Con đường đến với Huy chương Pushkin của nữ Tiến sĩ 'đam mê' nước Nga

Đầu tháng 11 vừa qua, Phó Giáo sư, Tiến sĩ khoa học (PGS.TSKH) Nguyễn Tuyết Minh, cố vấn khoa học của Phòng đọc Thế giới Nga thuộc Khoa Quốc tế, Đại học Quốc gia Hà Nội là đại diện duy nhất của Việt Nam được nhận Huy chương Pushkin, tại Điện Kremlin (Liên bang Nga).

Huy chương này được trao tặng các công dân Nga và người nước ngoài có những thành tích nổi bật trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, văn học và giáo dục, có kinh nghiệm tối thiểu 20 năm hoạt động trong lĩnh vực xã hội và nhân văn.

Trưởng thành từ nền giáo dục Nga

Hầu hết những người mới gặp PGS.TSKH Nguyễn Tuyết Minh không thể nghĩ năm nay cô đã 80 tuổi, bởi dáng vẻ nhanh nhẹn hơn nhiều so với tuổi của mình. Hàng ngày, cô vẫn thường vào facebook để cập nhật thông tin và tương tác với bạn bè, đồng nghiệp, học trò.

PGS.TSKH Nguyễn Tuyết Minh. Ảnh: dantri.com.vn

PGS.TSKH Nguyễn Tuyết Minh sinh ra và lớn lên tại Quảng Ngãi, trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng. Ba cô là Tướng Nguyễn Chánh – nguyên Chính ủy kiêm Tư lệnh liên khu V, mẹ là cụ bà Phạm Thị Trinh – cán bộ lão thành cách mạng từng làm Hội trưởng Phụ nữ khu V, Ủy viên Tỉnh ủy Quảng Ngãi.

Ngay từ nhỏ, cô bé Nguyễn Tuyết Minh đã chịu nhiều thiệt thòi. Tuổi thơ của cô gắn liền với những tháng ngày dài ở nhà chăm lo cho đám em nhỏ để ba mẹ đi hoạt động cách mạng xa nhà. Năm 1953, khi 15 tuổi, ròng rã nhiều tháng, cô vượt quãng đường từ Quảng Ngãi ra đến Hà Nội, tiếp tục đi bộ lên chiến khu Việt Bắc, rồi đến Khu học xá Nam Ninh.

Một thời gian ngắn sau đó, năm 1954, lần đầu tiên cô đặt chân đến nước Nga cùng 99 lưu học sinh Việt Nam khác. Gần 2 năm sau, 80 người trở về nước, công tác trong lĩnh vực phiên dịch. 20 người còn lại, trong đó có cô tiếp tục học tập tại Trường Đại học Sư phạm quốc gia Matxcơva mang tên Lênin, nay là Đại học Sư phạm quốc gia Matxcơva, với mục tiêu trở thành những nhà nghiên cứu và giảng dạy tiếng Nga.

Năm 1961, hoàn thành chương trình cử nhân ngữ văn, cô Nguyễn Tuyết Minh trở về Việt Nam, nhận công tác tại Khoa Ngôn ngữ và Văn hóa Nga, Trường Đại học Sư phạm Ngoại ngữ Hà Nội (nay là Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội). Cô bắt đầu những tháng ngày lên lớp giảng dạy và nghiên cứu về ngôn ngữ Nga. Cô đến với nước Nga, tiếp nhận văn hóa và ngôn ngữ Nga như một định mệnh. Được đào tạo bài bản tại Nga, sau một thời gian công tác, cô Nguyễn Tuyết Minh được bổ nhiệm giữ chức Phó Chủ nhiệm Khoa tiếng Nga – cái nôi đào tạo nhiều thế hệ các nhà ngôn ngữ học uy tín của quốc gia. Cô đã đảm nhiệm vị trí đó suốt 15 năm liền.

Cô luôn nói với các học trò của mình, tiếng Nga là một trong 5 ngôn ngữ quốc tế, vì vậy tiếng Nga có đầy đủ các yếu tố tương tự như các ngôn ngữ khác. Việc sử dụng tiếng Nga cũng rất dễ dàng trên máy tính. Tiếng Nga có sự chặt chẽ và tính logic cao, do vậy học tiếng Nga không chỉ là học được ngôn ngữ mà còn học được tư duy khoa học và hệ thống.

Cô ngẫm thấy, có lẽ “chất Nga” ấy ngấm vào người sau những giờ học tiếng nên những ai đã từng học tập và sinh sống tại Nga thường thành công trên con đường lập nghiệp sau này, dù họ có thể làm nghiên cứu, kinh doanh, nghệ thuật hay hoạt động trong lĩnh vực chính trị… Nước Nga có một nền văn học, nghệ thuật và ngôn ngữ phát triển mạnh mẽ. Học tập tại Nga không chỉ học trên giảng đường, mà thông qua nhiều hoạt động đa dạng để tiếp nhận văn hóa và ngôn ngữ một cách tự nhiên.

Năm 1970, cô Nguyễn Tuyết Minh bảo vệ thành công luận án tiến sĩ chuyên ngành Ngôn ngữ và văn học Nga, tại Đại học Sư phạm quốc gia Matxcơva. Năm 1984, cô được phong chức danh phó giáo sư tại Việt Nam. Và 30 năm sau khi bảo vệ thành công luận án tiến sĩ, năm 2000 khi bước sang tuổi 62, cô bảo vệ thành công luận án tiến sĩ khoa học cũng tại ngôi trường mà cô đã trải qua những năm tháng học tập bậc đại học và tiến sĩ. Đến thời điểm đó, Nguyễn Tuyết Minh là nữ tiến sĩ khoa học Việt Nam đầu tiên bảo vệ thành công luận án tiến sĩ khoa học tại Ban đối chiếu của Đại học Sư phạm quốc gia Matxcơva.

Tâm huyết với Bộ từ điển Việt – Nga

Trong suốt những năm tháng nghiên cứu khoa học và giảng dạy, PGS.TSKH Nguyễn Tuyết Minh dành tâm huyết và công sức nhiều nhất cho bộ giáo trình tiếng Nga dành cho các học sinh chuyên ngữ và Bộ từ điển Việt-Nga.

Cô Nguyễn Tuyết Minh được mời tham gia làm Bộ đại từ điển Việt - Nga từ năm 1986. Đây là công trình hợp tác giữa Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô (nay là Viện Hàn Lâm Khoa học Liên bang Nga) và Ủy ban Khoa học Xã hội (nay là Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam). Bộ từ điển hoàn thành gồm 2 cuốn với 8 vạn từ, dày gần 2.500 trang đã cuốn mất 26 năm làm việc miệt mài của cô và các đồng nghiệp.

Nhà Nga ngữ học hàng đầu tại Việt Nam Bùi Hiền khẳng định: Bộ từ điển Việt – Nga không đơn thuần là cuốn Đại từ điển mà là Từ điển “vĩ đại” ở Việt Nam với nhiều đơn vị từ vựng nhất (80.000 từ), nhiều thông tin nhất, sử dụng phổ biến nhất.

Với tác giả của cuốn từ điển này, PGS.TSKH Nguyễn Tuyết Minh trân trọng sản phẩm hợp tác này, bởi nhóm tác giả đã ghi dấu mốc quan trọng trong lịch sử từ điển song ngữ Việt Nam. Đó là lần đầu tiên cuốn từ điển sử dụng phương pháp đối chiếu, so sánh và tìm những điểm tương ứng giữa 2 ngôn ngữ, chứ không sử dụng phương pháp triết tự phổ biến trước đây. Phương pháp đối chiếu, so sánh ngôn ngữ khi làm từ điển song ngữ đến nay vẫn còn nguyên giá trị.

Cô con gái út của cô Nguyễn Tuyết Minh là chị Mai Nguyễn Tuyết Hoa đã kể về những ngày tháng mẹ mình làm cuốn từ điển này, đó là khi trong nhà chất đầy những mảnh ghép. Mẹ của chị và các cộng sự ngày đêm biên tập, chỉnh sửa từng mảnh ghép ấy rồi sắp xếp theo hệ thống, sau đó đem thuê đánh máy và tiếp tục biên chỉnh, hiệu đính.

Chị Tuyết Hoa tâm sự: "Suốt 26 năm làm từ điển và hơn 40 năm làm việc, gắn bó với văn hóa, ngôn ngữ Nga đã đem đến cho mẹ một thói quen làm việc cẩn trọng và tỉ mỉ. Giờ đây, khi đã ở tuổi 80, mẹ vẫn chỉ ngừng làm việc khi bị ốm."

PGS.TSKH Nguyễn Tuyết Minh hiện là cố vấn khoa học của Phòng đọc Thế giới Nga, Khoa Quốc tế, Đại học Quốc gia Hà Nội. Đây là phòng đọc Nga đầu tiên tại Việt Nam và là phòng đọc thứ 47 trên toàn cầu. Phòng đọc Nga mang lại cơ hội học tập, nghiên cứu rất lớn cho những người sử dụng tiếng Nga nói riêng và cộng đồng người yêu tiếng Nga nói chung. Phòng đọc là kết quả của Quỹ Thế giới Nga được Tổng thống Nga Vladimir Putin thành lập, nhằm thúc đẩy quảng bá tiếng Nga, hỗ trợ các chương trình dạy tiếng Nga trên toàn thế giới. Phòng đọc Thế giới Nga không chỉ đơn thuần là một cửa sổ mở vào thế giới văn hóa giàu có độc đáo của nước Nga, mà còn là cây cầu kết nối giới trí thức Việt Nam đã được Liên Xô trước đây đào tạo. Phòng đọc Thế giới Nga cũng là cầu nối đưa PGS.TSKH Nguyễn Tuyết Minh đến với Huy chương Pushkin năm 2017.

Hiện nay, một tuần của nữ PGS.TSKH tuổi 80 vẫn đều đặn với 4 ngày làm việc (mỗi ngày 5 tiếng). Nhà giáo – nhà khoa học của Đại học Quốc gia Hà Nội Nguyễn Tuyết Minh từng chia sẻ: “Tôi vẫn đang bước trên con đường khoa học mà chưa biết điểm dừng. Trước kia nhanh hơn nhưng nay già thì đi chậm hơn, mò mẫm hơn. Trước kia đi giữa đường thì nay đi bên lề đường. Nhưng, tôi không thể không đi”.

Việt Hà (TTXVN)
Nhà khoa học nữ Việt Nam được nhận Huy chương Pushkin của Nga
Nhà khoa học nữ Việt Nam được nhận Huy chương Pushkin của Nga

Ngày 4/11, Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov đã trao giải thưởng nhà nước Liên bang Nga - Huy chương Pushkin năm 2017 cho PGS.TSKH Nguyễn Tuyết Minh - cố vấn khoa học của Phòng đọc Thế giới Nga thuộc Khoa Quốc tế của Đại học Quốc gia Hà Nội, vì những công lao củng cố tình hữu nghị và hợp tác giữa các dân tộc. Ngoài công dân Việt Nam còn có công dân các nước Pakistan, Litva và Hungary được vinh dự nhận giải thưởng danh giá này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN