04:10 02/04/2011

Nhà người Chăm và những biến đổi

Ngày 1/4, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam tổ chức buổi giao lưu với chủ đề "Nhà người Chăm và những biến đổi" với sự tham gia của nhóm đồng bào dân tộc Chăm, cán bộ nghiên cứu và sinh viên chuyên ngành dân tộc học, văn hóa...

Ngày 1/4, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam tổ chức buổi giao lưu với chủ đề "Nhà người Chăm và những biến đổi" với sự tham gia của nhóm đồng bào dân tộc Chăm, cán bộ nghiên cứu và sinh viên chuyên ngành dân tộc học, văn hóa, kiến trúc, các nhà nghiên cứu và những người quan tâm tìm hiểu về dân tộc Chăm.

Khuôn viên nhà người Chăm được chính những người Chăm đến từ tỉnh Ninh Thuận dựng tại khu ngoài trời của Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam từ năm 2001, nhưng phải đến năm 2006, khuôn viên này mới được hoàn thành đầy đủ. Đây là khuôn viên thuộc tầng lớp người Chăm quý tộc, khá giả với 5 ngôi nhà chính và 2 ngôi nhà phụ.

Khuôn viên thể hiện kiến trúc và lối sống đặc sắc của người Chăm, một dân tộc theo chế độ mẫu hệ nhưng không phải mẫu quyền. Trong khuôn viên, ngôi nhà cổ nhất được dựng từ năm 1948. Tất cả các nguyên vật liệu từ gỗ, tranh tre, ngói và cả những tảng đá nặng làm trụ đỡ sàn đều được mang từ Ninh Thuận về Hà Nội phục dựng.

Dựng nhà người Chăm tại Bảo tàng Dân tộc học. Ảnh: Do bảo tàng cung cấp


Đến nay, một số phần của các ngôi nhà đã bị hư hỏng nên 14 người Chăm ở thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận cùng nhà nghiên cứu văn hóa người Chăm Sử Văn Ngọc được mời về Bảo tàng để tu sửa công trình này. Khuôn viên nhà truyền thống này có 7 ngôi nhà gồm thang kìn (bếp), thang dơ (nhà tục), thang lâm (nhà làm khi con gái lớn lấy chồng), thang dâu (nhà làm khi con gái thứ 2 lấy chồng), thang tôn (nhà bố mẹ, người già hoặc người có chức sắc ở), và 2 nhà phụ để dụng cụ sản xuất...

Sau đó, nếu gia đình có nhu cầu thêm chỗ ở họ sẽ tiếp tục tách nhà. Một khuôn viên nhà người Chăm có thể có 5 hoặc 7 ngôi nhà nhỏ do quan niệm theo bàn tay có 5 ngón hoặc khuôn mặt có 2 con mắt, 2 lỗ mũi, 2 tai và 1 cái miệng. Xã hội người Chăm phân thành các tầng lớp quý tộc khá giả, bình dân và nghèo nên khuôn viên nhà người Chăm cũng bị ảnh hưởng bởi yếu tố này. Nhà truyền thống của người Chăm được làm hầu hết bằng gỗ từ cột, kèo đến sàn, vách, mái lợp ngói và tranh.

Hiện nay đời sống, nhận thức của người Chăm cũng như khuôn viên, các ngôi nhà của người Chăm đã có những biến đổi. Hầu hết bà con người Chăm làm nhà theo điều kiện kinh tế, đơn giản hơn với các loại nhà xây bằng gạch, lợp mái tôn là chủ yếu chứ không còn làm nhà theo truyền thống văn hóa. Ở địa phương không còn một khuôn viên nhà người Chăm nào có đầy đủ các ngôi nhà, chỉ còn một vài gia đình lưu giữ lại được 2 hoặc 3 ngôi nhà nhỏ truyền thống.

Bác Triệu Văn Ngọt cho biết: "Ở thị trấn tôi không còn nhà truyền thống giống như ở Bảo tàng Dân tộc học nữa. Gia đình tôi còn giữ lại được 3 ngôi nhà giống nhà truyền thống nhưng cũng đã lợp bằng ngói, tôn, biến đổi từ nhà có nóc thành nhà một mái đơn giản". Theo nhà nghiên cứu người Chăm Sử Văn Ngọc thì gia đình ông chỉ còn 1 ngôi nhà truyền thống của cha mẹ để lại, còn ông đang ở trong một ngôi nhà khác hoàn toàn và cách ăn mặc cũng khác.
 
Người Chăm vẫn giữ được nét văn hóa truyền thống là trong ngày cưới, cô dâu chú rể vẫn trải chiếu 2 lớp nằm trên sàn nhà, còn sau đó nằm giường như người Kinh. Một số kiêng kị trong văn hóa vẫn được lưu giữ ở địa phương như sinh ra ở ngôi nhà nào thì chết tại ngôi nhà đó hoặc khi vào nhà người Chăm kiêng không huýt gió, không chắp tay phía sau, không đứng ngó nghiêng bên ngoài mà phải đi thẳng vào nhà...

Nhân dịp này, các bạn sinh viên đã có cơ hội tìm hiểu thêm về phong tục, tập quán, nghi lễ, những vấn đề liên quan đến nhà cửa, nếp cư trú xưa và nay của cộng đồng Chăm ở Nam Trung bộ.

Hoàng Minh Nguyệt