02:23 08/02/2012

Nhã nhạc Huế đến rộng rãi với khách du lịch

Từ khi Nhã nhạc Huế (Âm nhạc cung đình Việt Nam) được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại, Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế đã từng bước đầu tư, bảo tồn, giữ gìn và phát huy, góp phần đưa Nhã nhạc Huế hàng ngày đến với công chúng...

Từ khi Nhã nhạc Huế (Âm nhạc cung đình Việt Nam) được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại, Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế đã từng bước đầu tư, bảo tồn, giữ gìn và phát huy, góp phần đưa Nhã nhạc Huế hàng ngày đến với công chúng, nhất là khách du lịch mỗi khi có dịp đến tham quan hệ thống di tích Cố đô Huế.

Trung tâm đã đầu tư hơn 8 tỉ đồng để trùng tu và đưa Nhà hát Duyệt Thị Đường (Đại Nội - Huế) vào sử dụng. Đây cũng là một trong những địa chỉ biểu diễn Nhã nhạc Huế hàng ngày (4 suất/ngày) phục vụ khách tham quan. Mới đây, nhà hát còn thành công ở một số lĩnh vực như xây dựng và hoàn thành một số bộ hồ sơ nghiên cứu khoa học nhằm khôi phục và gìn giữ những giá trị di sản, biểu diễn quảng bá Nhã nhạc và ca múa cung đình tại Nhật Bản... Trong năm 2012 Nhà hát sẽ thực hiện một số chương trình mới như: Dàn dựng các chương trình nghệ thuật tham gia Festival Huế 2012, dàn dựng một vở tuồng truyền thống để bảo tồn nghệ thuật Tuồng cung đình, dàn dựng chương trình "Vũ khúc cung đình Huế", chương trình Nhã nhạc, múa cung đình, tuồng cung đình, tham gia nhiều nội dung trong chương trình hoạt động Năm Du lịch quốc gia Duyên hải bắc Trung bộ - Huế 2012.

Theo TS. Phan Thanh Hải, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế, thành công lớn nhất của Nhã nhạc Huế từ sau khi được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại đến nay là biến nó từ một loại hình âm nhạc chỉ chuyên phục vụ trong cung vua xưa, nay đến được rộng rãi với công chúng. Trong đó, có nhiều tiết mục được trình diễn ở nước ngoài như Pháp, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc...

Quốc Việt