01:09 30/01/2012

“Nhà Hà Nội học” Nguyễn Vinh Phúc - Một phần hồn Hà Nội đã lìa xa

… Tận tâm, tận lực, tận hiến cho văn hóa Hà Nội, viết về Hà Nội bằng cả tâm hồn và trí nhớ trác tuyệt của mình, ông đã trở thành một phần hồn của Hà Nội.

… Tận tâm, tận lực, tận hiến cho văn hóa Hà Nội, viết về Hà Nội bằng cả tâm hồn và trí nhớ trác tuyệt của mình, ông đã trở thành một phần hồn của Hà Nội.

Tôi gặp cụ lần đầu tiên vào những ngày khấp khởi chuẩn bị kỷ niệm 990 năm Thăng Long, tức là đã 12 năm rồi, khi mà trong đầu cụ, cũng như tất cả chúng ta đầy khát khao và kỳ vọng về Đại lễ ngàn năm. Hình như đó là lần duy nhất tôi cảm thấy ở cụ sức khỏe và sự lạc quan tràn trề khi nói về văn hóa Hà Nội. Trong suốt 10 năm tiến về 1.000 năm Thăng Long, rất may mắn, tôi được làm việc với cụ khá thường xuyên, nhất là khi báo TT&VH khởi xướng giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì Tình yêu Hà Nội (tôi là thành viên BTC) và cụ nhận lời ngồi vào ghế giám khảo.

Trong 10 năm đó, tôi chứng kiến cụ yếu đi, chậm đi từng ngày. Số điện thoại nhà cụ, tôi thuộc nằm lòng, và lần nào gọi đến, tôi cũng được nghe giọng cụ “A lô” kéo dài như hơi thở dứt ra, vừa có cái mỏi, yếu đặc trưng của người già, lại vừa tha thiết, thân thương, chờ đợi rất khó tả. Thỉnh thoảng gặp cụ ở các hội nghị, hội thảo, nghe cụ phát biểu xong, rồi thấy cụ chậm rãi đi về, tôi chạy theo hỏi han, lần nào cũng có cảm giác âu lo cho sức khỏe của cụ.

Nhưng điều tôi vui mừng và ngạc nhiên nhất là “biểu tượng sống” ấy của Hà Nội dù đã mệt, đã yếu nhưng cực kỳ bền bỉ dẻo dai, và không lúc nào nguôi ưu thời mẫn thế. Trong tủ sách của tòa soạn TT&VH vẫn còn 2 cuốn Hỏi đáp 1.000 năm Thăng Long (Tô Hoài - Nguyễn Vinh Phúc, NXB Trẻ 2000) cụ tặng hồi nào, đến gần dịp 1.000 năm, ai cũng sửng sốt bất ngờ khi khối lượng kiến thức của cuốn ấy tăng lên nhiều lần, trở thành một “Tổng tập” gây chấn động khi ra mắt (kịp cập nhật cả phần về Hà Tây mới sáp nhập). NXB Trẻ tiếp tục “chắp cánh” cho cụ, ngoài mua bản quyền nhiều tác phẩm của cụ, như đã làm với các cây đa, cây đề trong làng văn học; lại còn trân trọng mời cụ bay vào Nam, tổ chức các buổi giới thiệu sách, ký tặng sách của cụ, và làm các ấn bản độc nhất vô nhị để giới thiệu ‘’kho báu kiến thức” này đến đông đảo độc giả. Những cử chỉ như thế, có NXB nào ở Hà Nội làm được cho cụ?



Nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc.



Trong cảm nhận của tôi, hình ảnh cụ Phúc chậm yếu đã in vào đầu từ rất lâu, nhưng lạ thay, sức sống và sức làm việc của cụ vẫn tỉ lệ nghịch với tấm thân nhỏ bé ấy. Nhà cụ trong ngõ đối diện trụ sở Bộ VH,TT&DL trên phố Ngô Quyền (HN), sách chất đầy bàn ghế, cầu thang lên gác hai. Cuối tháng 8 đầu tháng 9 năm ngoái khi tôi đến đưa hồ sơ về Giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì Tình yêu Hà Nội cho cụ “chấm” (vì cụ là thành viên Hội đồng giám khảo), tôi bất ngờ thấy cụ sụp xuống trông thấy, nói năng rất khó khăn, do vừa phải trải qua xạ trị. Nhưng điều tôi còn bất ngờ hơn là cụ đã chuẩn bị sẵn một tờ giấy ghi ra những đánh giá tổng quan của cụ về những tấm lòng “Vì tình yêu Hà Nội” năm 2011, cùng các “đề cử” của riêng cụ cho giải thưởng năm đó. Cụ cũng gửi kèm những đánh giá khá tỉ mỉ của mình với tư cách thành viên HĐGK về những đề cử được nêu ra. Tôi đã trân trọng giữ gìn bản viết tay đó như những di sản cuối cùng của một nhà Hà Nội học đầu tiên và có lẽ là duy nhất của chúng ta.

Khi báo TT&VH cùng gia đình cố họa sĩ Bùi Xuân Phái thành lập Giải thưởng này, thì vị giám khảo đầu tiên tôi nghĩ đến và muốn mời, đó chính là cụ Phúc. Tôi hình dung, giải thưởng này mà không có cụ thì mất đi rất nhiều phần hồn và tính thiêng. Chính cụ là người đã sửa từng câu từng chữ cho Quy chế giải thưởng. Và tôi nhớ rất rõ là cụ đã sửa từ “chấm giải” thành từ “định giải” với hàm ý rằng, Hội đồng giám khảo (HĐGK) không phải là người “chấm” cho các tác giả giống như chấm cho các thí sinh dự thi, mà chỉ là người căn cứ vào Quy chế đã để ra để “phân định” xem ai và tác phẩm nào đạt đủ tiêu chí để trao giải. Với ý nghĩa đó, BTC và HĐGK giải thưởng đã đủ tự tin để “định giải” cho những cây đa, cây đề như nhà văn Tô Hoài (2010), Giáo sư Phan Huy Lê (2011).

Cái duyên của cụ Phúc đối với Hà Nội chưa bao giờ dứt. Không những là một trong những vị giám khảo đầu tiên của Giải Bùi Xuân Phái - Vì Tình yêu Hà Nội (từ năm 2008), cụ còn được vinh dự nhận Giải thưởng Lớn đầu tiên của giải này vào năm 2009 vì các thành tựu gần 60 năm nghiên cứu về Hà Nội, trong đó, đặc biệt là 2 cuốn sách lớn ra đời vào thời điểm đó, gây tiếng vang trong cả nước, là cuốn: 1.000 câu hỏi đáp về 1.000 năm Thăng Long và Hà Nội, cõi đất, cõi người...

Trước đó, biết tin mình lọt vào danh sách dự kiến đề cử, cụ đã tự nguyện rút ra khỏi HĐGK (BTC cũng như các thành viên còn lại trong HĐGK đã hoàn toàn nhất trí với đề nghị đó để việc “định giải” được khách quan). Năm ấy, cụ 83 tuổi. Tôi báo tin cho cụ biết kết quả “định giải” với 100% phiếu thuận dành cho cụ, mà không dám bộc lộ niềm vui ra nét mặt. Hôm đó, cụ chỉ bảo: “Trong chương trình có phần cho mình phát biểu không”? Tôi trả lời “Có chứ”!

Đến lúc lên nhận giải, cụ rút trong túi ra một tờ giấy đánh máy vi tính (tờ giấy này sau tôi có xin lại). Chưa bao giờ tôi được nghe một “diễn từ” nhận giải thưởng chân thành và cảm động đến vậy: “Giải thưởng thật vô tư, đầy tinh thần cống hiến. Cao cả lạ lùng, chỉ một nỗi niềm vì tình yêu Hà Nội. Còn tôi sung sướng là vì từ khi nghiên cứu về Hà Nội tới nay tôi chưa được một giải thưởng nào. Đến nay đã 83 tuổi mới được nhận một giải thưởng như đã nêu trên không chỉ cao quý mà còn là cao cả, vì đó là một giải thưởng phi chính phủ lần đầu hiện diện ở nước ta, nêu một tấm gương sáng cho nhiều giới. Lần này niềm sung sướng ở tôi cũng tương tự như từ đầu thập kỷ 80 của thế kỷ trước, bạn đọc, công chúng đã gọi tôi là “Nhà Hà Nội học” một danh hiệu dân dã không quyền lợi, không bổng lộc nhưng thân mật và đầy ưu ái.

...Trong giờ phút long trọng này, tôi tuy đã già nhưng vẫn thấy lòng dạ xốn xang và cảm tạ trước hết là tấm lòng của gia đình cụ Phái..., khiến tôi như trẻ ra, như mạnh lên và phải chăng đây sẽ là nguồn sinh lực mới tài bồi cho tôi để có thể viết nhiều về Hà Nội và cho Hà Nội”.

Tình yêu bất tận với Hà Nội đã biến Nguyễn Vinh Phúc, từ một ông giáo dạy văn, sử “trường làng” như ông tự nhận, thành nhà nghiên cứu lịch sử văn hóa hàng đầu của Hà Nội, trở thành 1 trong 10 “công dân Thủ đô ưu tú” trong đợt phong tặng đầu tiên (2010).

Và hơn thế, chính vì tận tâm, tận lực tận hiến cho văn hóa Hà Nội, viết về Hà Nội bằng cả tâm hồn và trí nhớ trác tuyệt của mình, ông đã trở thành một phần hồn của Hà Nội và in dấu trên những góc phố cổ kính, rêu phong của thành phố này như một vị “thành hoàng”.

Có thể còn những tên tuổi khác cũng gắn bó với Hà Nội bằng cả cuộc đời, nhưng danh hiệu “Nhà Hà Nội học” thì luôn mặc định là Nguyễn Vinh Phúc, dù đó không phải là “độc tôn”. Sự ra đi của một nhà Hà Nội học đặt ra cho Giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì Tình yêu Hà Nội là phải tiếp tục tìm kiếm, tôn vinh những phần hồn Hà Nội khác, những con người cũng như cụ Phúc đã tận hiến cho văn hóa Thủ đô. Thời gian không chờ đợi ai...

Theo thethaovanhoa.vn