12:01 06/12/2010

Nhân chứng cuối cùng trong “Hang sói” của Hitler

Đã 65 năm trôi qua, kể từ khi chế độ Đức Quốc xã sụp đổ năm 1945. Một nhân chứng lịch sử từng chứng kiến những giờ phút cuối cùng của trùm phát xít Adolf Hitler trong "boongke quốc trưởng", thường được gọi là "Hang sói" vẫn còn sống sót.

Đã 65 năm trôi qua, kể từ khi chế độ Đức Quốc xã sụp đổ năm 1945. Một nhân chứng lịch sử từng chứng kiến những giờ phút cuối cùng của trùm phát xít Adolf Hitler trong "boongke quốc trưởng", thường được gọi là "Hang sói" vẫn còn sống sót. Ông là Rochus Misch, năm nay đã 93 tuổi, là nhân chứng cuối cùng trong "Hang sói" vẫn còn sống. Rochus Misch từng là nhân viên văn thư, vệ sĩ và điện thoại viên của Hitler từ năm 1940 tới 1945.

Giờ đây, Rochus Misch sống trong một ngôi nhà dành cho hai gia đình ở huyện Rudow, phía nam Béclin. Đây là một vùng quê yên tĩnh. Nhưng đối với Rochus Misch thì không yên tĩnh chút nào. Ông cho biết chuông điện thoại réo liên tục và thư từ vẫn được gửi tới liên tiếp. Ông nhận được thư thậm chí gửi từ Nhật Bản, Tây Ban Nha và Mỹ. Người ta vẫn quan tâm tới số phận của ông, một thời là "vệ sĩ của quỷ sứ". Chiến tranh vẫn không buông tha Misch.

Rochus Misch tại “Hang sói” năm 1944.

Sinh năm 1917 tại Oppeln ở vùng Oberschlesien (ngày nay là Opole thuộc Ba Lan), khi mới 2 tuổi, Rochus Misch đã mồ côi cả cha lẫn mẹ, được ông bà nuôi dưỡng, sau khi học xong phổ thông đã trở thành họa sĩ quảng cáo. Năm 1937, ông gia nhập một đơn vị đặc nhiệm, tiền thân của đơn vị SS bảo vệ Hitler sau này. Trong thời gian chiến tranh ở Ba Lan, ông bị thương nặng, khi ông được giao nhiệm vụ thuyết phục một đơn vị Ba Lan đầu hàng. Sau đó là bắt đầu một điều mà Misch ngày nay vẫn gọi một cách ngắn gọn là "Số phận người lính".

"Tôi rất sợ, chỉ mong đừng gặp quốc trưởng"

Misch kể lại, trong thời gian ông an dưỡng để phục hồi sức khỏe, đại đội trưởng đã giới thiệu ông với "Đội hộ tống quốc trưởng", vì ông là người duy nhất còn lại trong một gia đình Đức, nên ông được ưu tiên không phải ra mặt trận. Người ta đưa Misch lên ô tô và đưa đến "nhà ở của quốc trưởng" tại Béclin. Tại đây, trợ lý trưởng của Hitler tên là Bruckner giao nhiệm vụ cho ông. Misch kể lại: "Tôi rất sợ, chỉ mong đừng gặp quốc trưởng". Nhưng khi Misch vừa mở cửa, Hitler đã đứng ngay ở đó. Misch thấy lạnh cả người, sau đó lại nóng bừng lên, nhưng Hitler chỉ đưa một bức thư để gửi cho người em gái ở Viên, Áo. "Đó là cuộc gặp gỡ đầu tiên. Đó không phải là quỷ sứ, không phải là một siêu nhân, ông ta đứng trước mặt tôi như một người hoàn toàn bình thường, với những lời nói thân mật". Sau đó, mỗi lần Hitler đi đâu, Misch và 4-5 vệ sĩ nữa đi theo hộ tống ở chiếc xe thứ hai.

Ngày 16/1/1945, sau khi quân Đức liên tiếp bại trận, Hitler và đoàn tùy tùng vào ẩn náu trong "Hang sói". Misch đã liên tục ở đây cho tới khi chiến tranh kết thúc.

Misch hiện nay ở Béclin.

Sáng 2/5/1945, Rochus Misch rời "Hang sói" sau khi xin phép Goebbels. Vào thời điểm đó, Hồng quân Liên Xô có lẽ chỉ còn cách "Hang sói" khoảng 200m. Misch nhớ lại, điều điên rồ nhất sau khi ông rời "Hang sói" là nhìn thấy hai người chơi ghita tại ga tàu điện ngầm "Kaiserhof". Ông nói: "Tôi đến từ một boongke tử địa, đầy bi kịch và lại nghe thấy âm nhạc. Họ chơi nhạc Hawaii". Lúc đó khoảng 6 giờ sáng. Bên cạnh Phủ Thủ tướng, chiến sự vẫn nổ ra và vẫn còn người chết, trong khi Misch tìm cách sống sót và thoát khỏi địa ngục này.

Misch trốn chạy trên hệ thống đường ray ngầm dưới mặt đất tới nhà ga "Stettin". Tại đây, ông bị bắt. Trong số các tù nhân có cả Hans Baur, phi công trưởng của Hitler đang bị thương nặng. Misch chăm sóc cho Baur, nhưng y đã khai với người Nga về tung tích của Misch và Misch được đưa tới Mátxcơva để lấy khẩu cung. Sau 8 năm trong các trại giam ở Cadắcxtan và Ural, năm 1953, Misch trở về Tây Béclin, tiếp quản một cửa hàng vôi, sơn của một người bạn và làm việc cho tới khi nghỉ hưu. Rochus Misch cũng đã viết một cuốn sách dưới nhan đề "Tôi là vệ sĩ của Hitler" về cuộc đời mình trong thời kỳ Quốc xã. Cuốn sách đã được xuất bản ở Nam Mỹ, Nhật Bản, Tây Ban Nha, Ba Lan, Thổ Nhĩ Kỳ và Đức.

Chứng kiến thi hài Hitler và Eva Braun

Misch cho biết, ông đã được chứng kiến thi hài Hitler sau khi hắn tự sát và thi hài Eva Braun, vợ chưa cưới của Hitler. Ông kể lại: "Đột nhiên, tôi nghe có ai đó nói với trợ tá của Hitler: 'Linge, Linge, tôi nghĩ điều đó đã xảy ra'. Họ có nghe thấy tiếng súng nổ, nhưng tôi thì không. Đúng lúc đó, Martin Bormann, thư ký riêng của Hitler ra lệnh cho mọi người phải yên lặng. Nhưng mọi người bắt đầu thì thầm bàn tán với nhau. Sau đó, Bormann ra lệnh mở cửa phòng Hitler. Tôi nhìn thấy Hitler nằm gục đầu lên bàn. Eva Braun nằm trên ghế sôpha, đầu quay về hướng Hitler. Đầu gối co lên ngực, mặc chiếc áo liền váy màu xanh thẫm, diềm đăng ten trên cổ. Tôi không bao giờ quên được hình ảnh đó. Tôi nhìn họ quấn xác Hitler. Chân ông thò ra ngoài khi đi ngang qua tôi. Ai đó gọi tôi: 'Lên trên nhanh lên, họ đang thiêu xác sếp'. Tôi quyết định không đi vì nhìn thấy Mueller của Gestapo đang ở đó, có lẽ không phải vô cớ. Tôi nói với Hentschel, thợ cơ khí trong boongke: 'Không chừng chúng ta sẽ bị giết vì là nhân chứng cuối cùng'".

Ngày hôm sau, bi kịch lại tiếp diễn. Bên trong boongke, 6 đứa con của nhà lãnh đạo mới của nước Đức - Joseph Goebbels - đã bị đầu độc và giết chết bởi chính Magda Goebbels, mẹ đẻ của chúng.

Misch nhớ lại: "Ngay sau khi Hitler chết, bà Goebbels đã đưa con xuống boongke và chuẩn bị giết chúng. Bà ta không thể làm trên mặt đất vì sẽ có người ngăn cản. Vì vậy, bà ta xuống boongke, vì không ai khác được phép xuống boongke. Bà ta xuống đó với ý định giết chúng. Tôi nhìn thấy lũ trẻ và mọi người đều biết những gì đang diễn ra. Thật rõ ràng. Tôi nhìn thấy bác sĩ của Hitler, ông Stumpfegger đưa cho lũ trẻ uống gì đó. Khoảng một, hai giờ sau, bà Goebbels đi ra, vừa đi vừa khóc, nhưng sau đó lại ngồi xuống bàn, bình thản chơi bài".

Vũ Long (Tổng hợp)