06:19 08/06/2012

Nhận diện và định hướng phát triển không gian kinh tế biển

Phát triển kinh tế biển hiệu quả và bền vững phải dựa trên cơ sở duy trì được nền tảng tài nguyên, bảo toàn được chức năng sinh thái của các hệ thống tài nguyên biển và bảo vệ môi trường biển.

Kinh tế biển đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế quốc dân, là “trục chính” trong định hướng của Chiến lược Biển Việt Nam đến năm 2020, đồng thời là cốt lõi để đưa nước ta trở thành một quốc gia mạnh giàu lên từ biển.

Phát triển kinh tế biển phải duy trì được nền tảng tài nguyên, bảo toàn được chức năng sinh thái của biển. Ảnh: www.giaoduc.edu.vn


Sức mạnh từ kinh tế biển không chỉ quyết định sự phát triển lâu dài của đất nước, mà còn góp phần tăng cường sức mạnh quốc phòng, an ninh và bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.


Vì vậy, phát triển kinh tế biển hiệu quả và bền vững phải dựa trên cơ sở duy trì được nền tảng tài nguyên, bảo toàn được chức năng sinh thái của các hệ thống tài nguyên biển và bảo vệ môi trường biển.


* Nhận diện một “Việt Nam biển”


PGs.Ts Nguyễn Chu Hồi, Trung tâm Nghiên cứu biển và Hải đảo Việt Nam, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng: Là quốc gia lớn ven bờ Biển Đông với chỉ số biển khoảng 0,01, cao gấp 6 lần chỉ số biển trung bình toàn cầu, nên việc đặt biển vào vị trí quan trọng trong Chiến lược phát triển kinh tế đất nước như tinh thần Nghị quyết 09 của Trung ương về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 thể hiện tầm nhìn xa, trông rộng. Nó thể hiện tư tưởng chỉ đạo nhất quán của Đảng và Nhà nước ta đối với việc phát triển và quản lý 3/4 Tổ quốc Việt Nam “là biển”.


Theo đó, Chiến lược này đề cập đến một vấn đề vừa rộng lớn về quy mô (biển rộng gấp 3 lần đất liền), vừa phức tạp về các mối quan hệ phát triển (kinh tế, quản lý, an ninh, quốc phòng, khoa học - công nghệ, tài nguyên - môi trường…), đòi hỏi tính bao quát toàn diện và một tầm nhìn dài hạn, cũng như các giải pháp mang tính “đột phá”.
Các chiến lược gia trên thế giới đều thống nhất đánh giá, biển là di sản của nhân loại, là nơi dự trữ cuối cùng của loài người nói chung và của dân tộc Việt Nam nói riêng về lương thực, thực phẩm, nguyên nhiên liệu. Do đó việc nhận diện một “Việt Nam biển” và vị trí của nó đối với Chiến lược phát triển đất nước là rất quan trọng. Bởi biển ẩn chứa nhiều tiềm năng không thể nhìn thấu bằng mắt thường được, hơn nữa tài nguyên biển thuộc dạng tài nguyên chia sẻ và “dùng chung”, biển lại luôn khắc nghiệt với con người và hoạt động trên biển thường chịu nhiều rủi ro cao.


Vì thế, đối với một nước đang phát triển như nước ta càng phải cân nhắc đến tính bền vững trong các chính sách, chiến lược và kế hoạch dài hạn phát triển kinh tế biển. Về nguyên tắc là phát triển một “nền kinh tế xanh lam”, có nghĩa là dựa vào hệ sinh thái, ít chất thải, ít cac-bon, thân thiện với môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, công nghệ sạch hơn, an toàn thực phẩm và sản phẩm biển có sức cạnh tranh cao.


Để đạt được mục tiêu của Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 và tạo ra một “nền kinh tế xanh lam”, trong khi trình độ khai thác biển của nước ta vẫn đang ở tình trạng lạc hậu so với khu vực, Việt Nam phải nỗ lực xây dựng được một nền công nghiệp hiện đại; phát triển nền kinh tế biển hiệu quả, bền vững, có khả năng hội nhập quốc tế; có phương thức quản lý tổng hợp biển theo không gian và đảm bảo được an ninh chủ quyền vùng biển. Trong đó, phương thức quản lý tổng hợp theo không gian và công cụ quy hoạch không gian biển, đang còn là những vấn đề mới mẻ đối với không chỉ các nhà khoa học và quy hoạch, mà còn đối với các nhà quản lý và hoạch định chính sách của Việt Nam.


* Định hướng phát triển
Phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế biển Việt Nam lần thứ III với chủ đề “Tổ chức không gian phát triển kinh tế biển: Kinh nghiệm quốc tế và thực tiễn tại Việt Nam”, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Chu Phạm Ngọc Hiển nhận xét: Khác với trên đất liền, không gian kinh tế biển rộng mở, khá đa dạng và luôn tác động tương hỗ nhau cả về mặt tự nhiên và phát triển. Như vậy cho thấy tiềm năng không gian biển cho sự phát triển còn rất lớn, tập trung chủ yếu vào các mảng không gian như: Không gian vùng duyên hải, không gian biển, không gian đảo và không gian đại dương.


Đối với kinh tế biển nói chung, thủy sản nói riêng, cả 4 mảng không gian này đều rất quan trọng vì nó cung cấp những tiềm năng và lợi thế khác nhau cho phát triển kinh tế. Cho nên việc tổ chức sử dụng hợp lý các mảng không gian biển trong mối liên kết và tương tác giữa chúng với nhau, cả về mặt tự nhiên và quy hoạch là một vấn đề cấp bách và lâu dài. Đây cũng là vấn đề còn khá mới ở Việt Nam.


Theo Ts Hoàng Ngọc Phong, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển-Bộ Kế hoạch và Đầu tư: Định hướng phát triển không gian kinh tế biển của Việt Nam bao gồm 4 vấn đề chính. Trước hết phải phát triển toàn diện ngành hải sản, xây dựng khu vực này thành tiểu vùng kinh tế hải sản trọng điểm của cả nước. Bao gồm cả khai thác, nuôi trồng, chế biến và hậu cần dịch vụ. Trong đó phát triển mạnh nghề cá xa bờ.


Như vậy phải đặc biệt chú trọng đầu tư đồng bộ cho những đội tàu lớn, có công suất lớn, làm lực lượng nòng cốt cho ngư dân phát triển khai thác các vùng ngoài khơi Đông Nam Bộ, đồng thời hỗ trợ cho cùng lực lượng quốc phòng ngăn ngừa có hiệu quả các tàu thuyền nước ngoài xâm phạm đánh bắt trộm hải sản. Mặt khác xây dựng Rạch Giá-Kiên Giang thành trung tâm nghề cá và dịch vụ lớn của cả nước. Hướng phát triển của Rạch Giá là lấy phát triển công nghiệp, dịch vụ và phục vụ nghề cá làm trọng tâm, để đẩy mạnh sự phát triển của ngành công nghiệp và dịch vụ khác.


Bên cạnh đó, hình thành và phát triển các tuyến hành lang kinh tế ven biển. Cụ thể là Tuyến kinh tế Cần Thơ-Sóc Trăng, chủ yếu phát triển công nghiệp chế biến và phục vụ xuất khẩu. Tuyến ven biển phía Tây (Rạch Giá-Hà tiên) phát triển tổng hợp kinh tế biển. Tuyến biển phía Đông (Bạc Liêu-Gành Hào-Cà Mau-Năm Căn) tập trung nguồn nguyên liệu hải sản cho chế biến xuất khẩu.


Nên tiến hành xây dựng thành phố Cà Mau gắn với các đô thị ven biển ở địa phương; đồng thời phát triển các đô thị, thị trấn khác như Hòn Đất, Châu Thành, Sông Đốc, Năm Căn, Gành Hào tạo nên hệ thống đô thị ven biển, có sức hút và lan tỏa mạnh đến các vùng nội địa. Kể cả xây dựng các đô thị, thị trấn trên các đảo ở khu vực này.
Do kết cấu hạ tầng kinh tế biển của vùng này hiện còn rất thiếu thốn, đang là yếu tố trở ngại lớn cho phát triển kinh tế-xã hội trong các tiểu vùng. Trong tương lai, cùng với việc cải tạo và đồng bộ hóa kết cấu hạ tầng của những trung tâm công nghiệp, các đô thị ven biển, cũng cần dành nguồn vốn thỏa đáng để đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng cho các vùng sâu, vùng xa và các hải đảo. Đi đôi với việc phát triển thông tin liên lạc, mở rộng mạng lưới điện quốc gia đến tất cả các xã, điểm dân cư tập trung; đầu tư trang bị các trạm phát điện độc lập cho các đảo.


Văn Hào