Hang Lèn Hà - Nơi cái chết hóa thành bất tử

Hang Lèn Hà (bản Hà, xã Thanh Hóa, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình) ghi dấu sự hy sinh anh dũng của 13 cán bộ chiến sĩ Trạm cơ vụ A69, Lữ đoàn 134 Binh chủng Thông tin liên lạc trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước ác liệt.

Trạm A69 là tên địa danh quen thuộc với những chiến sĩ Trường Sơn, bởi là nơi đầu tiên nhận mệnh lệnh, chỉ thị của Bộ Quốc phòng, Trung ương từ Hà Nội đến chiến trường miền Nam. Đây cũng là một trong những nơi thường xuyên nhận những đợt đánh phá ác liệt của đế quốc Mỹ.

Mạch máu thông tin

Trạm cơ vụ A69 - một đơn vị thuộc Trung đoàn 134, có nhiệm vụ bảo đảm thông tin Bắc - Nam từ Hà Nội đến đường 9 - Nam Lào, Cụm kho Binh trạm 25 thuộc Đoàn 559 ở Thanh Lạng, Binh trạm 12 ở Cổng Trời, Sư đoàn Phòng không 367, Đồn Biên phòng Cha Lo. Đường dây của trạm nối liền với mạng thông tin của Bộ Tư lệnh 559, chạy dọc đường 12 (Quảng Bình) và đường 8 (Hà Tĩnh), đi qua nhiều trọng điểm địch đánh phá ác liệt, địa hình hiểm trở.

Thắp nến tưởng niệm, tri ân 13 cán bộ, chiến sĩ hy sinh tại hang Lèn Hà năm 1972.

Hang Lèn Hà được Trạm cơ vụ A69 chọn làm nơi đóng quân. Lèn Hà nằm trong khu rừng già trên địa bàn Thanh Hóa - xã biên giới giáp nước bạn Lào, cách tuyến đường chiến lược 15A khoảng 3 km, nơi thường xuyên là trọng điểm bị địch tập trung đánh phá. 

Hang Lèn Hà được cải tạo thành nơi đặt máy móc điện đàm; phía dưới núi, là khu nhà nghỉ ngơi, sinh hoạt của cán bộ, chiến sĩ và hội trường của Trạm. Hang Lèn Hà vừa có thể cất giấu thiết bị máy móc và đường dây của Trung đoàn 134, thường xuyên dự trữ 700 km đường dây bọc dã chiến, sẵn sàng thay thế đường dây trần tuyến trục Bắc - Nam trong trường hợp đường dây này bị địch tấn công, tê liệt.

“Trạm cơ vụ A69 là một phần quan trọng trong huyết mạch thông tin, phục vụ Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng trong công tác chỉ đạo các mặt trận phía Nam trong giai đoạn chiến tranh ác liệt”, Đại tá Nguyễn Tiến Dần, Giám đốc Bảo tàng Binh chủng Thông tin Liên lạc cho biết.


Phát hiện được hoạt động của Trạm cơ vụ A69 và vị trí quan trọng của hang Lèn Hà, địch thường xuyên tập trung đánh phá ác liệt. Các cán bộ, chiến sĩ Trạm cơ vụ A69 đã vượt hiểm nguy, khó khăn, kiên cường bám trụ, bám máy, bám dây, bảo đảm thông tin liên lạc thông suốt; phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ với Trung đoàn 132, với lực lượng thông tin của các quân chủng, binh chủng, quân đoàn tạo nên một mạng lưới thông tin thông suốt từ hậu phương ra tiền tuyến; nhất là từ Sở chỉ huy chiến dịch đến các đơn vị tác chiến.


Buổi chiều định mệnh


Ngày 2/7/1972, trong lúc cán bộ, chiến sĩ Trạm cơ vụ A69 đang làm nhiệm vụ, máy bay Mỹ ập tới bất ngờ bắn pháo khói vào nhà ăn của Trạm để chỉ điểm. Ngay sau đó là 3 quả bom B52 và hàng loạt bom phát quang, bom cháy.

Mô hình Bộ đội Thông tin Liên lạc đường Trường Sơn tại Bảo tàng Binh chủng Thông tin Liên lạc.

Các chị Nguyễn Thị Thanh, Phạm Thị Vang và Nguyễn Thị Nghiêm - 3 nữ chiến sĩ cuối cùng của tiểu đội tổng đài Trạm A69 may mắn sống sót - nhớ lại: Hôm đó, ba chị trực trên hang. 13 giờ 25 phút, có tiếng máy bay gầm rú trên đầu. Một loạt bom ập xuống, sức ép từ ngoài quật vào xô nghiêng bộ tổng đài tải ba. 

Cả ba chị đeo nguyên tổ hợp tai nghe cùng nhào lên đỡ khối máy. Lúc đó, anh Hán Bình Lương, nhân viên nguồn điện, đang trực ở ngách hang phía trên chạy xuống hỗ trợ. Đúng lúc ấy, loạt bom thứ hai vang lên, một mảnh bom văng lên vòm hang. Rồi tiếp đó từng loạt bom bi vang lên, lúc cấp tập, lúc thưa thớt... Chỉ trong 5 phút, khu lán dưới chân lèn bốc cháy dữ dội.

Tổn thất của Trạm A69 sau trận đánh phá này hết sức nặng nề: trạm máy trên hang đá cao bị hư hỏng nặng, mạng cáp nhập đài và khoảng 1.500 m đường dây quanh khu vực Trạm bị đứt nát không liên lạc được; 13 chiến sĩ anh dũng hy sinh (trong đó có 10 chiến sĩ nữ), nhiều chiến sĩ bị thương.


Với tinh thần tất cả cho nhiệm vụ bảo đảm thông tin liên lạc, các chiến sĩ còn sống đã gạt nước mắt, nén đau thương lao vào nhiệm vụ và chỉ sau 1 giờ đồng hồ, thông tin liên lạc đã được thông suốt, tiếp tục phục vụ chiến trường.


Sự hy sinh của các chiến sĩ thông tin liên lạc đã trở thành bất tử; hang Lèn Hà đi vào lịch sử dân tộc như một bài ca bi tráng và hào hùng.


Đau thương thành hành động


Những mất mát đau thương của các chiến sĩ Trạm A69 đã ghi vào lòng đồng đội những ký ức không quên. Biến đau thương thành hành động cách mạng, cán bộ, chiến sĩ Trạm cơ vụ A69 tâm niệm “phải chiến đấu cho cả những người đã mất”, “một người làm việc bằng hai”. Những người còn sống và lực lượng bổ sung sau này luôn hoàn thành nhiệm vụ giữ vững thông tin liên lạc, phục vụ cho các mặt trận, các chiến dịch chiến đấu thắng lợi.


Sự hy sinh của các chiến sĩ thông tin liên lạc tại hang Lèn Hà đã trở thành bất tử.

Tại “ngôi nhà” Trạm A69, các cán bộ, chiến sĩ một lòng thống nhất chủ trương: "Tất cả cho chỉ huy chiến đấu giành thắng lợi", "Tim còn đập, mạch máu thông tin còn thông suốt", "Trạm máy là chiến trường, dây máy là vũ khí"... Cán bộ, chiến sĩ Trạm cơ vụ A69 tiếp tục dũng cảm, mưu trí, sáng tạo vượt qua mọi gian khổ, tiếp chuyển hàng trăm nghìn phiên liên lạc kịp thời, chính xác, bí mật phục vụ Bộ chỉ huy chỉ đạo các đơn vị chiến đấu, góp phần làm nên thắng lợi lớn của toàn dân tộc.


Trạm cơ vụ A69 đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng 2 Huân chương Chiến công hạng Nhì; Đại tướng Văn Tiến Dũng, Đại tướng Lê Trọng Tấn, Trung tướng Lê Quang Đạo, Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên biểu dương. Trạm cơ vụ A69 cũng là đơn vị được tuyên dương Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.


Tại địa danh nơi đã thấm đẫm máu, mồ hôi và nước mắt của các cán bộ, chiến sĩ Trạm cơ vụ A69, tháng 9/2005, một bia tưởng niệm đã được xây dựng, khắc tên 13 anh hùng liệt sĩ hy sinh trong ngày 2/7/1972. Một ngôi miếu chân núi Lèn Hà (hố bom năm xưa) cũng được xây dựng để các thế hệ về sau thành kính bày tỏ lòng biết ơn với các chiến sĩ.


Trên tuyến đường Trường Sơn, một cụm di tích lịch sử đang được hình thành. Hang Lèn Hà đã được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch xếp hạng Di tích cấp quốc gia, ngày nay đang tiếp tục được xây dựng thành một cụm di tích lịch sử, tái hiện lại khung cảnh sinh hoạt, chiến đấu của các chiến sĩ Trạm A69 năm xưa. Các hang mục: hang giấu vũ khí, lán sinh hoạt, giếng... được khôi phục, với những hiện vật từ thời kháng chiến chống Mỹ.


“Năm 2017 là dịp kỷ niệm 45 năm 13 cán bộ chiến sĩ Trạm cơ vụ A69 hy sinh. Sự mất mát, hy sinh và những đóng góp của các anh chị là vô cùng lớn lao, xứng đáng được tôn vinh, ghi vào lịch sử Binh chủng Thông tin Liên lạc nói riêng và quân đội ta nói chung. Binh chủng Thông tin Liên lạc chủ động nhận thực hiện công trình nhà bia tưởng niệm với quy mô khang trang hơn trước, trong cả cụm di tích này, từ nguồn đóng góp tự nguyện của cán bộ chiến sĩ Binh chủng”, Đại tá Nguyễn Tiến Dần cho biết.


Từ 5 năm trước, Bảo tàng Binh chủng Thông tin Liên lạc đã đưa vào khu di tích những hiện vật, trang bị khí tài của Trạm cơ yếu A69. “Khu di tích như một bảo tàng ngoài trời. Chúng tôi đã dựng lại một số trạm máy, phục chế lại khung cảnh lịch sử giai đoạn chiến tranh ác liệt. 


Nhưng do chưa có người trông coi, bảo quản nên số hiện vật chưa được trưng bày nhiều. Sắp tới, hy vọng khi cụm Di tích hoàn thành, sẽ trưng bày được hết các hiện vật của một thời gian khó mà hào hùng, khi các anh chị em cán bộ, chiến sĩ Thông tin liên lạc cống hiến công sức, máu xương cho cuộc kháng chiến trường kỳ của toàn dân tộc”, Đại tá Nguyễn Tiến Đoàn xúc động nói.


Thùy Hương/Báo Tin Tức
Một thời sinh viên làm báo chống Mỹ
Một thời sinh viên làm báo chống Mỹ

Bước vào năm 1966, Đà Lạt sục sôi phong trào chống Mỹ - Thiệu, xử án đốt hình nộm Tổng thống Mỹ Giônxơn và Bộ trưởng Quốc Phòng Mắc Namara tại chùa Linh Sơn, đốt Đài phát thanh Đà Lạt - Tuyên Đức.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN