George Elliott – Anh hùng thầm lặng vụ Trân Châu Cảng

George Elliott là một trong hai quân nhân đang điều khiển trạm radar ở bờ biển Oahu, Hawaii, Mỹ sáng ngày 7/12/1941. Khi anh phát hiện và báo cáo có nhiều máy bay Nhật sắp áp sát, cấp trên đã phớt lờ cảnh báo.

Elliott là người đầu tiên phát hiện ra máy bay Nhật áp sát Trân Châu Cảng.

Trước đây, người ta cho rằng Elliott và một đồng nghiệp là Joseph L. Lockard cùng phát hiện ra máy bay Nhật sắp ném bom Trân Châu Cảng. Tuy nhiên, mãi tới đầu những năm 2000, người ta mới biết Elliott là người duy nhất phát hiện ra sự hiện diện của máy bay Nhật.

Lúc đó, trạm radar ở Oahu vừa được lắp đặt. Elliott và Joseph có nhiệm vụ điều khiển trạm từ 4 giờ đến 7 giờ sáng. Ngày 7/12, họ nhận được lệnh đóng cửa trạm sớm lúc 6 giờ 54 phút sáng. Tuy nhiên, Elliott, vốn là người có ít kinh nghiệm nhưng nhiều đam mê công việc, đã tiếp tục điều khiển trạm. Lúc 7 giờ 2 phút, anh phát hiện một đốm sáng khổng lồ trên màn hình radar đang tới từ cách đó gần 220 km về phía bắc.

Theo lời kể của Elliott năm 2001, Joe đã không quan tâm tới phát hiện đó mà để ý tới bữa ăn sáng hơn. Dù vậy, Elliott vẫn khăng khăng phải báo cáo cấp trên về sự việc. Joseph đã nhất trí là Elliott có thể gọi điện cho Trung tâm Thông tin cách đó 80 km tại Fort Shafter. Elliott để lại tin nhắn ở tổng đài và lúc 7 giờ 20 phút, nhân viên trực tổng đài gọi điện lại và bảo với Joseph rằng đốm sáng khổng lồ là cả chục máy bay ném bom B-17 đang bay từ San Francisco.

Sau cú điện thoại, Joseph muốn đóng trạm radar nhưng Elliott từ chối và tiếp tục theo dõi đốm sáng cho đến khi nó biến mất vào vùng núi xung quanh Oahu lúc 7 giờ 39 phút.

Joseph là người điều hành radar có kinh nghiệm trong khi Elliott không có điều đó. Nhưng người phát hiện ra đốm sáng lớn nhất từ trước tới giờ và theo dõi lại chính là Elliott. Đốm sáng trên màn hình lớn tới mức Joseph cho rằng màn hình báo kết quả sai và máy hỏng. Họ đã tắt màn hình lúc 7 giờ 45 phút khi đốm sáng biến mất. 10 phút sau, những quả bom đầu tiên rơi xuống Trân Châu Cảng.

Trong thực tế, Elliott đã phát hiện ra làn sóng tấn công đầu tiên của 183 máy bay Nhật Bản. Vậy nhưng, báo chí từ trước tới nay chỉ biết tới Joseph Lockard và coi người này là anh hùng Trân Châu Cảng.

Tác giả một bài viết mới đây trên trang thedailybeast.com cho rằng quân đội Mỹ không bao giờ thừa nhận một nhân viên điều hành radar non nớt đã phát hiện ra lực lượng quân Nhật trước tiên, trong khi đồng nghiệp dày dạn hơn và Kermit Tyler - cấp trên tại Fort Shafter lại không quan tâm tới thông tin đó, đặc biệt là trong bối cảnh cuộc tấn công đã cướp đi sinh mạng 2.402 người.

Năm 2001, cả Joseph và Kermit Tyler đều còn sống. Joseph qua đời năm 2012 và Tyler mất năm 2010. Khi được hỏi liệu có lo lắng về phản ứng của họ, ông Elliott trả lời: “Không. Họ biết tôi nói sự thật”.


Trước đó, tháng 3/1942, hãng AP tuyên bố Joseph Lockard là “Anh hùng Trân Châu Cảng” và anh này được tặng huân chương xuất sắc. Năm 1946, sau khi phát biểu trước quốc hội, Elliott được tặng một huân chương khiêm tốn hơn nhưng anh từ chối nhận.

Elliott đã qua đời năm 2003, thọ 85 tuổi.

Thùy Dương
75 năm trận Trân Châu Cảng và mối quan hệ Mỹ-Nhật Bản
75 năm trận Trân Châu Cảng và mối quan hệ Mỹ-Nhật Bản

Cách đây 75 năm, ngày 7/12/1941 đã diễn ra một cuộc tấn công trên không với quy mô lớn chưa từng có trong lịch sử chiến tranh - trận Trân Châu cảng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN