07:08 11/07/2014

Nhà văn Hoàng Đình Quang và tình yêu biển đảo

Trên con tàu HQ 936 ra thăm Trường Sa vào năm 2012, nhà văn Hoàng Đình Quang đã cho ra đời nhiều tác phẩm kịch, văn xuôi, thơ và cả nhạc.

Trên con tàu HQ 936 ra thăm Trường Sa vào năm 2012, nhà văn Hoàng Đình Quang đã cho ra đời nhiều tác phẩm kịch, văn xuôi, thơ và cả nhạc. Những hình ảnh, con người cụ thể của Trường Sa được tái hiện trong những tác phẩm của anh khiến người đọc xúc động, bồi hồi và cảm thấy gần hơn khi nghĩ tới Trường Sa.

 

Nhà văn Hoàng Đình Quang trên đỉnh ngọn Hải đăng đảo Trường Sa Lớn.

 

Nhà văn Hoàng Đình Quang chia sẻ: Trước khi ra Trường Sa, tôi hình dung nổi một Trường Sa là nơi xa xôi, thậm chí nguy hiểm… Tuy nhiên, khi nhìn thấy đảo Trường Sa Lớn tôi đã cảm nhận được nơi đâu trên quê hương mình cũng gần gũi và rất thân thương. Ở đây cũng có những con người giàu tình cảm sinh sống, có ngôi chùa, có rau xanh, nước ngọt… như ở đất liền.


“Tới các đảo của Trường Sa, hình ảnh người lính khiến tôi rất khâm phục bởi tinh thần kỷ luật cao, xứng đáng là những người lính nơi tiền tiêu, tiêu biểu cho lực lượng quân đội nhân dân Việt Nam. Họ sống và cưu mang nhau bằng tình cảm của đồng đội. Chính tình cảm ấy là “chất keo” kết dính, giúp người lính vơi đi nỗi nhớ gia đình và làm cho quê nhà trở nên gần hơn”.

Và cũng chính những hình ảnh trên đảo chìm, đảo ngầm, khi thủy triều lên đảo chìm ngập trong biển nước, khi nước rút mới thấy cái đảo be bé giữa biển mênh mông, nhìn đâu cũng chỉ thấy chân trời, rồi những cơn bão cấp 10 - 12 quét qua như thử thách sự can trường, gan dạ của những người lính đảo… đã giúp nhà văn Hoàng Đình Quang có những trải nghiệm và đồng cảm với những con người trên đảo. Sau chuyến đi này anh viết một vở kịch nói có tên “Hải đăng ở Trường Sa” và đã được Đài phát thanh truyền hình tỉnh Bình Thuận dàn dựng để dự thi phát thanh toàn quốc và đã đoạt huy chương bạc toàn quốc.


“Nội dung vở kịch viết về một cô gái sinh viên báo chí ra thăm Trường Sa. Trước khi đi, bà mẹ cô gái có đưa cho cô một cuốn nhật ký và dặn ra khi nào ra tới đó mới mở ra đọc. Qua những trang nhật ký, cô gái đã hiểu rõ hơn về cuộc đời của mẹ, năm xưa là ca sĩ, cũng từng ra Trường Sa và đã đem lòng yêu một người lính Trường Sa. Tuy nhiên, sau này người chiến sỹ đảo này đã hy sinh trong một trận chiến đấu để giữ đảo”, nhà văn Hoàng Đình Quang cho biết thêm.


Không chỉ khai thác những chi tiết nội tâm nhân vật người lính để đưa vào các tác phẩm kịch nói, văn xuôi, nhà văn Đình Quang còn khai thác những chi tiết cụ thể của con người, thiên nhiên Trường Sa để đưa vào các tác phẩm thơ. Bài thơ “Quê tôi Trường Sa” được ra đời từ chuyến đi, đã được nhiều báo, đài sử dụng. Bài thơ “Quê tôi Trường Sa” dung dị, viết về những con người Trường Sa: Họ được sinh ra ở Trường Sa, nơi đó là nơi chôn rau cắt rốn của họ, là quê hương của họ khi lớn lên. Là nơi mà nếu có ai đó hỏi rằng: “Quê em ở đâu?”, họ sẽ trả lời quê em ở Trường Sa…”.


Như một lời nhắn gửi với các bạn trẻ, nhà văn Hoàng Đình Quang chia sẻ: “Nếu có điều kiện, các bạn trẻ nên đi ra Trường Sa để biết quê hương mình dài rộng ra sao, để biết ở đâu đó vẫn luôn có những con người dũng cảm, can trường ngày đêm bám biển, giữ gìn từng tấc đất, vùng biển quê hương và biết trân trọng từng nắm đất quê hương, từng cành cây, ngọn cỏ và từng giọt nước ngọt mà mỗi ngày đôi khi chúng ta lại vô tâm, hoang phí…

 

Nhà văn Hoàng Đình Quang, sinh năm 1951 tại tỉnh Thái Nguyên. Hiện anh là Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, Chi hội trưởng Chi hội Nhà văn Việt Nam tại TP Hồ Chí Minh; Ủy viên Ban Chấp hành, Chủ tịch Hội đồng Văn xuôi Hội Nhà văn Thành phố Hồ Chí Minh. Trong sự nghiệp sáng tác văn học của mình, Nhà văn Hoàng Đình Quang đã có rất nhiều tác phẩm đoạt giải cao như: Nói thầm, Những ngày buồn, Cánh đồng lưu lạc, Xuân Lộc…


H.Tuyết - Đ.Phương