Ban Quản lý Đầu tư xây dựng công trình huyện Hóc Môn (TP Hồ Chí Minh) là chủ đầu tư dự án xây mới Trường Tiểu học Ấp Đình với 100% nguồn vốn ngân sách. Theo kế hoạch, dự án sẽ hoàn thành trong tháng 6/2021 để chuẩn bị khai giảng năm học mới.
Tuy nhiên, do năng lực nhà thầu xây dựng yếu kém nên dự án vẫn giậm chân tại chỗ, dù ngân sách nhà nước đã tạm ứng hàng chục tỷ đồng. Vì vậy, nhu cầu về một mái trường khang trang sạch đẹp của giáo viên, phụ huynh và học sinh Trường Tiểu học Ấp Đình còn rất xa vời.
Có dấu hiệu làm giả hồ sơ
Tháng 12/2019, Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng Công nghiệp số 9 (gọi tắt là Công ty Công nghiệp số 9), trụ sở tại quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh do ông Võ Kiên Giang “đảm vai” nhiều chức danh, từ Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc cho đến Giám đốc trúng thầu gói thầu xây dựng và cung cấp lắp đặt thiết bị thuộc xây lắp Trường Tiểu học Ấp Đình với giá trị hơn 88 tỷ đồng. Số tiền ngân sách tạm ứng cho nhà thầu gần 18,2 tỷ đồng.
Tuy nhiên, thông tin mà phóng viên thu thập được cho thấy, mặc dù năng lực của Công ty Công nghiệp số 9 yếu kém, hồ sơ dự thầu thể hiện nhiều khuất tất, thậm chí có dấu hiệu làm giả nhưng không hiểu sao công ty này vẫn trúng thầu.
Cụ thể, Công ty Công nghiệp số 9 tiền thân là Xí nghiệp xây dựng số 9 thuộc Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng Công nghiệp số 9 thuộc Bộ Công nghiệp, nay là Bộ Công Thương. Sau khi cổ phần hóa, năm 2016, Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hồ Chí Minh cấp Giấy chứng nhận Đăng ký kinh doanh lần đầu cho Công ty Công nghiệp số 9 với vốn điều lệ 10 tỷ đồng, ông Võ Kiên Giang giữ chức vụ Tổng Giám đốc.
Trong hồ sơ đề xuất kỹ thuật dự thầu dự án Trường Tiểu học Ấp Đình thể hiện nhiều sai lệch nghiêm trọng. Cụ thể là hợp đồng thi công xây dựng giữa Công ty Công nghiệp số 9 với Trường Trung cấp nghề kinh tế kỹ thuật số 2 được xác lập vào năm 2016.
Tuy nhiên, theo xác nhận của ông Nguyễn Viết Phúc, Quyền Trưởng phòng Hành chính tổng hợp, Trường Trung cấp nghề kinh tế kỹ thuật số 2, Xí nghiệp Xây dựng số 9 từng thi công công trình của nhà trường, hoàn thành và đưa vào sử dụng từ năm 2007 chứ không có chuyện Công ty Công nghiệp số 9 ký hợp đồng xây dựng vào năm 2016 (!).
Bà Ao Thị Lan, Hiệu trưởng Trường Trung cấp nghề kinh tế kỹ thuật số 2 chính thức nghỉ hưu từ năm 2013 nhưng hồ sơ dự thầu của Công ty Công nghiệp số 9 lại thể hiện bà Ao Thị Lan vẫn còn giữ chức Hiệu trưởng vào năm 2016. Đây là điều phi lý, có dấu hiệu làm giả hồ sơ.
Cũng theo ông Nguyễn Viết Phúc, từ năm 2006, Trường Dạy nghề số 2 đổi tên thành Trường Trung cấp nghề kinh tế kỹ thuật số 2, đã thực hiện thay đổi con dấu. Nhưng trong hồ sơ dự thầu của Công ty Công nghiệp số 9, một mặt thể hiện tên trường là “Trường Dạy nghề số 2” nhưng con dấu lại thể hiện là “Trường Trung cấp nghề kinh tế kỹ thuật số 2”, không trùng khớp với nhau.
Đáng chú ý, vào năm 2015, bà Ao Thị Lan bị cơ quan tố tụng tỉnh Đồng Nai truy tố về tội các hành vi cố ý làm trái, thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng và mua bán trái phép hóa đơn liên quan đến vụ án xảy ra tại Trung tâm dạy nghề huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai. Như vậy, càng không thể có chuyện năm 2016 bà Ao Thị Lan vẫn giữ chức vụ Hiệu trưởng như trong hồ sơ dự thầu của Công ty Công nghiệp số 9.
Tương tự, trong hồ sơ dự thầu của Công ty Công nghiệp số 9 thể hiện năm 2015 Công ty Công nghiệp số 9 ký hợp đồng với Trường đại học Bách khoa TP Hồ Chí Minh để làm dự án nhà học tập và thí nghiệm H6. Hợp đồng có dấu hiệu làm giả này thể hiện thời gian hoàn thành gói thầu là 585 ngày làm việc.
Tuy nhiên, đại diện Trường Đại học Bách khoa TP Hồ Chí Minh khẳng định, phía nhà trường chỉ hợp tác thi công với Công ty Công nghiệp số 9 trong năm 2010 chứ không phải năm 2016. Hợp đồng chính thức số 086/HĐKT giữa Đại học Bách khoa TP Hồ Chí Minh với Công ty Công nghiệp số 9 được lập năm 2010 gồm 8 trang, giá trị hợp đồng bao gồm thuế VAT là 102,536 tỷ đồng, thời gian thực hiện là 575 ngày làm việc.
Như vậy, cùng một vụ việc nhưng phía Công ty Công nghiệp số 9 lại làm sai lệch thông tin về thời gian ký hợp đồng (lùi thời gian từ năm 2010 đến năm 2015), sai lệch thời gian hoàn thành hợp đồng để hoàn thiện hồ sơ dự thầu, từ đó qua mắt đơn vị thẩm định để được chấm trúng thầu.
Không chỉ trúng thầu gói thầu xây dựng Trường Tiểu học Ấp Đình, huyện Hóc Môn mà Công ty Công nghiệp số 9 còn trúng thầu gói thầu xây lắp và cung cấp, lắp đặt thiết bị Trung tâm Đào tạo, huấn luyện phòng cháy chữa cháy, cứu nạn cứu hộ tại phường Hiệp Phú, quận 9 do Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy TP Hồ Chí Minh làm chủ đầu tư (tổng giá trị gói thầu hơn 48 tỷ đồng).
Để trúng gói thầu này, Công ty Công nghiệp số 9 cũng đã lập và nộp hồ sơ đề xuất kỹ thuật chứng minh năng lực. Trong hồ sơ này thể hiện năm 2014 Công ty Công nghiệp số 9 ký hợp đồng thi công với Trường Đại học Bách khoa TP Hồ Chí Minh thi công nhà giảng đường và Hội trường 1.500 chỗ.
Thế nhưng, theo đại diện Trường Đại học Bách khoa TP Hồ Chí Minh, nhà trường không có hội trường nào quy mô tới 1.500 chỗ mà chỉ có gần 1.000 chỗ. Theo bản hợp đồng chính thức giữa Đại học Bách khoa thành phố với Công ty Công nghiệp số 9 có tổng giá trị hợp đồng là 999,374 triệu đồng; trong đó, bên nhà thầu tài trợ 522,5 triệu đồng, giá trị hợp đồng còn lại từ nguồn thu sự nghiệp cho gói thầu này là 476,874 triệu đồng. Thời gian thực hiện là 29 ngày. Hợp đồng này được lập thành 6 bản, bên A (Đại học Bách khoa) giữ 4 bản, bên B (Công ty Công nghiệp số 9) giữ 2 bản.
Vậy nhưng, hợp đồng có dấu hiệu làm giả trong hồ sơ dự thầu của Công ty Công nghiệp số 9 lại “vẽ” ra quy mô giảng đường 1.500 chỗ, giá trị hợp đồng là 174,999 tỷ đồng, thời gian thực hiện hợp đồng là 730 ngày, hợp đồng được lập 10 bản, bên A giữ 6 bản, bên B giữ 4 bản.
Xử lý nghiêm vi phạm
Để làm rõ bản chất vụ việc, phóng viên đã liên hệ và được ông Võ Kiên Giang cho biết, ông chỉ là người được ủy quyền, thời gian đã lâu nên không nhớ hết.
“Hồ sơ dự thầu do anh em làm, đưa thì tôi ký, đôi khi không để ý. Tôi thấy hồ sơ trình lên có ký nháy thì ký, tôi không có thời gian đọc, tìm hiểu”, ông Võ Kiên Giang biện bạch.
Về tiến độ triển khai 2 gói thầu tại Trung tâm Đào tạo huấn luyện phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (Quận 9), Trường Tiểu học Ấp Đình (huyện Hóc Môn), theo ông Võ Kiên Giang, giá trị tiền mà chủ đầu tư đã tạm ứng cho Công ty Công nghiệp số 9 là hơn 30 tỷ đồng. Tại Quận 9, do vướng việc giải phóng mặt bằng nên 2 năm qua không thi công được. Do không điều chỉnh được hợp đồng thi công nên Công ty Công nghiệp số 9 đang trả gói thầu.
Làm rõ trách nhiệm chủ đầu tư, sau nhiều lần liên hệ, mặc dù ông Dương Hồng Thắng, Chủ tịch UBND huyện Hóc Môn đã trực tiếp chỉ đạo lãnh đạo Ban Quản lý Đầu tư xây dựng công trình huyện Hóc Môn trả lời câu hỏi xác minh của phóng viên TTXVN nhưng hơn 1 tháng trôi qua, lãnh đạo đơn vị này vẫn từ chối cung cấp thông tin với lý do “xin cho thêm nửa tháng giải quyết”, “chưa có bút phê của lãnh đạo”.
Theo một cán bộ Ban Quản lý Đầu tư xây dựng công trình huyện Hóc Môn, tại dự án Trường Tiểu học Ấp Đình, hiện Công ty Công nghiệp số 9 đã ngừng thi công, xin rút khỏi dự án. Các bên đang xác nhận khối lượng đã thi công để thanh toán, khấu trừ vào số tiền đã tạm ứng (gần 18,2 tỷ đồng), làm thủ tục thanh lý hợp đồng, trình hồ sơ điều chỉnh dự toán xây dựng, tổ chức lựa chọn lại thầu.
Hiện nay Trường Tiểu học Ấp Đình (cũ) đang xuống cấp, giáo viên, các em học sinh vẫn đang phải dạy và học trong dãy phòng lợp mái tôn tạm bợ, chịu cảnh nắng nóng. Sân trường thấp hơn mặt đường bên ngoài nên vào mùa mưa nước chảy tràn từ ngoài vào trong khu vực trường.
Trong khi đó, thực địa công trường cho thấy, địa điểm xây dựng Trường Tiểu học Ấp Đình vẫn chỉ là bãi đất trống, cỏ dại mọc um tùm. Một thùng container rỗng được dựng lên làm chỗ bảo vệ công trình, cổng vào dự án không có rào chắn. Phía trong là nhiều vũng nước tù đọng, ngổn ngang các cọc bê tông.
Phân tích diễn biến và bản chất các thông tin sai lệch trong hồ sơ dự thầu của Công ty Công nghiệp số 9, Luật sư Trần Đức Phượng, Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh cho biết, Luật Đấu thầu 2013 quy định gian lận là hành vi bị cấm trong đấu thầu như cố ý cung cấp các thông tin không trung thực trong hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất, làm sai lệch kết quả lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư. Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Trường hợp gây thiệt hại lợi ích của Nhà nước, tổ chức, cá nhân thì phải bồi thường thiệt hại.
Các hành vi gian lận của nhà thầu sẽ bị xử lý hình sự về tội: “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”. Ngoài ra, nếu còn thực hiện việc làm giả tài liệu, sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức thì còn bị truy tố về tội “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”, tội “Sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức”.
Đối với trách nhiệm của nhà thầu, nếu có sự gian lận trong đấu thầu thì phải hủy thầu, đền bù chi phí cho các bên liên quan. Chủ đầu tư phải đề nghị UBND tỉnh, thành phố, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành quyết định cấm nhà thầu tham gia hoạt động đấu thầu tại địa phương hoặc trên phạm vi cả nước, thời hạn bị cấm tham gia hoạt động đấu thầu từ 3 - 5 năm.
Theo Luật Đấu thầu 2013, chủ đầu tư có trách nhiệm thẩm định trong quá trình lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư. Nếu do trình độ chuyên môn nghiệp vụ kém, không phát hiện ra hành vi vi phạm về gian lận trong đấu thầu với mức thiệt hại thấp thì bị xử lý kỷ luật.
Tuy nhiên, nếu để xảy ra thiệt hại 100 triệu đồng trở lên thì bị truy tố hình sự về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”. Cùng với đó, nếu chủ đầu tư thông đồng với nhà thầu thì bị xử lý hình sự về tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”, Luật sư Trần Đức Phượng nêu ý kiến.