10:06 14/10/2014

Nhạc sỹ Phú Quang: 'Hà Nội với tôi như một người tình'

Với hơn 30 ca khúc viết về Hà Nội, những tác phẩm của nhạc sỹ Phú Quang không chỉ làm rung động trái tim của những người dân Thủ đô, mà rất nhiều người dân đất Việt đang sống xa quê mỗi khi nghe bài hát của ông, cũng thấy nao lòng.

Với hơn 30 ca khúc viết về Hà Nội, những tác phẩm của nhạc sỹ Phú Quang không chỉ làm rung động trái tim của những người dân Thủ đô, mà rất nhiều người dân đất Việt đang sống xa quê mỗi khi nghe bài hát của ông, cũng thấy nao lòng. Đây cũng là lý do khiến nhạc sỹ Phú Quang được lựa chọn là một trong 10 “Công dân Thủ đô ưu tú” năm 2014 của Hà Nội.

Nhạc sĩ Phú Quang tại căn nhà của ông ở Hà Nội.


Trong tiết thu vàng ươm sắc nắng, chúng tôi hẹn gặp nhạc sỹ Phú Quang ngay trong căn nhà nhỏ của ông. Bước chân vào nhà, tôi đã bị ấn tượng bởi không gian Hà Nội vây quanh ông: Đó là những bức tranh sơn dầu về một góc phố cổ với mái ngói thâm nâu, là cây đàn piano với bản nhạc “Em ơi Hà Nội phố” đang lật mở… Và tôi chợt hiểu, vì sao khi nhắc tới ông, lại không thể không nhắc tới Hà Nội.

Trong câu chuyện, nhạc sỹ Phú Quang cho biết, ông sinh ra tại Phú Thọ, đến khi lên 5 tuổi ông về sống tại Hà Nội. Mặc dù trong suốt cuộc đời của mình, ông đã bôn ba nhiều nơi, từ Đà Lạt, Đà Nẵng, đến TP Hồ Chí Minh… nhưng dù ở đâu, thì Hà Nội vẫn là nơi trái tim ông luôn hướng về.

Nhạc sỹ Phú Quang tâm sự, mặc dù mảnh đất Sài Gòn là nơi đã vun đắp cho sự nghiệp của ông rất nhiều, nhưng trong suốt quãng thời gian “Nam tiến”, ông đã nhận ra rằng ông không thể “ly dị” với Hà Nội. Lý do rất đơn giản, bởi vì ông “đã lỡ yêu rồi thì sao mà bỏ được”. Với nhạc sỹ Phú Quang, Hà Nội chính là quê hương của ông, là nơi ông sinh sống và lớn lên từ thủa lên năm.

Cho đến tận bây giờ, ông vẫn không thể quên những ký ức tuổi thơ của mình: Nhớ khi cùng bạn bè đánh đáo, chơi bắn bi, nhớ những ngày đi xem phim ở rạp Kim Đồng, nhớ những gánh hàng rong, những xe kẹo kéo, nhớ tiếng leng keng của những chiếc tàu điện…


“Ký ức của tôi về Hà Nội có lẽ nói từ ngày này qua ngày khác không thể hết được. Có những nỗi nhớ tưởng như hữu hình, nhưng lại vô hình, đôi khi chỉ là một ánh mắt ấm áp, một cái nắm tay trong ngày đông giá lạnh, hay một nụ hôn nơi góc phố mưa bay. Và tôi đã từng đưa nỗi nhớ nhỏ bé mà thiêng liêng đó vào trong bài hát “Em ơi Hà Nội phố”, với câu ca: “Con đường vắng rì rào cơn mưa nhỏ, ai đó chờ ai tóc xõa vai mềm”, nhạc sỹ Phú Quang nhớ lại.

Nhạc sỹ Phú Quang ví mảnh đất Hà thành với ông như “một người tình”, luôn mang đến cho ông những nguồn cảm hứng bất tận, với vô vàn cung bậc cảm xúc khác nhau. Có lẽ bởi vì vậy, mà bốn mùa ở Hà Nội trong sáng tác của ông luôn trở nên vô cùng sinh động. Tuy chỉ có hơn 30 bài hát viết về Hà Nội trên tổng số khoảng 400 sáng tác, nhưng những ca khúc về Hà Nội của ông rất dễ đi vào lòng người, giành được cảm tình của khán giả. Những ca khúc đó được xem như những “đặc sản” âm nhạc của Hà Nội. 

Trong ký ức của nhạc sỹ Phú Quang, Hà Nội ngày xưa tốc độ sống chậm hơn, con người cũng lành hơn, ít mưu mô hơn bởi thời đó còn nghèo. Còn bây giờ, con người sống gấp gáp hơn, ranh mãnh hơn. Nhưng ông cũng thừa nhận, đó là quy luật của cuộc sống. Sự bon chen, gấp gáp trong Hà Nội ngày nay được ông xem là sự hào nhoáng, còn sâu thẳm phía trong Hà Nội ông vẫn “nghe” được sự bình yên, lắng đọng và sâu sắc.

Chia tay nhạc sỹ Phú Quang, chúng tôi cứ mãi băn khoăn với lời nhắn nhủ của ông: “Các bạn hãy sống thật với chính mình, với mọi người, đừng giả dối. Hãy là chính mình, đừng là ai khác, rồi những điều tốt đẹp sẽ đến với bạn”. Đó cũng chính là phương châm sống, là quan điểm sáng tác của ông: Sống thật với xúc cảm của chính mình để “sinh ra” những đứa con tinh thần đầy sâu lắng, nhẹ nhàng bước vào lòng người Hà Nội, những con người đang và từng sống ở Hà Nội và từng yêu nó.     


Bài và ảnh: Thùy Linh