái duy nhất của bác sĩ Stanislaw Krzyzanowski vốn là một tín đồ Công giáo có thái độ cởi mở, thân thiện với người Do Thái. Từ nhỏ bà Sendler thường chơi đùa, kết bạn thân thiết cùng những đứa trẻ Do Thái. Khi trưởng thành, bà Sendler theo học ngành văn học Ba Lan và ủng hộ Đảng Xã hội của nước này. Thời điểm Phát xít Đức xâm chiếm Ba Lan năm 1939, bà đang là nhân viên công tác xã hội tại Sở phúc lợi thành phố Warsaw (Vacsava).

Trong thời gian phát xít Đức chiếm đóng Ba Lan, cuộc sống của người Do thái bị đẩy xuống mức tồi tệ. Hơn 400.000 người Do Thái bị dồn ép, giam lỏng trong một khu vực có diện tích chỉ 4 km2. Các gia đình người Do Thái bị nhét vào những căn hộ nhỏ với 6 đến 7 người sống chen chúc trong cùng một căn phòng chật chội, ngột ngạt. Nơi tập trung người Do Thái này bị “bao vây” bởi bức tường gạch gài dây thép gai và binh lính có vũ khí canh gác cẩn mật.

Chân dung người phụ nữ dũng cảm Irena Sendler.

Sendler khi đó là một thành viên của Zegota (mật danh của Hội đồng Hỗ trợ người Do Thái) - tổ chức ngầm được thành lập và hỗ trợ bởi chính phủ Ba Lan đang lưu vong tại London. Rồi đến tháng 12/1942, phát xít Đức bắt đầu chuyển người Do Thái đến trại hành quyết Treblinka. Trước tình cảnh phát xít Đức đối xử bạo tàn với người Do Thái, bà Sendler nhận thấy bản thân cần phải hành động. Điều này xuất phát từ quan điểm về sự công bằng xã hội cũng như vì tình cảm với những bằng hữu người Do Thái của bà. Vì lẽ đó, bà Sendler đảm nhận nhiệm vụ đứng đầu bộ phận về trẻ em tại Zegota. 

Chính quyền phát xít Đức quyết định đóng cửa khu người Do Thái tại Warsaw vào năm 1943 do vậy bà Sendler cùng nhóm khoảng 20 thành viên của Zegota đã tổ chức cuộc sơ tán đảm bảo an toàn cho trẻ em người Do Thái. 

Chiếc lọ dựng danh tính của trẻ em Do Thái

Bà Sendler được phép di chuyển tự do trong khu của người Do Thái một cách hợp pháp bằng việc cải trang thành y tá chịu trách nhiệm điều tra về nghi ngờ liên quan tới ổ dịch sốt do nhiễm vi khuẩn Rickettsia. Từ đây, bà Sendler tổ chức các cuộc sơ tán đầy mạo hiểm để giúp trẻ em người Do Thái có cuộc sống mới. Những đứa trẻ thường được giấu trong xe tải được chở bởi một người bạn của Sendler có tên Antoni Dzbrowski. Còn có thông tin rằng một thợ máy đã giúp giấu trẻ nhỏ trong hộp đựng dụng cụ để đưa ra khỏi khu tập trung của người Do Thái. 

Có nhiều lần, những đứa trẻ uống thuốc ngủ và được chở bằng xe cứu thương hoặc xe điện ra ngoài. Sendler thông báo với các sĩ quan Đức quốc xã rằng chúng đã chết vì bệnh sốt do nhiễm khuẩn Rickettsia. 

Sau khi Chiến tranh Thế giới thứ hai kết thúc, công lao của bà Irena Sendler đã được ghi nhận.

Những đứa trẻ may mắn thoát khỏi khu tập trung người Do Thái sẽ được cung cấp danh tính giả và nhiều trong số đó nếu ở lại Ba Lan sẽ được dạy cách cầu nguyện Thánh kinh để hòa trộn với cộng đồng người theo đạo Thiên Chúa. Công việc của bà Sendler là đảm bảo khi một đứa trẻ theo Công giáo tại trại trẻ mồ côi qua đời thì sẽ không có chuyện khai tử. Thay vào đó, tên và số chứng danh của trẻ đó sẽ được chuyển cho những em nhỏ người Do Thái.

Tuy nhiên, tên và thông tin chi tiết gia đình thật sự của những đứa trẻ Do Thái này đều được viết theo mật mã rồi đặt vào các lọ thủy tinh và chôn dưới đất. Việc làm này của bà Sendler và tổ chức Zegota nhằm mục đích đảm bảo rằng sau khi Chiến tranh Thế giới thứ hai kết thúc, những lọ này được đào lên và các trẻ em Do Thái sống sót đều có thể tìm ra danh tính thật sự của mình. Tuy nhiên điều không may là 98% cha mẹ của những đứa trẻ được cứu đều đã bỏ mạng tại trại hành quyết Treblinka.

Tháng 10/1943, trong giai đoạn cao điểm của những cuộc giải cứu, cảnh sát mật của phát xít Đức đã bắt giữ bà Sendler. Bà bị tra tấn tại nhà tù khét tiếng Pawiak và bị kết án tử hình. Nhưng bà Sendler vẫn kiên cường không tiết lộ về công việc bà và các bằng hữu đã thực hiện. Trong ngày bị xét xử, những người bạn của Sendler đã hối lộ một sĩ quan và bà được thả ra. Từ thời điểm đó cho đến khi Chiến tranh Thế giới thứ hai kết thúc, bà Sendler đã phải sống lẩn trốn.

Công việc của bà Sendler ít được biết đến tại Ba Lan sau chiến tranh nhưng vào năm 1965, bà được ghi nhận bởi trung tâm tưởng niệm Yad Vashem Holocaust tại Jerusalem. Đến năm 1991 nhà nước Israel công nhận bà Sendler là công dân danh dự. Năm 2006, giáo viên người Mỹ Norman Conrad đã đề cử bà Sendler cho giải Nobel Hòa bình. Chính những học sinh của Conrad đã thực hiện bộ phim tài liệu về bà Sendler có tựa đề “Cuộc sống trong chiếc lọ”. Tại Ba Lan, bà Sendler cũng được ghi nhận với giải Jan Karski dành cho sự quả cảm (được đặt theo tên nhà hoạt động kháng chiến người Ba Lan), ngoài ra bà còn được vinh danh là công dân danh dự của Warsaw.

Điều tuyệt vời về bà Sendler được thể hiện qua nhận xét của Elzbieta Ficowska, người từng là đứa trẻ 5 tháng tuổi được bà Sendler cứu vào tháng 7/1942, rằng: “Thật là điều kỳ diệu khi cứu một đứa trẻ người Do Thái nhưng bà Sendler không chỉ cứu chúng tôi mà cả con cháu, thế hệ sau của chúng tôi”.

Bà Sendler đã trút hơi thở cuối cùng vào ngày 12/5/2008.
Hà Linh
Vụ đào thoát của 7.500 người Do Thái
Vụ đào thoát của 7.500 người Do Thái

70 năm trước, một cuộc trốn thoát ngoạn mục của người Do Thái đã xảy ra tại Đan Mạch, lúc đó bị đặt dưới sự chiếm đóng của Đức Quốc xã. Lời cảnh báo về việc Đức lên kế hoạch trục xuất người Do Thái

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN