03:15 26/03/2015

Nhân kỷ niệm ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh 26-3: “Lớn lên” sau những chuyến đi

Chàng thanh niên Ngô Đăng Giáp, sinh viên năm thứ 3 trường Đại Học Nông nghiệp Hà Nội luôn mang trong mình nhiệt huyết của sự di chuyển. Đi để khám phá, đi để yêu thương, chia sẻ. Đôi chân ấy đã đến biết bao nơi, cùng với tấm lòng “đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên”.

Chàng thanh niên Ngô Đăng Giáp, sinh viên năm thứ 3 trường Đại Học Nông nghiệp Hà Nội luôn mang trong mình nhiệt huyết của sự di chuyển. Đi để khám phá, đi để yêu thương, chia sẻ. Đôi chân ấy đã đến biết bao nơi, cùng với tấm lòng “đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên”.

Kết nối bạn bè cùng chí hướng

Tôi gặp Giáp trong một buổi chiều mưa khi chàng thanh niên này đang tất bật chuẩn bị cho chương trình SV của trường nhân Tháng thanh niên. Gạt vội những giọt nước mưa còn vương trên mặt, cậu nói một cách háo hức về chương trình sắp tới. Luôn năng động trong công tác thanh niên của trường, Giáp cũng là người cống hiến hết mình cho hoạt động tình nguyện.

Ngô Đăng Giáp (ngoài cùng, bên phải) cùng đoàn tình nguyện giúp đồng bào xây dựng Nông thôn mới (Hương Khê, Hà Tĩnh).



Giáp luôn suy nghĩ rằng, làm sao cho những ngày tháng sinh viên, thời đẹp nhất của đời thanh niên không là những ngày tháng sống hoài sống phí. Thế rồi một lần được tham gia hoạt động tình nguyện cùng một người bạn, thấy tình nguyện là một hoạt động vô cùng ý nghĩa, Giáp quyết định vận động các sinh viên cùng trang lứa thành lập Hội tình nguyện để cùng nhau hoạt động và sẻ chia những khó khăn trong cuộc sống cộng đồng.

“Làm sao để thuyết phục được bạn bè khi mình còn quá trẻ, bắt đầu từ đâu khi trong tay vỏn vẹn tiền của một tháng ăn ở bố mẹ gửi ra”. Đó là những khó khăn ban đầu mà Giáp gặp phải. Thế nhưng bằng trái tim yêu thương và sự quyết tâm, Giáp đã thuyết phục được những thanh niên cùng chí hướng, là những sinh viên cùng tỉnh học ở Hà Nội thành lập Hội tình nguyện đồng hương Nghệ - Tĩnh. Những ngày đầu vô cùng khó khăn, Giáp phải học hỏi những đội tình nguyện khác cách thức tổ chức cũng như phong trào cụ thể để áp dụng cho hội của mình. Ban đầu, kinh phí chỉ là số tiền ít ỏi của các thành viên gom góp lại, sau đó Giáp mạnh dạn xin sự hỗ trợ hảo tâm từ các nhà kinh doanh là người Nghệ - Tĩnh sống ở Hà Nội.

Hội tình nguyện chủ yếu là các sinh viên, sau gần ba năm hoạt động, đã có hơn 150 thành viên. Các chương trình tình nguyện được tổ chức hàng tháng như dạy trẻ em học ở các làng trẻ, giúp đỡ việc tu bổ lại chùa, hằng năm có chương trình Mùa hè xanh đến các vùng sâu vùng xa để giúp đỡ bà con xây dựng nông thôn mới; tổ chức Tết Trung thu, quyên góp hỗ trợ sách bút, quần áo cho trẻ em nghèo. Hoạt động tình nguyện gần đây nhất của Hội là chương trình “Đông ấm Nghệ Tĩnh”. Được sự hỗ trợ của Đoàn thanh niên Bộ Công an và thanh niên của địa phương các tình nguyện viên đã về hai bản vùng sâu xã Tri Lễ, Quế Phong, Nghệ An và bản Rào Tre, Hương Nguyên, Hương Khê, Hà Tĩnh với số tiền quyên góp hơn 100 triệu đồng.

Không những là “thủ lĩnh” của Hội tình nguyện đồng hương, Giáp còn là một thành viên của Hội tình nguyện trường, Hội trưởng Hội Sinh Viên khoa Kinh tế và Phát triển nông thôn, Phó chủ nhiệm Câu lạc bộ Guitar và thành viên của đoàn phượt Phong Vân. Cùng một lúc kham nhiều việc, nhiều đam mê, nhưng chàng thanh niên này vẫn không quên nhiệm vụ chính là học tập.

Trải nghiệm để trưởng thành

Những chuyến đi và hoạt động tình nguyện đã đưa lại bài học quý giá cho giới trẻ thế hệ mới. Giáp chia sẻ: “Thanh niên luôn mong muốn được khám phá. Khi tham gia vào hoạt dộng tình nguyện thì các bạn trẻ có thể kết nối lại với nhau, rèn luyện được kĩ năng giao tiếp cũng như rèn luyện sức khỏe”. Giáp cũng tự tin khi nói rằng, cậu có thể biết cách cày cuốc, cấy gặt, hoặc đảo ngói nhà, đó là những việc cậu chưa từng được dạy trong sách vở.

Là người đứng đầu Hội tình nguyện, Giáp luôn rèn luyện bản thân và không ngừng học hỏi. Trong quá trình đi tình nguyện, Giáp luôn cố gắng làm sao vừa giữ kỉ cương trong Hội, vừa hòa đồng với các bạn Đoàn viên ở địa phương, bên cạnh đó phải làm sao hiểu được dân, đi dân quý, ở dân thương. Bài học làm người, yêu thương con người được bắt đầu từ những hành động nhỏ nhất như cắt móng tay cho em nhỏ ở bản làng, cầm tay dạy các em viết từng con chữ. Chàng thanh niên say sưa kể về những chuyến đi với tất cả hạnh phúc.

Khi được hỏi về sở thích phượt của mình, Giáp cho rằng phượt là một cách làm cậu có thể hiểu hơn về văn hóa và cuộc sống, cũng là cách để thử thách lòng dũng cảm của mình. Một kỉ niệm đáng nhớ nhưng cũng làm chàng trai hơi chùng lại khi kể về vụ tai nạn mà cậu đã chứng kiến và tham gia giúp đỡ trong chuyến phượt hồi tháng 9 năm ngoái. Chứng kiến chiếc xe lao xuống con vực dốc và những người ở dưới kêu cứu, cả đoàn phượt quên mình lao xuống trấn an người bị nạn, giúp đỡ cơ quan chức năng đưa nạn nhân thoát hiểm. “Khi trấn tĩnh, nạn nhân cảm thấy không còn bất an nữa, họ không còn cảm thấy đơn độc, chúng em cảm thấy hạnh phúc khi được làm điểm tựa cho họ lúc đó” Giáp chia sẻ. Đoàn phượt đã được bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng trao tặng bằng khen và những lời động viên sâu sắc cho hành động quả cảm đó.

Giáp luôn mong ước rằng ngày càng có đông đảo các thanh niên trẻ tham gia làm tình nguyện, mong có sự kết hợp của nhà trường và hỗ trợ của xã hội để Hội tình nguyện có thể phát triển sâu rộng và có ý nghĩa hơn.

Bài và ảnh: Nguyễn Lộc