55 năm ngày truyền thống Lực lượng Cảnh sát nhân dân Việt Nam

Cách đây 55 năm, ngày 20/7/1962, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Lệnh số 34/LCT công bố Pháp lệnh quy định nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng Cảnh sát nhân dân và Pháp lệnh quy định cấp bậc sĩ quan, hạ sĩ quan Cảnh sát nhân dân. Đây được coi là sự kiện đặc biệt quan trọng, là mốc son đánh dấu sự trưởng thành, lớn mạnh của lực lượng CSND.

Trong suốt chặng đường vẻ vang của mình, dưới sự lãnh đạo của Đảng, của Bác Hồ kính yêu, cán bộ, chiến sĩ lực lượng CSND luôn trung thành tuyệt đối với Đảng, với lý tưởng cách mạng, với lợi ích dân tộc, gắn bó máu thịt với nhân dân, đã lập nên nhiều thành tích, chiến công xuất sắc, xứng đáng “Cảnh sát Việt Nam mưu trí, dũng cảm, vì nước, vì dân quên thân phục vụ”.

Bảo vệ chính quyền cách mạng non trẻ

Ngay sau khi được thành lập, lực lượng CSND tại các địa phương trong cả nước đã phối hợp với lực lượng Liêm phóng trấn áp bọn phản cách mạng, bọn lưu manh côn đồ, giữ gìn trật tự trị an ở các thành phố, thị xã, bảo vệ an toàn các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước từ căn cứ về Hà Nội. Đặc biệt, lực lượng Cảnh sát đã phối hợp chặt chẽ cùng các lực lượng khác bảo vệ tuyệt đối an toàn Lễ Tuyên ngôn độc lập nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ngày 02/9/1945 tại Thủ đô Hà Nội. Mặc dù mới được thành lập, song lực lượng Công an nhân dân nói chung, lực lượng Cảnh sát nhân dân nói riêng đã nhanh chóng ổn định đi vào hoạt động với vai trò là lực lượng chuyên chính của Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Lễ kỷ niệm 55 năm Ngày truyền thống lực lượng Cảnh sát Nhân dân ngày 18/7. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN

Nổi bật nhất là chiến công của Nha Công an Trung ương (gồm lực lượng Trinh sát và Cảnh sát) trong vụ án lịch sử số 7 phố Ôn Như Hầu (nay là phố Nguyễn Gia Thiều, Hà Nội) ngày 12/7/1946 phá tan tổ chức phản động nguy hiểm cấu kết với thực dân Pháp đảo chính lật đổ chính quyền cách mạng; điều tra khám phá vụ thảm sát cả nhà chủ hiệu kim hoàn Vĩnh Tường ngày 03/8/1946 ở thành phố Hải Phòng do binh lính Pháp gây ra; cùng các lực lượng khác bảo vệ an toàn cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội đầu tiên trong cả nước tháng 01/1946…

Góp phần quan trọng vào sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, cán bộ chiến sĩ CSND đã bám sát nhiệm vụ chính trị Đảng và Nhà nước giao, vừa tích cực phòng ngừa, chủ động đấu tranh chống tội phạm, vừa bảo vệ tài sản Nhà nước, tính mạng và tài sản của nhân dân, bảo vệ các cơ sở kinh tế, giao thông… đồng thời chi viện cho an ninh miền Nam gần 3.000 cán bộ, chiến sĩ. Số cán bộ chiến sĩ được tăng cường đã cùng với lực lượng tại chỗ chiến đấu tiêu diệt địch, đồng thời tiếp quản, thực hiện công tác quản lý hành chính, đấu tranh chống tội phạm, giữ gìn an ninh trật tự, góp phần củng cố và bảo vệ chính quyền cách mạng vùng mới giải phóng.

Sau giải phóng miền Nam, tội phạm gia tăng hoạt động khiến tình hình an ninh trật tự diễn biến theo chiều hướng xấu. Số vụ phạm tội gia tăng trong khi lực lượng CSND lại thiếu, phương tiện phục vụ công tác vừa thiếu, vừa lạc hậu… Trong hoàn cảnh đó, giữ vững trật tự xã hội trở thành thách thức lớn đối với lực lượng CSND. Với sự kiên định, lòng dũng cảm và ý chí kiên cường, được sự lãnh đạo của Đảng, trong 5 năm 1980 đến 1985, lực lượng CSND đã mở 23 đợt tấn công, kết hợp với phát động quần chúng truy quét tội phạm hình sự trên toàn quốc. Đã bắt 192.504 tên tội phạm, trong đó 30% là lưu manh chuyên nghiệp, triệt phá 13.001 băng, ổ, nhóm tội phạm, trong đó có 141 băng cướp của, giết người; bắt truy tố 17.078 tên, tập trung giáo dục cải tạo 37.605 tên. Đi đôi với đấu tranh tội phạm hình sự, trên mặt trận chống Fulro Tây Nguyên, lực lượng cảnh sát phối hợp với các lực lượng lập được nhiều chiến công lớn, đánh 2.025 trận, diệt 2.435 tên, gọi trình diện 9.546 tên.

Bước vào thời kỳ đổi mới, nhiệm vụ công tác công an càng nặng nề. Các thế lực thù địch chống phá quyết liệt hơn, hoạt động của tội phạm hình sự, tội phạm kinh tế, tội phạm về ma túy càng trắng trợn, tinh vi hơn.

Lực lượng CSND đã tham mưu cho Đảng, Chính phủ ban hành nhiều văn bản pháp luật quan trọng nhằm phát huy sức mạnh của quần chúng nhân dân, nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác đấu tranh phòng chống tội phạm, nâng cao chất lượng phục vụ.

Lực lượng CSND cũng đã chủ động và liên tục trấn áp tội phạm, nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về trật tự an toàn xã hội. Điển hình như: Vụ triệt phá băng tội phạm hình sự ở 62 Trần Phú, Khánh Hòa; vụ triệt phá băng cướp Bạch Hải Đường; vụ Trương Văn Cam và đồng bọn... Trong lĩnh vực đấu tranh tội phạm kinh tế, thời gian qua, dấu hiệu các doanh nhân, doanh nghiệp, cán bộ nhà nước lợi dụng chức quyền, địa vị xã hội xâm phạm, làm thất thoát ngân sách nhà nước, phá hoại, làm lũng đoạn nền kinh tế bằng những thủ thuật tinh vi cũng ngày càng gia tăng. Trước những thách thức đầy cam go đó, Lực lượng CSND đã xác lập hàng trăm chuyên án lớn, khám phá, làm rõ nhiều vụ “đại án” kinh tế xảy ra ở các Công ty Cho thuê tài chính II (ALC II), Công ty Vifon, Vinalines, vụ lừa đảo lên tới 4000 tỷ đồng do Huỳnh Thị Huyền Như cầm đầu… bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật, củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước và lực lượng Công an.

Có thể nói, mỗi trang sử hào hùng của dân tộc, mỗi biến đổi trọng đại của đất nước trên chặng đường chiến đấu, bảo vệ cũng như xây dựng, phát triển luôn có sự đóng góp của lực lượng CSND. 55 năm, một chặng đường lịch sử, mà bao công sức, sự hy sinh của nhiều thế hệ cán bộ, chiến sĩ CSND đã đổ vì nền độc lập tự do của Tổ quốc, vì cuộc sống bình yên và hạnh phúc của nhân dân. Chỉ tính riêng trong thời kỳ đổi mới, đã có 162 chiến sĩ CSND hy sinh trên mặt trận đấu tranh phòng, chống tội phạm, hơn 1.000 cán bộ, chiến sĩ bị thương hoặc bị phơi nhiễm HIV. Những chiến công của họ đã được Tổ quốc, Đảng, Nhà nước và nhân dân ghi nhận và được tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý: 1 Huân chương Sao Vàng, 9 Huân chương Hồ Chí Minh, 118 tập thể và 74 cán bộ, chiến sỹ CSND được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân và nhiều phần thưởng cao quý khác.

Lan Khanh (TTXVN)
Xây dựng lực lượng Cảnh sát nhân dân đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới
Xây dựng lực lượng Cảnh sát nhân dân đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới

Sáng 18/7, phát biểu tại Lễ kỷ niệm 55 năm Ngày truyền thống lực lượng Cảnh sát nhân dân (20/7/1962 – 20/7/2017), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu lực lượng Cảnh sát nhân dân chú trọng phối hợp bảo đảm an ninh, trật tự các sự kiện quan trọng của đất nước, trọng tâm là bảo vệ tuyệt đối an ninh, an toàn năm APEC 2017 và Tuần lễ cấp cao sẽ diễn ra tại Đà Nẵng vào tháng 11/2017.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN