07:10 18/07/2011

Nhân ngày Thương binh liệt sĩ 27/7: Thương binh “Chúa Chổm” thành tỷ phú

Tỷ phú thương binh Vũ Tuấn Tú, 65 tuổi, ở xã Hồng Lạc, huyện Sơn Dương, được người dân Tuyên Quang biết đến như một tấm gương vượt qua khó khăn, thương tật để làm giàu và là người giàu tình nghĩa với đồng đội.

Tỷ phú thương binh Vũ Tuấn Tú, 65 tuổi, ở xã Hồng Lạc, huyện Sơn Dương, được người dân Tuyên Quang biết đến như một tấm gương vượt qua khó khăn, thương tật để làm giàu và là người giàu tình nghĩa với đồng đội. Với vóc người thấp đậm, dáng đi tập tễnh, ít ai nghĩ ông là người kinh doanh giỏi, trong tay có hàng chục tỷ đồng và nhiều lần vinh dự được tham dự Đại hội thi đua Cựu chiến binh toàn quốc. Điều thú vị là, khi mới bắt đầu khởi nghiệp, ông Tú được người dân địa phương đặt cho cái biệt danh “Chúa Chổm”.

Sinh ra và lớn lên tại tỉnh Thái Bình, năm 1962, ông lên Tuyên Quang nhận công tác tại Lâm trường Thống Nhất (nay là Công ty Lâm nghiệp Sơn Dương). Năm 1968, theo tiếng gọi của Tổ quốc, ông nhập ngũ tham gia chiến đấu tại mặt trận Tây Nguyên và bị thương trong một trận chiến đấu ác liệt, với tỷ lệ thương tật trên 40%. Trở về địa phương với thương tật trên người song thương binh Vũ Tuấn Tú luôn lấy lời Bác dạy "Thương binh tàn nhưng không phế" để làm phương châm sống trong suy nghĩ và hành động.

Ông Tú kể: “Lúc mới trở về, cuộc sống của gia đình vô cùng khó khăn, tài sản chỉ có vài bộ quần áo lính và chiếc xe đạp do cô em ruột ở Quảng Ninh cho mượn. Nửa gian nhà tập thể, chiếc giường nằm của hai vợ chồng được ghép lại từ 2 chiếc giường cá nhân cũng do Bệnh viện huyện Sơn Dương cho mượn. Bữa ăn hàng ngày chủ yếu là ngô, sắn, rồi những lần vết thương tái phát tôi liên tục phải nhập viện, cuộc sống vô vàn khó khăn”. Trước hoàn cảnh ấy, ông đã suy nghĩ và trăn trở rất nhiều về việc phải làm gì để cuộc sống đỡ nghèo khổ. Ông xác định rằng, phải tự vươn lên làm giàu bằng trí tuệ và sức lực của mình để giảm gánh nặng cho xã hội và tạo ra tương lai cho con cái sau này.

Những năm đầu làm kinh tế, vì chưa có vốn nên gia đình ông đã phải xoay xở rất nhiều nghề như: Chữa xe đạp, mổ lợn, mổ bò ở chợ, buôn gương, kính... cuộc sống tất tả ngược xuôi. Năm 1986, phong trào đào, đãi vàng, đá quý ở Tuyên Quang phát triển rầm rộ, ham muốn làm giàu lại thôi thúc ông. Có chút vốn liếng ki cóp được, ông Tú chiêu mộ 20 thanh niên trong xã rồi cùng nhau lên Na Hang đào vàng thử vận may. Nhưng rồi vận may lại không “mỉm cười” với ông, số vốn liếng ít ỏi bỏ ra đã không mang lại kết quả gì. Một lần nữa ông Tú lại trắng tay, phải làm lại từ đầu.

Năm 1988, đất nước bắt đầu thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, nhiều quy định gò bó trong kinh doanh, buôn bán trước đây đã được dỡ bỏ. Nắm bắt cơ hội, ông bắt tay ngay vào việc kinh doanh. Phát hiện ra thị trường vận tải hành khách đang có nhu cầu lớn nên ông đã mạnh dạn thuê xe ô tô chở khách mở tuyến Kim Xuyên đi Hà Nội phục vụ nhân dân, đồng thời kết hợp với buôn bán hàng hóa. Ông Tú tâm sự: “Những năm đầu làm kinh doanh vận tải phần lớn số vốn tôi phải đi vay lãi để thuê xe và trả lương cho lái xe. Bên cạnh đó tôi phải cạnh tranh liên tục để có khách, có tuyến, rồi các sự cố về quản lý lái xe; kỹ thuật xe cộ, xăng dầu bị hạn chế nên tôi thua lỗ nhiều, có lúc phải đi vay với lãi suất 32%. Những năm 90, có những thời điểm tôi là con nợ lớn nhất khu vực Kim Xuyên nên nhân dân Kim Xuyên đã đặt tên cho tôi là “Chúa Chổm” và nhiều người nghĩ rằng tôi không trả được nợ”.

Nhưng nhờ đức tính kiên trì, dám nghĩ, dám làm và không ngừng học hỏi kinh nghiệm, ông đã dần dần đứng vững được trong môi trường kinh doanh đầy khắc nghiệt. Sau đó, việc làm ăn thuận lợi, ông đã cơ bản trả hết nợ và có tích lũy, mạnh dạn mua thêm ô tô, mở thêm tuyến mới phục vụ kinh doanh. Năm 2001, ông thành lập doanh nghiệp vận tải với số vốn trên 2 tỷ đồng và nhận lao động là con thương binh, con cựu chiến binh ở địa phương vào làm việc với thu nhập bình quân 2,5 triệu đồng/người/tháng. Từ đó đến nay, doanh nghiệp vận tải của ông Vũ Tuấn Tú không ngừng lớn mạnh với doanh thu hàng năm đạt hàng trăm triệu đồng, tạo việc làm cho hàng chục lao động.

Không những làm kinh doanh giỏi, ông Tú còn đồng cảm với những thương binh không may bị thương tật như mình. Ông luôn tạo điều kiện và giúp đỡ những thương binh khác có việc làm, thu nhập ổn định, đảm bảo cuộc sống. Năm 2009, ông đứng ra vận động thành lập Hợp tác xã (HTX) Thương binh Hồng Lạc với 100% xã viên là thương binh do ông làm chủ nhiệm. Sản xuất vật liệu xây dựng, dịch vụ vật tư nông nghiệp, dịch vụ thương mại tổng hợp, sản xuất gạch công nghệ cao... tổng doanh thu của HTX hàng năm đạt trên 2,6 tỷ đồng, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho hàng trăm thương binh, cựu chiến binh của địa phương.

Đã từng là người lính, giờ là thương binh, cựu chiến binh - câu chuyện của ông Vũ Tuấn Tú thật kỳ diệu và đầy xúc động. Phẩm chất người lính luôn thôi thúc ông vượt qua chính mình để tự thay đổi cuộc đời mình và giúp đỡ những người cùng cảnh ngộ.

Quang Cường