01:10 23/01/2012

Nhân tài - Từ phát hiện đến trọng dụng

Ở môi trường cào bằng, bình quân chủ nghĩa, sẽ không thể xuất hiện nhân tài. Chúng ta đã có những thành công nhất định trong việc phát hiện, đào tạo và bồi dưỡng nhân tài. Nhưng khâu quan trọng nhất là trọng dụng nhân tài thì lại bị bỏ ngỏ.

“Ở môi trường cào bằng, bình quân chủ nghĩa, sẽ không thể xuất hiện nhân tài. Chúng ta đã có những thành công nhất định trong việc phát hiện, đào tạo và bồi dưỡng nhân tài. Nhưng khâu quan trọng nhất là trọng dụng nhân tài thì lại bị bỏ ngỏ. Đó là khâu yếu nhưng lại chính là khâu quan trọng nhất. Vì vậy, muốn động viên người tài đóng góp hết mình cho đất nước thì phải khắc phục điểm yếu này”, GS Đào Trọng Thi (ảnh), Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đã trao đổi với Tin Tức như vậy xung quanh vấn đề bồi dưỡng và trọng dụng nhân tài.


Ông nhận định gì về thực trạng bồi dưỡng và sử dụng người tài ở nước ta hiện nay?

Trong quan điểm của lãnh đạo Đảng và Nhà nước ta, vấn đề nhân tài luôn được xác định là yếu tố quan trọng trong sự nghiệp phát triển chung của đất nước. Những năm vừa qua, nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng nhân tài được ghi nhận trong nhiều văn kiện của Đảng và các chương trình chiến lược quốc gia. Tuy nhiên, chúng ta vẫn chưa có văn bản riêng nào đề cập một cách toàn diện, đầy đủ và hệ thống về vấn đề này.

Trong những năm qua, công tác phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng nhân tài của ta đã đạt được những thành tựu đáng khích lệ. Một mô hình phát hiện, bồi dưỡng những tài năng trẻ rất hiệu quả phải kể đến là các trường phổ thông chuyên. Ở bậc đại học, ta có những lớp cử nhân tài năng, cử nhân chất lượng quốc tế. Tuy nhiên, những gì làm được chưa bắt nhịp được với nhu cầu phát triển của đất nước. Chúng ta còn chưa khai thác được hết những tiềm năng về nhân tài trong tuổi trẻ nói riêng và trong đội ngũ nhân lực nói chung.

Các nhân tài ở trình độ càng cao thì càng ít đi. Xu hướng này phổ biến ở tất cả các lĩnh vực. Nhân tài của ta hạn chế về trình độ cũng như về những thành tích vượt trội. Tôi nghĩ khiếm khuyết đó cần phải được khắc phục.

Chương trình “Cử nhân tài năng” và “Chương trình tiên tiến” có cùng chung một mục đích phát hiện nhân tài không thưa ông?

Việc phát hiện và bồi dưỡng nhân tài là mục đích của các trường năng khiếu, trường chuyên (bậc phổ thông) và các chương trình cử nhân tài năng (bậc đại học). Các chương trình tiên tiến, chất lượng cao chỉ nhằm đào tạo chất lượng cao hơn chất lượng đại trà. Chúng ta tổ chức chương trình chất lượng cao bởi vì chất lượng chương trình đại trà đang còn thấp. Tuy nhiên, có thể từ những chương trình chất lượng cao ấy sẽ dễ phát hiện được những em có triển vọng trở thành nhân tài hơn. Đây có thể xem như bước đầu tiếp cận với trình độ đào tạo quốc tế.

Vậy ông nghĩ sao về những mô hình phát hiện bồi dưỡng nhân tài ở Việt Nam hiện nay?

Tôi cho rằng những mô hình phát hiện, bồi dưỡng nhân tài đang áp dụng ở Việt Nam là phù hợp với điều kiện của nước ta. Điều này có thể khác với quan niệm tìm kiếm nhân tài trong đông đảo học sinh thông qua sàng lọc một cách tự nhiên ở các nước tiên tiến. Chúng ta chưa có điều kiện đầu tư tốt như vậy cho tất cả học sinh, nên phải sơ bộ lựa chọn những em có triển vọng nhất để ưu tiên đầu tư điều kiện phát triển. Hiệu quả của cách làm này được ghi nhận trong những kỳ thi Olympic quốc tế và thành tích này rõ ràng vượt trội so với trình độ phát triển kinh tế đất nước.

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân và các tài năng trẻ tiêu biểu được nhận giải thưởng Quả Cầu Vàng 2011. Ảnh: Đình Trân - TTXVN


Phần lớn những em từng qua các trường năng khiếu, trường chuyên, các lớp cử nhân tài năng sau này đã phát triển rất tốt. Có những em trong số đó đã được nhận học bổng của những trường danh tiếng trên thế giới để tiếp tục học lên. Nhiều sinh viên của lớp cử nhân tài năng thuộc trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội) đã được nhận học tiếp tại ĐH Bách khoa Paris (Pháp). Sinh viên Việt Nam luôn có thành tích học tập nổi bật, thậm chí hơn cả sinh viên nước chủ nhà. Có đến 70 - 80% số sinh viên này có thành tích học tập rất tốt.

Một vấn đề lâu nay được quan tâm là việc những nhân tài được Việt Nam phát hiện, bồi dưỡng và nhận được học bổng đi học ở nước ngoài có quay trở lại Việt Nam phục vụ sau khi tốt nghiệp không? Hiện tượng mà chúng ta vẫn quen gọi là “chảy máu chất xám” được đánh giá ra sao, thưa ông?

Thực ra nghĩ như vậy là chưa chính xác. Rất nhiều em đã trở về nước công tác và có đóng góp nhất định. Tuy nhiên ta cũng nên có cái nhìn khác đối với những em sau khi học xong trường chuyên, chương trình tài năng và có cơ hội tiếp tục học tập ở nước ngoài dài hạn.

Đào tạo nhân tài là một quá trình lâu dài, chúng ta không nên đòi hỏi các em học xong là phải trở về nước ngay. Tại sao khi các em được cơ sở nước ngoài tiếp nhận tiếp tục học tập để phát triển cao hơn thì chúng ta lại nghĩ đó là chảy máu chất xám? Khi những cá nhân xuất sắc đó có cơ hội thì nên tạo điều kiện để họ phát triển. Đến khi họ thành những tài năng thực thụ mới cần thực thi những chính sách thu hút họ trở về nước làm việc. Qua trao đổi, đa số các em đều chia sẻ với chúng tôi là mong muốn trở về nước phục vụ. Nhưng rất cần những chính sách khuyến khích, động viên xứng đáng. Bởi vì đãi ngộ không thỏa đáng thì không phát huy được tài năng của họ. Không thể nghĩ rằng với cuộc sống khó khăn mà họ lại có thể hết lòng phấn đấu phục vụ đất nước. Điều này là phi tự nhiên. Mặt khác, xét từ góc độ lợi ích của Nhà nước, xã hội chúng ta cần phải tạo điều kiện thuận lợi để những nhân tài ấy về nước làm việc. Nhà nước, xã hội đã mất nhiều công sức, tiền của để phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng họ nhưng đến khi có thể khai thác tài năng của họ thì lại không làm; trong khi khâu sử dụng nhân tài mới là khâu quyết định. Như thế là quá phí phạm nếu nhìn từ phía lợi ích nhà nước, xã hội.

Hệ thống chính sách, chế độ còn mang tính cào bằng, bình quân chính là nguyên nhân gây lãng phí nhân tài. Chúng ta đã chuẩn bị tất cả nhưng đến lúc có thể đầu tư khai thác thì lại bỏ qua. Nếu chúng ta không trọng dụng nhân tài của mình thì các nước khác sẽ thu hút ngay. Chúng ta không đào tạo nhân tài để trưng bày hay trang trí.

Tôi chỉ lấy ví dụ về việc trả lương hiện nay. Chưa nói ở bậc cao mà chỉ phân tích mức lương khởi điểm dành cho người tốt nghiệp đại học. Hai người cùng tốt nghiệp đại học, trong đó một người giỏi hơn tiếp tục học thạc sĩ hai hoặc ba năm, đến lúc đó người bạn ra đi làm cũng đến niên hạn nâng lương. Như vậy, lương của hai người là tương đương nhau, có nghĩa là người có tài chưa chắc được đãi ngộ hơn người bình thường. Trong khi ở các nước khác, lương người có bằng thạc sĩ có thể gấp đôi cử nhân và lương của tiến sĩ có thể gấp đôi thạc sĩ. Đấy là còn chưa nói đến những nhân tài nổi trội có thể được đãi ngộ đặc biệt.

Quan tâm đầu tư bồi dưỡng nhân tài nhưng lại không có chính sách trọng dụng nhân tài thì cũng không hiệu quả. Tôi nghĩ khâu yếu của chúng ta là trọng dụng nhân tài. Biểu hiện rõ nhất là thái độ bình quân, cào bằng trong chế độ chính sách thu hút người tài.

Thưa ông, cần phải hiểu rõ việc trọng dụng nhân tài ra sao? Giải pháp có thể thực hiện ngay trong thời gian tới là gì?

Đã đến lúc chúng ta phải có chiến lược phát triển nhân tài, bao gồm các khâu tạo nguồn, phát hiện, đào tạo bồi dưỡng và trọng dụng nhân tài. Trong tất cả các khâu đó tôi muốn nhấn mạnh khâu đang yếu nhưng lại là khâu quyết định là trọng dụng sao cho nhân tài được phát huy tối đa để phát triển đất nước. Cần kiên quyết chống tư tưởng bình quân, cào bằng trong việc sử dụng lao động, đặc biệt là đối với nhân tài.

Tôi cho rằng cần đầu tư cho nhân tài nhiều hơn, thỏa đáng hơn, nhằm khai thác tài năng của họ để phục vụ đất nước. Nên hiểu điều này mang lại lợi ích cho sự phát triển của nước nhà. Nên hiểu những gì ta đầu tư cho nhân tài là quá nhỏ bé so với lợi ích mà xã hội thu được. Nhiều người quan niệm việc đãi ngộ người tài là phần thưởng cho họ. Thực tế, không phải như vậy. Chúng ta nên hiểu chính sách, chế độ trọng dụng nhân tài là vì quyền lợi của đất nước, xã hội. Người tài ấy nếu ta không sử dụng thì nước khác họ cũng sử dụng mất.

Xin cảm ơn ông!

Lê Vân (thực hiện )