11:16 07/11/2014

Nhận biết trẻ khuyết tật học tập

“Trường hợp học sinh lớp 6 không biết đọc mà báo chí phản ánh thời gian qua là do khuyết tật học tập (KTHT) chứ không hẳn do cách dạy của giáo viên có vấn đề”.

“Trường hợp học sinh lớp 6 không biết đọc mà báo chí phản ánh thời gian qua là do khuyết tật học tập (KTHT) chứ không hẳn do cách dạy của giáo viên có vấn đề”.

Thông tin trên được PGS.TS Lê Văn Tạc, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Giáo dục đặc biệt (Viện Khoa học Giáo dục) chia sẻ tại hội thảo “Nhận biết, đánh giá và hỗ trợ trẻ khuyết tật học tập”. Hội thảo do Viện Khoa học giáo dục Việt Nam phối hợp với hội World Human Future (Pháp) tổ chức ngày 6/11 tại Hà Nội.

PGS.TS Lê Văn Tạc chia sẻ về định hướng nghiên cứu khuyết tật học tập ở Việt Nam.


PGS.TS Lê Văn Tạc cho biết, KTHT là thuật ngữ khá mới mẻ tại Việt Nam và nhiều người chưa hiểu rõ về vấn đề này. KTHT là thuật ngữ chung để chỉ một nhóm phức hợp những rối loạn biểu hiện ở những khó khăn đáng chú ý trong việc lĩnh hội và vận dụng các năng lực nghe, nói, đọc, viết, suy luận và tính toán. Nguyên nhân của KTHT được cho là do khiếm khuyết chức năng hệ thần kinh trung ương, có thể xuất hiện trong các hoạt động sống.

Tỷ lệ trẻ em bị KTHT trong các lĩnh vực như đọc, viết và tính toán khoảng 5-15% ở trẻ trong độ tuổi đi học và có sự khác biệt ở các nền văn hóa và ngôn ngữ khác nhau. Tỷ lệ này ở người lớn chưa được xác định rõ nhưng có thể xấp xỉ 4%. Ở Việt Nam, hiện chưa có thống kê chính thức nào về tỷ lệ KTHT của các rối loạn này.

KTHT có thể ảnh hưởng đến việc học tập của các cá nhân theo nhiều cách khác nhau như thu nhận, ghi nhớ, hiểu và diễn đạt các thông tin. Khi gặp phải những rối loạn này, học sinh thường đối mặt với rất nhiều thách thức khi theo học chương trình phổ thông quốc gia và những kỹ năng sống thường nhật. Chính vì thế, việc nghiên cứu tìm hiểu rõ để nhận biết, chẩn đoán và can thiệp hỗ trợ cho các học sinh có các rối loạn này thuộc phạm trù nghiên cứu liên ngành giáo dục, tâm lý học, tâm thần học, công tác xã hội,…

Hội thảo được tổ chức nhằm mục đích gửi một thông điệp khoa học tới xã hội, nâng cao nhận thức về những rối loạn chuyên biệt học tập của học sinh và kêu gọi sự đồng hành của các nhà chuyên môn trong tiến trình hỗ trợ các em. Đồng thời, hội thảo cũng hướng đến việc giúp cho phụ huynh học sinh, các nhà giáo dục có cơ hội tìm hiểu thêm về thực trạng rối loạn chuyên biệt học tập, trên cơ sở đó có ứng xử tốt hơn với các học sinh, có nhiều kỹ năng hỗ trợ các em tốt hơn.


Thu Phương