07:07 15/07/2013

Nhà máy gây ô nhiễm, dân buộc phải... di dời

Nhà máy sơ chế và tách cọng thuốc lá của Tổng Công ty Khánh Việt (Khatoco) mặc dù “sinh sau, đẻ muộn” so với khu dân cư trong vùng gây ô nhiễm môi trường, nhưng 26 hộ dân bị ảnh hưởng lại phải “hy sinh”, dời đi nơi khác tái định cư, nhường đất cho nhà máy này tiếp tục hoạt động.

Một nghịch lý diễn ra tại thành phố Nha Trang (Khánh Hòa), khi Nhà máy sơ chế và tách cọng thuốc lá của Tổng Công ty Khánh Việt (Khatoco) mặc dù “sinh sau, đẻ muộn” so với khu dân cư trong vùng gây ô nhiễm môi trường, nhưng 26 hộ dân bị ảnh hưởng lại phải “hy sinh”, dời đi nơi khác tái định cư, nhường đất cho nhà máy này tiếp tục hoạt động.


Nhà máy sơ chế và tách cọng thuốc lá do Tổng Công ty Khánh Việt làm chủ đầu tư, có công suất 18.000 tấn nguyên liệu/năm, với tổng mức đầu tư trên 420 tỷ đồng, được khánh thành và đi vào hoạt động từ tháng 10/2012 tại cụm công nghiệp Đắc Lộc, thuộc xã Vĩnh Phương, thành phố Nha Trang.

Giá trị mà dự án này mang lại là giải quyết việc làm cho khoảng 200 lao động. Còn hậu quả của hó là tiếng ồn suốt ngày đêm, môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng, cuộc sống của người dân bên cạnh nhà máy bị đảo lộn.


Chính vì vậy, không ít lần hàng trăm người dân kéo đến trước cổng nhà máy phản đối, buộc doanh nghiệp phải nhanh chóng khắc phục, đồng thời họ gửi đơn thư đến các cơ quan chức năng đề nghị can thiệp. Sau nhiều lần hứa hẹn và bị các cơ quan chức năng của tỉnh Khánh Hòa kiểm tra, doanh nghiệp này đã phải tiến hành khắc phục, như xây thêm hệ thống tường cách âm ở khu vực lò hơi, lắp thêm ống nối để dẫn khí thoát xuống sâu trong lòng đất và được xử lý thêm qua hệ thống phun nước... Mặc dù sau đó tiếng ồn và bụi đều nằm trong giới hạn cho phép, nhưng do mức độ gây tác động có tính liên tục (từ 6 giờ đến 18 giờ 30 phút hàng ngày), cộng với mùi thuốc lá không thể xử lý triệt để, nên người dân tiếp tục phản ứng.


Để giải quyết triệt để các yếu tố ảnh hưởng đến khu dân cư, chỉ còn cách cách ly nhà máy với khu dân cư. Song nhà máy này nằm trong Cụm công nghiệp Đắc Lộc đã được quy hoạch, lại là doanh nghiệp nhà nước, nên việc di dời nhà máy sẽ gây tốn kém bội phần. Chính vì thế, tỉnh Khánh Hòa đã chọn phương án di dời 26 hộ dân về khu định cư mới, cách nơi cũ 500 m và cũng thuộc thôn Đắc Lộc.


Ngày 11/7, UBND Khánh Hòa cho biết tỉnh vừa giao cho Trung tâm khuyến công và xúc tiến thương mại - Sở Công Thương Khánh Hòa, phối hợp cùng UBND thành phố Nha Trang lập phương án di dời. Khu tái định cư đã hoàn chỉnh hạ tầng giao thông, điện nước, không xáo trộn nhiều cuộc sống của dân. Bên cạnh đó, tỉnh cũng đồng ý cho trồng cây xanh cách ly giữa cụm công nghiệp với khu dân cư Đắc Lộc.


Nhà máy gây ô nhiễm... dân buộc phải di dời. Đây là bài học cho Khánh Hòa nói riêng và các địa phương cả nước nói chung, trong việc quy hoạch các cụm công nghiệp, khu công nghiệp, nằm xen lẫn giữa những khu dân cư đông đúc.


Tiên Minh