Chân dung Nhà vua Akihito và Hoàng hậu Michiko của Nhật Bản

Từ thuở nhỏ đến lúc lên ngôi, Nhà vua Akihito và Hoàng hậu Michiko của Nhật Bản luôn xây dựng hình ảnh khiêm nhường, quan tâm dân chúng.

Tiểu sử Nhà vua Akihito

Nhà vua Akihito lên ngôi ngày 7/1/1989, là Nhà vua thứ 125 của Nhật Bản sau khi Nhà vua Hirohito (Nhật hoàng Chiêu Hòa) băng hà. Lễ lên ngôi của Nhà vua  được tổ chức vào ngày 12/11/1990 tại Hoàng Cung với sự tham dự của đại diện từ 158 quốc gia gồm người đứng đầu Hoàng gia, nguyên thủ và hai tổ chức quốc tế.

Nhà vua Akihito của Nhật Bản.

Như đã được nêu trong Hiến pháp Nhật Bản, Nhà vua là “biểu tượng của Nhà nước và sự đoàn kết của nhân dân”, Nhà vua có được vị thế này là nhờ vào“ý nguyện của nhân dân, người thực sự có quyền lực tối thượng”.

Nhà vua Akihito ra đời ngày 23/12/1933 mang đến niềm vui cho toàn thể dân tộc, là con trai trưởng của Nhà vua Showa và Hoàng hậu Kojun. Ngài có bốn chị gái, một em trai và một em gái.

Nhà vua học tiểu học và trung học tại Gakushuin, trường Bộ Nội chính Hoàng Gia, sau trở thành cơ sở giáo dục tư thục. Trong thời kỳ chiến tranh, ngài và các bạn đồng môn tiểu học được sơ tán khỏi Tokyo đến vùng nông thôn Nikko.Ngài lưu lại Nikko cho đến khi chiến tranh kết thúc năm 1945.

Năm 1952, ngài vào học Khoa Kinh tế Chính trị, Đại học Gakushuin. Lễ thành nhân và Lễ tấn phong Hoàng Thái Tử của ngài được tổ chức cùng năm. Ngay sau đó, ngài chính thức bắt đầu thực hiện nghĩa vụ của mình trên cương vị Hoàng Thái Tử.

Năm sau, ngài thực hiện chuyến công du nước ngoài đầu tiên để tham dự lễ đăng quang của Nữ hoàng Elizabeth II, Vương quốc Anh và đi thăm nhiều nước Bắc Mỹ và Châu Âu. Ngài hoàn thành chương trình giáo dục đại học vào năm 1956.

Ngoài chương trình giáo dục chính thức, Hoàng Thái tử nhận được nhiều chương trình đào tạo đặc biệt về Lịch sử, Luật pháp Nhật Bản và các lĩnh vực khác.

Ngày 10/4/1959, Hoàng Thái Tử Akihito cưới cô Michiko Shoda, con gái của một doanh nhân xuất sắc. Tiến sỹ Shinzo Koizumi, người giám sát việc học tập của Hoàng Thái tử trong nhiều năm đã phát biểu về cuộc hôn nhân như sau: “Hoàng Thái Tử đã chọn công nương, và chúng tôi cũng chọn nàng”.

Theo Luật Hoàng gia, Hội đồng Hoàng gia, đứng đầu là Thủ tướng hoàn toàn hài lòng về cuộc hôn nhân của Hoàng Thái tử. Cả nước vui mừng với lễ cưới truyền thống được tổ chức cùng dàn xe ngựa kéo lộng lẫy.

Hơn 500.000 người đổ ra đường để chào mừng sự kiện này được đánh giá là một trong những ngày hạnh phúc nhất trong lịch sử hậu chiến Nhật Bản.

Được sự hỗ trợ nhiệt tình và hết mình của Công nương Michiko, Hoàng Thái tử Akihito đã thực hiện nghĩa vụ của mình bằng một nguồn năng lượng tươi mới, ngoài việc tuân thủ trung thành truyền thống Hoàng gia, ngài còn mở ra nhiều lĩnh vực hoạt động mới phù hợp với vai trò của Hoàng Thái tử trong thời kỳ hiện đại.

Nhờ có sự thúc đẩy mạnh mẽ của Hoàng Thái Tử, Cuộc Thi đấu Thể thao Quốc gia cho người khuyết tật được tổ chức lần đầu tiên vào năm 1965, tạo cơ hội lớn cho người khuyết tật tham gia đầy đủ hơn vai trò của mình trong xã hội.

Giải thưởng hàng năm cho hoạt động chăm sóc trẻ khuyết tật với sự hỗ trợ của Hoàng Thái Tử cũng ra đời.

Hoàng Thái tử và Công nương dành thời gian gặp gỡ tất cả các tình nguyện viên của Tổ chức Hợp tác Hải ngoại Nhật Bản trước khi họ rời đất nước đi nhận nhiệm vụ tại các nước đang phát triển.

Quỹ Học bổng Hoàng Thái Tử Akihito cũng được thành lập dành cho việc trao đổi sinh viên giữa Nhật Bản và Hawaii nơi có nhiều người Mỹ gốc Nhật sinh sống.

Hoàng Thái tử và Công nương đã đi thăm 37 nước trên khắp thế giới, trong hầu hết trường hợp thay mặt Nhà vua và Hoàng Hậu. Ở các nước đến thăm, Hoàng Thái tử và Công nương đã để lại ấn tượng sâu sắc về sự khiêm nhường và chân thành của mình.

Tiểu sử Hoàng hậu Michiko

Công nương Michiko sinh ngày 20/10/1934, là con gái cả của doanh nhân Hidesabuto và Fumiko Shoda. Gia đình Shoda xuất sắc trong cả lĩnh vực kinh doanh và học thuật, hai thành viên trong dòng họ đã từng nhận Huân chương Văn hóa, huân chương cao quý nhất của Nhà vua dành cho học giả và nghệ sỹ.

Hoàng hậu Michiko của Nhật Bản.

Công nương học trường tiểu học Futaba, nghỉ học khi lên lớp bốn do cuộc sống tại Tokyo thời chiến tranh quá khó khăn và quay trở lại Tokyo để hoàn thành việc học tập sau khi chiến tranh kết thúc.

Sau đó bà vào học trường Trung học Thánh tâm ở Tokyo và thi đỗ vào khoa Văn học Anh, trường Đại học Thánh Tâm. Trong những năm trung học, bà được bầu làm Chủ tịch Hội sinh viên. Theo nhiều bạn học của bà, bà nhận được sự tín nhiệm của bạn bè và luôn hỗ trợ tăng cường sự đoàn kết trong trường. Bà tốt nghiệp thủ khoa vào năm 1957.

Trên cương vị Công nương, bà đã gặp gỡ nhiều người ở mọi tầng lớp và thấu hiểu những vấn để tồn tại trong xã hội. Với tính cách khiêm nhường và điềm đạm, bà từng nói rằng, là thành viên của Hoàng Gia, bà mong muốn mãi là một người quan tâm đến những gì xảy ra trong xã hội, theo dõi và quan tâm đến người dân, nhu cầu của người dân và luôn cầu nguyện cho hạnh phúc của muôn dân.

Hoàng Thái tử và Công nương đã tạo dựng được một gia đình hạnh phúc với ba người con, Hoàng tử Naruhito, Hoàng tử Fumihito và Công chúa Sayako. Khác với thông lệ tiền triều, Hoàng Thái tử và Công nương quyết định giữ các con bên mình.

Mặc dù bận rộn, Công nương vẫn tự mình chăm sóc các con. Bà cho các con bú sữa mẹ hoàn toàn. Khi các vị hoàng tử và công chúa đến tuổi đi học, bà tự mình chuẩn bị hộp cơm trưa cho các con mỗi sáng.

Sau này, bà có nói về phương pháp nuôi dạy con cái như sau: “Tôi luôn xin tư vấn Nhà vua (lúc đó là Hoàng Thái tử) về mọi vấn đề và tôi rất biết ơn ngài về những lời khuyên quý báu rút ra từ kinh nghiệm bản thân...”.

Trong một cuộc họp báo, Nhà vua từng có lần nhắc đến việc ngài luôn thể hiện tình yêu và quý trọng đối với người thân, trên hết là cha mẹ mình, như việc ngài cùng vợ và các con thường xuyên đến thăm Nhà vua Showa và Hoàng hậu Kojun. 

Sau khi Nhà vua Showa băng hà, Hoàng hậu Michiko cùng Nhà vua Akihito vẫn duy trì nếp thăm vấn Hoàng hậu Kojun mỗi cuối tuần cho đến khi Hoàng hậu Kojun băng hà vào ngày 16/6/2000.

Vũ Anh (Theo Sách ảnh Their Majesties the Emperor and Empress of Japan)
Chuyến thăm Việt Nam của Nhà vua - Hoàng hậu Nhật Bản mở ra chương mới
Chuyến thăm Việt Nam của Nhà vua - Hoàng hậu Nhật Bản mở ra chương mới

Chuyến thăm cấp nhà nước đầu tiên của Nhà vua Nhật Bản Akihito và Hoàng hậu Nhật Bản Michiko hứa hẹn mở ra chương mới trong quan hệ Nhật Bản – Việt Nam.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN