05:07 18/05/2017

Nhạc sĩ Hình Phước Long - những giai điệu tự đáy lòng

Gặp ông dăm ba lần, dần hiểu ra cái cốt cách điềm đạm và chân tình, lời nói dung dị nhưng sâu sắc cùng những bài hát của ông nhẹ nhàng nhưng lắng đọng, giàu chất thơ ca trong giai điệu và ngôn từ….

Nhạc sỹ Hình Phước Long. baokhanhhoa.com.vn

Với Hình Phước Long, người và nhạc tương đồng đến mức có thể nghĩ đó là một - nghe nhạc để đoán người, gần người để thẩm thấu thêm nhạc.

Ông sinh ra vào mùa thu năm 1950, ở vùng đất Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa. Thấm thoát đã 7 năm, ông về hưu, vui thú điền viên, quây quần bên gia đình, con cháu. Thế nhưng, ông bảo: “Chú vẫn sáng tác đều đặn, mỗi năm dăm ba bài hát. Chú chỉ đặt bút theo sự mách bảo của con tim, theo nguồn cảm xúc của chính mình”. Nói rồi ông lục tìm và đưa cho tôi bản thảo một bài hát ông vừa sáng tác, chưa “trình diện” với người yêu âm nhạc. Tựa bài hát là “Ta yêu lắm đất ta Sơn Bình”, chỉ đọc thôi đã thấy nhịp điệu tươi vui, rộn rã và đượm tình trong đó.

Nhạc sĩ Hình Phước Long giải thích: Bài hát viết về xã Sơn Bình, thuộc huyện miền núi Khánh Sơn (Khánh Hòa), nơi đó đang đổi mới từng ngày từ phong trào xây dựng nông thôn mới, có hình bóng cô gái dân tộc Rag Lai, có mùa sầu riêng hoa đang nở trắng và tiếng hót của đàn chim chơ rao…

Quả là cảm xúc của người nhạc sĩ này chưa dừng chảy, ngòi viết của ông chưa chịu “nghỉ hưu”. Năm 2015, nhạc phẩm “Đêm mơ thành chim yến” của ông được Hội Nhạc sĩ Việt Nam trao tặng giải C và Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa trao giải A Giải văn học - nghệ thuật của địa phương…

Không có vẻ gì là ông đã sẵn sàng chia sẻ những điều mà tôi đã đặt ra cho mục đích của chuyến viếng thăm này, đó là chuyện xoay quanh việc ông sắp được nhận Giải thưởng Nhà nước về văn học – nghệ thuật của Chủ tịch nước, mà ông chuẩn bị ra Hà Nội để nhận. Và rồi câu chuyện cứ trôi dần theo từng nhạc phẩm của ông. Trước mặt tôi, ông vẫn dâng đầy cảm xúc của một người phải “mang nặng, đẻ đau” cho những đứa con tinh thần của mình được chào đời.

Gia tài của chặng đường mấy mươi năm hoạt động nghệ thuật của ông đến lúc này đã có gần 400 bài hát, với nhiều chủ đề về: tình yêu quê hương đất nước, Tây Nguyên, Trường Sa, những vùng đất của Khánh Hòa, tình yêu đôi lứa…

Nhưng cứ như chính nhạc sĩ  Hình Phước Long được sinh ra là để giữ trọng trách mà việc đời giao phó: sáng tác cho Trường Sa. Có thể nói ông là nhạc sĩ nặng tình nhất với Trường Sa với 18 ca khúc, trong đó có nhiều tác phẩm trở nên nổi tiếng, nhanh chóng đi vào lòng người và lắng đọng, ấm áp, thiêng liêng mãi cho đến bây giờ.

Nhạc phẩm đầu tiên có tựa đề ''Gần lắm Trường Sa'' viết năm 1982, cũng là bài hát ông tâm đắc nhất và là tác phẩm được rất nhiều người thuộc nằm lòng. Cách đây không lâu, nhạc sĩ Hình Phước Long nhận được bức thư gửi từ phương trời xa, trong thư có đoạn: “Tôi tên là Huỳnh Thị Qua, 69 tuổi. Là một người con quê hương Nha Trang – Khánh Hòa, hiện định cư tại Úc. Dù ở xa nhưng kiều bào ta luôn hướng về Tổ quốc, có rất nhiều ca khúc khi được nghe rất xúc động và giúp chúng tôi càng thêm yêu quê hương, đất nước, trong đó có ca khúc “Gần lắm Trường Sa”…

Với những ca từ, giai điệu mượt mà, sâu lắng và đặc biệt nội dung bài hát mang ý nghĩa chính trị rất lớn. Ra đời gần 30 năm qua, bài hát luôn là món ăn tinh thần, vừa động viên các chiến sĩ làm nhiệm vụ tại đảo, vừa gắn kết bao tấm lòng người dân trong nước và kiều bào ở nước ngoài với bộ đội, với chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc”.

Như một mạch trào của dòng cảm hứng bất tận, ông viết: ''Gặp anh trên đảo Sinh Tồn,'' ''Tiếng hát đảo Sơn ca,'' ''Vầng Trăng nơi đảo xa,'' ''Tâm tình người lính Trường Sa,'' ''Lung linh hồn biển,'' ''Đêm trên đảo Thuyền Chài''...

Mỗi nhạc phẩm của Hình Phước Long viết về Trường Sa, gửi gắm đến Trường Sa là một cảm hứng riêng, nhịp điệu riêng, nhưng bao trùm lên tất cả vẫn là tiếng lòng của ông về nơi sóng gió nghìn trùng, về những người lính luôn can trường ở tuyến đầu đất nước.

Cuối năm 2012, nhạc sĩ Hình Phước Long vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba, vì đã có những thành tích xuất sắc trong công tác sáng tạo nghệ thuật, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Nhiều giải thưởng cho từng tác phẩm của nhạc sĩ đã khẳng định giá trị thật sự của chúng trong đời sống nghệ thuật, cộng đồng yêu âm nhạc và trong lòng người chiến sĩ nơi biên cương như: ''Gặp anh trên đảo Sinh Tồn'' đạt giải nhì (không có giải nhất) cuộc thi sáng tác ca khúc của Hội Nhạc sĩ Việt Nam, năm 1984; ''Vầng trăng nơi đảo xa'' đạt giải nhất cuộc thi sáng tác về Trường Sa năm 1997 của Nhà Văn hóa Thanh niên Thành phố Hồ Chí Minh, tặng thưởng giải A của Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam năm 1997; “Đêm xoang Tây Nguyên - giải nhì (không có giải nhất) của Hội Nhạc sĩ Việt Nam năm 1990…

Trong hồ sơ gửi Hội đồng các cấp để xét Giải thưởng Nhà nước về văn học, nghệ thuật vừa qua, ông chọn 5 tác phẩm tham dự, gồm: Gần lắm Trường Sa, Gặp anh trên đảo Sinh Tồn, Vầng trăng nơi đảo xa, Đêm xoang Tây Nguyên, Khánh Hòa một khúc ca. Đây là những nhạc phẩm đạt giải thưởng cao cấp quốc gia, hoặc có tác dụng tốt trong giáo dục, xây dựng con người mới, nâng cao trình độ thẩm mỹ của nhân dân, góp phần đáng kể vào việc thay đổi nhận thức của nhân dân trong sự nghiệp phát triển văn học, nghệ thuật Việt Nam, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; hội đủ điều kiện, tiêu chuẩn của giải thưởng lớn này.

Nhạc sĩ Hình Phước Long chia sẻ, hàng ngày ông thức dậy đọc báo mạng, sau khi điểm tâm sáng lại sang trụ sở Hội Văn học – Nghệ thuật tỉnh Khánh Hòa đàm đạo với anh em hội viên. Khi nào có cảm xúc hoặc nghĩ ra được ý tứ, ông lại ngồi vào bàn để viết hồi ký, sáng tác truyện ngắn, viết bài nghiên cứu…

Ông nói: “Sự nghiệp cá nhân là tâm huyết gần cả một đời người. Giờ đây tôi không còn trăn trở gì, khi nào đầu óc còn minh mẫn, con tim còn thổn thức thì mình lại cầm viết”.

Tiên Minh (TTXVN)