Gặp người phụ nữ giúp Tổng thống Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un 'thấu tình đạt lý'

Trong cuộc hội đàm kín với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, Tổng thống Mỹ Donald Trump chỉ đi cùng một người: nữ phiên dịch viên của Bộ Ngoại giao Mỹ Yun Hyang Lee.

Phiên dịch viên Yun Hyang Lee ngồi cạnh Tổng thống Mỹ Donald Trump trong cuộc họp mở rộng giữa hai phái đoàn Mỹ - Triều tại Hội nghị Thượng đỉnh ở Sentosa. Ảnh: Reuters

Kết thúc buổi họp kín sáng 12/6 cùng với sự tham gia của hai phiên dịch viên hai nước, Tổng thống Trump tuyên bố mình đã gây dựng một “mối quan hệ cực kỳ tuyệt vời” với nhà lãnh đạo Triều Tiên. Hai nhà lãnh đạo đã cùng nhau ký kết một bản thỏa thuận chung trong đó cam kết sẽ tiếp tục phối hợp “hướng tới phi hạt nhân hóa hoàn toàn trên Bán đảo Triều Tiên”.

Theo đánh giá của Frank Aum, một chuyên gia về Triều Tiên tại Viện Hòa bình thuộc Đại học Johns Hopkins (Mỹ), bà Lee (61 tuổi), hiện là trưởng bộ phận phiên dịch của Bộ Ngoại giao Mỹ, luôn đóng vai trò là một “người hùng thầm lặng” trong các cuộc đàm phán với Triều Tiên và Hàn Quốc suốt nhiều năm qua. Bà là người phụ nữ duy nhất trong cuộc họp mở rộng của hai nhà lãnh đạo tại khách sạn Capella, đảo Sentosa (Singapore).

Mặc dù là một phiên dịch viên có nhiều năm kinh nghiệm song nhiệm vụ của bà khi trở thành người ở giữa kết nối hai nhà lãnh đạo Mỹ-Triều không phải đơn giản. Bà phải trở thành người trung gian dung hòa hai nhà lãnh đạo vốn dĩ nhiều lần có những phát ngôn mỉa mai nhau.

Trong một buổi trả lời phỏng vấn báo Hàn JoongAng Ilbo năm 2015, bà Lee từng chia sẻ việc phiên dịch ngoại giao không chỉ bao gồm những điều rõ ràng rành mạch  như là “có” hoặc “không”. “Luôn có một thứ gì đó tồn tại ở giữa hai ranh giới đó”, bà Lee giải thích.

Một trong những thách thức của nghề phiên dịch viên là truyền tải những thứ nhỏ nhặt, câu đùa, tiếng lóng… mà nhiều khi có thể bị bỏ qua trong các cuộc hội thoại. Tuy nhiên, theo chuyên gia Aum, bà Lee là một chuyên gia trong lĩnh vực này. “Có nhiều lúc những lời nói đùa hoặc các cụm từ tiếng lóng không được truyền tải. Bà Lee cực kỳ xuất sắc trong việc lựa chọn sắc thái trong lời nói và đảm bảo thông điệp của Mỹ được truyền tải một cách chuẩn xác”, ông Aum nhận xét.

Bà Lee tốt nghiệp thạc sĩ ngành biên-phiên dịch tại trường Đại học Ngoại ngữ Hankuk (Hàn Quốc) và tiếp tục nhận bằng Tiến sĩ của Khoa phiên dịch thuộc Đại học Geneva vào năm 2009. Sau đó, bà có thời gian giảng dạy ở Viện Quốc tế Monterey thuộc Đại học Middlebury (Mỹ) và Đại học Ewha (Hàn Quốc). Bà cũng là một thành viên trong Hiệp hội Thông dịch viên Hội nghị Quốc tế (AIIC).

Bà Lee, được các đời tổng thống Mỹ gọi là "Giáo sư Lee", luôn là một nhân viên xuất sắc trong Bộ Ngoại giao Mỹ cũng như Nhà Trắng dưới thời cựu Tổng thống George W. Bush và Barack Obama. Bà từng đóng vai trò là thông dịch viên cho Tổng thống Trump khi ông tiếp người đồng cấp Hàn Quốc Moon Jae-in sang Washington hồi tháng 11/2017. 

Theo Korea Times, bà Lee cũng xuất hiện bên Tổng thống Trump trong lễ đón 3 công dân Mỹ được Triều Tiên phóng thích vào tháng trước. Bà cũng từng là phiên dịch viên tiếng Hàn chính thức tại Thế vận hội Olympics 2008 tổ chức ở Bắc Kinh, Thế vận hội Mùa đông 2010 ở Vancouver và Thế vận hội Mùa đông 2018 ở PyeongChang, Hàn Quốc.

Hồng Hạnh/Báo Tin tức
Tại sao Nhà Trắng cho rất ít phóng viên vào đưa tin về Hội nghị Mỹ-Triều
Tại sao Nhà Trắng cho rất ít phóng viên vào đưa tin về Hội nghị Mỹ-Triều

Chỉ có 7 phóng viên Mỹ được phép chứng kiến cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un ngày 12/6 tại Singapore. Đây là một con số quá ít ỏi cho một sự kiện lớn như vậy.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN