06:03 18/06/2012

Nhân rộng mô hình cây, con xóa đói giảm nghèo

Trung tâm ứng dụng tiến bộ KH&CN tỉnh Quảng Trị đã nghiên cứu phục tráng thành công hai giống chuối trên địa bàn huyện miền núi Hướng Hóa bằng phương pháp Invitro, một phương pháp nhân giống hiện đại được thực hiện trong phòng thí nghiệm.

Trung tâm ứng dụng tiến bộ KH&CN tỉnh Quảng Trị đã nghiên cứu phục tráng thành công hai giống chuối trên địa bàn huyện miền núi Hướng Hóa bằng phương pháp Invitro, một phương pháp nhân giống hiện đại được thực hiện trong phòng thí nghiệm. Hai loại chuối được chọn ứng dụng công nghệ sinh học để phục tráng là giống chuối mốc (chuối tây) và chuối lùn (chuối bà lùn), đã được trồng từ lâu trên địa bàn.


 

Phục tráng cây chuối. Ảnh: Vương Lợi

Sau gần 1 năm thực hiện đề tài nghiên cứu, đến nay cây chuối được phục tráng đã phát triển tốt, theo đúng yêu cầu nghiên cứu đặt ra. Theo đánh giá của Hội đồng khoa học tỉnh Quảng Trị, đây là đề tài có tính thực tiễn cao, góp phần xóa đói giảm nghèo, tăng trưởng kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân miền núi.


Chuối là loại cây trồng chủ lực của huyện Hướng Hóa, được nông dân tập trung đầu tư mở rộng diện tích. Hiện, diện tích trồng chuối trên địa bàn huyện đạt khoảng 1.500 ha, tập trung chủ yếu ở các xã Tân Long, Tân Thành, Lao Bảo và một số xã vùng Lìa.


l Tỉnh Phú Thọ đang triển khai nhân rộng mô hình nuôi cá sạch, cho hiệu quả kinh tế cao, với mức thu nhập 75 - 150 triệu đồng/ha/vụ và giảm ô nhiễm môi trường. Đây là mô hình được Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản I thí điểm đầu tiên tại xã Đồng Cam, huyện Cẩm Khê (Phú Thọ) từ năm 2008.


Xã Đồng Cam có 20 hộ tham gia mô hình nuôi cá sạch với tổng diện tích ao nuôi 25 ha. Hộ nuôi ít nhất cũng có quy mô nuôi ở 1.000 m2 ao; ao nuôi có độ sâu từ 1,5 - 2 m. Sau từ 4 - 6 tháng, Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản I sẽ đến tận bờ thu mua cá, giải quyết đầu ra cho bà con nông dân. Ước tính, năng suất trung bình đạt 7 - 10 tấn/ha/vụ, giá trị kinh tế đạt từ 75 - 150 triệu đồng/ha/vụ. Ông Nguyễn Đình Đô, khu 2, xã Đồng Cam cho biết: Gia đình ông có 1.000 m2 ao nuôi cá sạch, trừ chi phí giống và thức ăn, mỗi năm gia đình thu được từ 15 - 17 triệu đồng. So với trồng lúa thì nuôi cá sạch đem lại nguồn thu gấp 3 - 4 lần.


Cũng là hộ tham gia dự án, anh Bùi Đức Hạnh, khu 4, xã Đồng Cam chia sẻ: “Trước đây gia đình tôi nuôi cá theo phương pháp truyền thống nên năng suất thấp, cá dễ mắc bệnh, nhất là những khi thời tiết thay đổi". Với 2.000 m2 nuôi cá theo quy trình hướng dẫn của Viện Nghiên cứu thủy sản 1, gia đình anh thu về từ 7 - 10 triệu đồng/sào/ năm. Kỹ sư Hoàng Chung, Viện nghiên cứu nuôi trồng thủy sản I cho biết: Mô hình nuôi cá sạch mở ra một hướng đi mới cho nông dân huyện Cẩm Khê, đồng thời sẽ cung cấp một lượng cá sạch, đảm bảo chất lượng cho thị trường trong nước và góp phần đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn. Các hộ nuôi cá đều được bao tiêu sản phẩm và phải tuân thủ nghiêm túc quy trình nuôi và giữ vệ sinh môi trường ao nuôi, không sử dụng thiết bị sục khí, quạt nước và các thuốc kháng sinh hoặc chế phẩm vi sinh.


Huyện Cẩm Khê có tới 1.785 ha ao hồ, tập trung chủ yếu tại các xã: Điêu Lương, Văn Khúc, Tiên Lương, Tuy Lộc, Đồng Cam. Trước khi có mô hình nuôi cá sạch, người dân vẫn chủ yếu nuôi tự phát theo tập quán cũ, phục vụ nhu cầu tại địa phương nên giá trị kinh tế thấp. Mô hình nuôi cá sạch được triển khai thành công, đem lại hiệu quả kinh tế cao đã giải quyết được bài toán trong phát triển nuôi trồng thủy sản tại địa phương. Thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục triển khai mô hình nuôi cá sạch tại xã Tình Cương.

 

Vương Lợi-Vũ Bắc