Cựu điệp viên bị Mỹ bỏ rơi thời Chiến tranh Lạnh trải lòng

“Bạn chỉ có thể chết một lần” là câu nói của ông Eberhard Fatkenheuer để tóm tắt những trải nghiệm của ông khi là điệp viên cho Mỹ tại Đông Đức trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh.

Cầu Glienicke bắc ngang qua sông Havel, nối Berlin và thành phố Potsdam của Đông Đức đã trở thành biểu tượng lịch sử của Chiến tranh Lạnh. Với tên gọi “cây cầu điệp viên”, Glienicke là một trong những biểu tượng chia cắt giữa Đông và Tây Đức.

Cây cầu Glienicke. Ảnh: AP

Cầu Glienicke là địa điểm quen thuộc cho việc trao đổi điệp viên giữa phương Tây và Liên Xô diễn ra 3 lần trong những năm 1962, 1985 và 1986. Hãng tin Sputnik (Nga) đã phỏng vấn ông Eberhard Fatkenheuer, một trong những điệp viên cuối cùng của phương Tây đã vượt qua cây cầu Glienicke trong Chiến tranh Lạnh.

Ngày 11/6/1985, Eberhard Fatkenheuer trở thành một trong 25 “điệp viên cuối tuần” của phương Tây được trao đổi tại cầu Glienicke với 4 điệp viên cấp cao của Đông Đức.

Giữa thập niên 70 của thế kỷ trước, ông Fatkenheuer được coi là “điệp viên cuối tuần”, bắt đầu thu thập và truyền thông tin về hoạt động của quân đội Liên Xô tại Đông Đức cũng như những cơ sở quân sự tại đây.

Ông Eberhard Fatkenheuer trong quá trình đào tạo tình báo tại Hungary. Ảnh:Sputnik

Fatkenheuer giải thích rằng động cơ khiến ông đồng ý để một người bạn Áo tuyển dụng làm điệp viên cho quân đội Mỹ là bởi suy nghĩ cá nhân rằng “xứ cờ hoa” đại diện cho mọi thứ tốt đẹp và tích cực. Điều này được Fatkenheuer rút ra từ những bộ phim và âm nhạc cũng như cách lính Mỹ đối xử với người dân địa phương tại những vùng hậu chiến ở Đức.

Ngoài ra, Fatkenheuer bất mãn với hệ thống chế độ tại Đông Đức sau khi những phát ngôn không cân nhắc đã buộc ông phải rời trường đại học.

Fatkenheuer nói: “Đối với tôi, Mỹ là vùng đất tự do”. Sau đó Fatkenheuer thú nhận rằng khi thời gian trôi qua, ông nhận thấy đó đều là những suy nghĩ non nớt. Nhưng ở thời điểm mới được tuyển dụng, Fatkenheuer lại cảm thấy rất tự hào.

Vào năm 1979, Fatkenheuer bị Stasi - cảnh sát mật Đông Đức - bắt và nhận bản án 13 năm trong tù. Sau khi bị bắt và giam giữ, Fatkenheuer phải chấp nhận thực tế rằng người tuyển dụng không mấy đoái hoài đến mình. Ông đã không được giải cứu hoặc thả ra như được hứa hẹn.
 
Đến năm 1985, tên của ông nằm trong danh sách các điệp viên của phương Tây được trao đổi với đồng nghiệp thuộc Đông Đức. Fatkenheuer tin rằng tên của mình nằm trong danh sách 25 điệp viên của phương Tây được trao đổi trong năm 1985 bởi Stasi cho rằng ông không có giá trị với tư cách tù nhân.

Cuộc trao đổi trên cầu Glienicke năm 1985. Ảnh: AP

Sau điều này, Fatkenheuer trở thành một trong những cựu điệp viên còn sống nổi tiếng nhất tại Đức. Ông trở nên nổi tiếng sau khi câu chuyện của bản thân được kể lại qua chương trình tài liệu trên truyền hình năm 2004.

Fatkenheuer cũng viết một cuốn sách về trải nghiệm của bản thân trong năm 2011. Khi được thả tự do, Fatkenheuer miêu tả đó là cảm giác tuyệt vời. “Tôi chỉ chờ đợi và hy vọng rằng tất cả sẽ kết thúc. Thực tế rằng nó xảy ra thực sự là không thể ngờ tới đối với tôi. Nó xảy ra vào giữa ngày làm việc của tôi tại nhà tù Pankow-Berlin. Tôi được đưa đi. Đó đơn giản là cảm giác ngọt ngào. Thời gian của tôi ở tù đã kết thúc. Điều đó thật tuyệt vời”, Fatkenheuer kể lại.

Bên cạnh đó, Fatkenheuer cho biết ông tha thứ cho người Mỹ về việc bỏ rơi mình. Fatkenheuer đã nhận tiền bồi thường và vẫn giữ thư cảm ơn từ Tổng thống Mỹ thứ 40 Ronald Reagan.

Ông Fatkenheuer ngày nay. Ảnh: Sputnik

Ngày 7/9 vừa qua, phát biểu trước các phóng viên tại Viện Bảo tàng Gián điệp Berlin, cựu biên tập viên tờ Der Spiegel (Đức) Norbert Potzl đã đưa ra thông tin về 3 cuộc trao đổi trên cầu Glienicke.

Theo ông Potzl, bộ phim HollyWood 'Bridge of Spies' – Người đàm phán (năm 2015) của đạo diễn Steven Spielberg đã kịch hóa cuộc trao đổi đầu tiên diễn ra vào ngày 10/1/1962 trên cầu Glienicke và có nhiều chi tiết không đúng với lịch sử.

Ông Potzl nhận xét: “Bộ phim đó dựa phần lớn vào câu chuyện được thêm mắm thêm muối của James B. Donovan -luật sư người New York tham gia vào cuộc trao đổi”.

Hà Linh/Báo Tin Tức
5 năm cuộc sống ở Đông Đức của 'điệp viên' Putin
5 năm cuộc sống ở Đông Đức của 'điệp viên' Putin

Trước khi trở thành người đàn ông quyền lực lãnh đạo nước Nga, điệp viên nổi tiếng của Cơ quan an ninh Liên Xô (KGB) Vladimir Putin đã có 5 năm sống tại Dresden, Đông Đức.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN