Chiến thắng táo bạo, tài tình, đánh thủng “dạ dày” của Mỹ

Cách đây 50 năm, đêm 28/10/1966, bộ đội đặc công tỉnh Biên Hòa (mật danh U1) bất ngờ đánh đòn phủ đầu vào Tổng kho Long Bình, căn cứ hậu cần chiến lược của Mỹ ở miền Nam.

Hình ảnh tổng kho Long Bình bị đặc công U1 tấn công. Ảnh: baodongnai.com.vn

Trận đánh làm đảo lộn ý đồ chiến lược của địch, làm nức lòng quân dân cả nước. Ngay sau trận đánh, Bác Hồ đã gửi điện khen ngợi quyết tâm đánh Mỹ của đặc công U1 và quân dân Biên Hòa...

Kho dự trữ chiến lược lớn nhất ngoài nước Mỹ của quân đội Hoa Kỳ

Từ năm 1965, khi đưa quân viễn chinh Mỹ tham chiến tại miền Nam Việt Nam, đế quốc Mỹ đã cho xây dựng ở Biên Hòa nhiều căn cứ quân sự, kho tàng lớn để phục vụ cho bộ máy chiến tranh xâm lược như: Sân bay Biên Hòa, Nha Cảnh sát miền Đông, Bộ Tư lệnh Quân đoàn 3, Tổng kho hậu cần chiến lược Long Bình...

Trong đó, Tổng kho Long Bình được chính quyền Mỹ - Diệm xây dựng từ giữa năm 1965 với mục đích phục vụ cho cuộc chiến ở Việt Nam nói riêng và khu vực Đông Dương nói chung khi cần thiết.

Tổng kho Long Bình có diện tích khoảng 24 km2, nằm cách Sài Gòn về phía đông 20 km, cách thành phố Biên Hoà 7 km. Trong Tổng kho Long Bình có Bộ Tư lệnh Dã chiến II Mỹ, Bộ Tư lệnh Hậu cần của Mỹ; đồng thời là nơi chứa những kho bom, đạn lớn của Mỹ ở miền Nam Việt Nam.

Theo các tài liệu thống kê, lượng đạn dược được chuyển đến Việt Nam trung bình khoảng 40.000 tấn/tháng trong năm 1966; năm 1967, số lượng đã tăng lên gần gấp đôi đạt 75.000 tấn/tháng. Đến đầu năm 1968 số lượng vận chuyển đã tăng lên đến 90.000 tấn/tháng, đến giữa năm 1968 số lượng đã vượt quá 100.000 tấn/tháng.

Ngoài ra, để phục vụ đầy đủ cho một đội quân nhà nghề "được trang bị tới tận răng" như quân đội Mỹ thì còn nhiều thứ quân trang, quân dụng, phương tiện chiến tranh, như máy bay, xe tăng, pháo cối... cùng với khí tài vật tư dự trữ phục vụ sửa chữa, bảo dưỡng trang bị cho đến lương thực thực phẩm, quân trang quân dụng, đồ dùng sinh hoạt... của mỗi người lính còn cao gấp nhiều lần con số đó.

Trong khi đó, theo yêu cầu của Bộ Tư lệnh quân viễn chinh Mỹ tại Nam Việt Nam thì số lượng vật chất dự trữ phải đảm bảo đủ cho quân đội sử dụng ít nhất là 6 tháng. Đây chính là lý do mà Mỹ phải tiến hành xây dựng Tổng kho dự trữ chiến lược tại Long Bình - một địa điểm vừa thuận lợi cho quá trình tiếp nhận hàng hóa, đồng thời cũng có thể nhanh chóng tiếp tế cho cả 4 vùng chiến thuật và Biệt khu Thủ Đô.

Do quy mô lớn và tầm quan trọng như vậy, Tổng kho Long Bình luôn được địch tổ chức phòng thủ chặt chẽ, bao bọc xung quanh có từ 7 đến 12 lớp hàng rào kết hợp với việc gài mìn trái. Có nhiều lô cốt tiền duyên cách nhau 30-40 m nằm cách lớp rào cuối cùng từ 40 đến 50 m.

Bên trong có nhiều tuyến hào nối liền các lô cốt, đường đi, lối ngang dọc, hai bên đường đều rải hàng rào kẽm gai. Toàn bộ phần bên trong kho gần như không có cây xanh lớn, chỉ có loại cỏ Mỹ mà lá sắc như dao. Đảm nhiệm công tác bảo vệ kho thường xuyên là 2.000 sĩ quan, binh lính. Ngoài ra, còn một số đơn vị chiến đấu cũng có doanh trại trong khuôn viên kho nhưng được ngăn cách đặc biệt với kho hàng.

Hai khu quan trọng trong Tổng kho là kho đồi 50 và 53 có 18 dãy nhà kho với khoảng 200 gian chia làm 3 khu. Trong đó mỗi khu có 6 dãy. Mỗi dãy cách nhau 60 m. Nhà kho được thiết kế, xây dựng theo hình khối chữ nhật (30m x 25m x 5,5m), có cửa bằng thép, khoá sắt; xung quanh có những ụ đất dày 4 đến 5 m. Đây là hai kho chứa vũ khí chủ yếu là bom và đạn pháo và nhiên liệu.

Để ra vào tổng kho có 12 cổng mở theo nhiều hướng khác nhau với hệ thống đường sá rất hiện đại. Hàng ngày có hàng ngàn chuyến xe trọng tải lớn ra vào song không bao giờ có hiện tượng ùn tắc xảy ra.

Với khối lượng hàng hóa tàng trữ trong kho lên đến hàng chục triệu tấn, Tổng kho Long Bình trở thành kho dự trữ chiến lược lớn nhất ngoài nước Mỹ của quân đội Hoa Kỳ và được quản lý bằng máy tính IBM 360/50 - một trong những hệ thống máy tính hiện đại nhất thời đó.

Trận đánh làm “thủng dạ dày” quân xâm lược Mỹ

Năm 1965, Thường vụ Trung ương Cục, Bộ Tư lệnh Miền quyết định thành lập tỉnh Biên Hòa U1 và giao nhiệm vụ đánh hậu cứ Sân bay Biên Hòa, Tổng kho liên hợp Long Bình; đồng thời tổ chức đánh bình định nông thôn tạo thế đứng chân cho lực lượng vũ trang đánh vào thành thị, hậu cứ địch.

Trận đánh vào Tổng kho Long Bình ở cao điểm 50-53 được chốt 2, đặc công U1 chuẩn bị khá công phu. Trong điều kiện trang bị của ta lúc ấy còn khá thiếu thốn, nhưng bằng tinh thần tự lực tự cường, quyết tâm đánh Mỹ, anh em đã tự mày mò chế tạo vũ khí và thực hiện trận đánh thắng lợi vượt xa sự mong đợi.


Theo đó, ngay sau khi nhận lệnh, vừa hành quân vừa bám địch, đến 16 giờ ngày 28-10-1966, lực lượng tham gia trận đánh đã tiếp cận cách mục tiêu 50m. Lúc này, trinh sát Bùi Văn Hòa (người đã từng có thời gian gần nửa năm ra vào tổng kho Long Bình để trinh sát, điều nghiên, vẽ sơ đồ phục vụ cho trận đánh) nhận nhiệm vụ dẫn đường đã khéo léo luồn qua các hàng rào, các chốt kiểm soát để đưa đơn vị tiếp cận mục tiêu một cách an toàn.

Đến 17 giờ 30 cùng ngày, cả tổ đánh đã đột nhập vào trong kho, triển khai xong đội hình chiến đấu và hồi hộp chờ đợi từng giây phút đi qua. Khi trời vừa sập tối, lợi dụng lúc quân địch thiếu cảnh giác, đồng chí Nguyễn Tấn Vàng (nguyên chốt trưởng chốt 2, đặc công U1, người trực tiếp chỉ huy trận đánh và cũng là người trực tiếp đặt trái nổ vào kho 50- 53) ra lệnh cho đồng đội hành động.

Ôm lấy khối thuốc nổ, đồng chí Hòa đưa, đồng chí Vàng câu nối từng sợi dây điện vào các kíp nổ trong sự hồi hộp đến tột cùng. Thấy phương án trận đánh diễn ra đúng theo kế hoạch, đồng chí Vàng nhanh chóng thực hiện đánh theo cách "bỏ 2 kho đánh 1 kho".

Khi đặt trái đến kho thứ 2 thì có một chốt lớn của địch ở phía đông, cách tổ đánh khoảng 60m, không biết phát hiện điều gì đã bắn đạn dữ dội. Mặc cho tiếng súng của địch, đồng chí Nguyễn Tấn Vàng vẫn bình tĩnh đặt đến trái nổ thứ 4 và ra lệnh cho đồng đội luồn dưới tầm đạn địch rút ra cửa mở an toàn.

Khi ra khỏi khu vực nguy hiểm đã xa, tổ đánh tổng kho đứng lại hồi hộp nhìn về hướng súng nổ và chờ đợi. Một ánh chớp lóe lên cùng với tiếng nổ xé trời, mặt đất rung chuyển mạnh dưới chân họ, trận đánh đã thành công, lúc ấy khoảng 20 giờ ngày 28/10/1966.

Kết quả, trong trận đánh này đặc công U1 Biên Hòa đã phá hủy khoảng 250 tấn bom, đạn các loại; diệt 250 tên lính Mỹ cùng nhiều kho tàng phương tiện chiến tranh. Trận đánh của đặc công U1 và quân dân Biên Hòa đã giáng một đòn choáng váng vào quân xâm lược Mỹ, sau đó địch phải bỏ dở 3 cuộc càn quét lớn vì đã mất một số vũ khí, đạn phục vụ cho các trận càn.

Ngay sau trận đánh, Bác Hồ đã gửi điện khen ngợi quyết tâm đánh Mỹ của đặc công U1 và quân dân Biên Hòa. Trên báo Nhân dân (số ra ngày 29/10/1966) cũng đã có bài viết ca ngợi chiến thắng Long Bình là trận “chiến táo bạo, tài tình, đánh thủng dạ dày của Mỹ”.

Đàm Trung (TTXVN)
Chiến thắng Kon Tum đi vào lịch sử
Chiến thắng Kon Tum đi vào lịch sử

Tiểu đoàn 9 Trung đoàn 64 từ phía Đông đường 14 đến đường 7, như một “mũi lao nhọn” cắt ngang đội hình địch. Dọc đường số 7, khoảng 2.000 chiếc xe ngổn ngang xếp hàng 3, hàng 4 tháo chạy.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN