06:08 21/06/2012

Nhà báo liệt sĩ đất Quảng kiên cường

Sinh ra tại vùng quê miền biển xã Tam Giang, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam, Huỳnh Minh Ngọc tưởng như cũng sẽ lớn lên và sống bình dị như bao người đàn ông miền biển sống dọc con sông Trường Giang. Đó là tuổi thơ êm đềm với ngày ngày một buổi đi học, một buổi ở nhà phụ cha mẹ làm ngư nghiệp.

Sinh ra tại vùng quê miền biển xã Tam Giang, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam, Huỳnh Minh Ngọc tưởng như cũng sẽ lớn lên và sống bình dị như bao người đàn ông miền biển sống dọc con sông Trường Giang. Đó là tuổi thơ êm đềm với ngày ngày một buổi đi học, một buổi ở nhà phụ cha mẹ làm ngư nghiệp. Thông minh và nhanh nhạy, trong những ngày dưới mái trường phổ thông, Ngọc luôn được bạn bè và thầy cô yêu mến vì thành tích học tập tốt, nhất là các môn tự nhiên.


Theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, năm 1964, Huỳnh Minh Ngọc tình nguyện gia nhập Đài Minh ngữ thuộc Thông tấn xã Giải phóng Trung Trung bộ (TTXGPTTB), lúc đó anh tròn 16 tuổi. Trong suốt thời gian dài đóng quân tại những vùng núi cao của tỉnh Quảng Nam để vừa học tập làm báo vụ, vừa cầm súng đánh giặc, bước chân anh đã in dấu nhiều nơi như Sơn - Cẩm - Hà (Tiên Phước), Nước Xa (Trà My)... Mặc dù hoạt động trong địa bàn tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng thời đó nhưng vì tính chất công việc phải thường trực để thu và phát các bản tin phục vụ sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, cũng như tình hình chiến tranh quá ác liệt nên Huỳnh Minh Ngọc chưa một lần về thăm lại căn nhà nhỏ tại nơi chôn nhau cắt rốn.


Lúc này, tình hình trên chiến trường miền Nam vô cùng ác liệt khi quân Mỹ liên tục đổ vào miền Nam để đánh vào vùng giải phóng Khu V và Đông Nam bộ. Tuy nhiên chúng vấp phải sự chống trả quyết liệt của đội quân chỉ có thủ pháo, súng AK... , điển hình là trận Núi Thành (Quảng Nam). Một đại đội của ta đã tiêu diệt gọn 1 đại đội Mỹ đang đồn trú trong công sự kiên cố lại có phi pháo yểm trợ đắc lực. Ngay sau khi có tin chiến thắng, TTXGPTTB lập tức “lên sóng” đưa tin cho cả thế giới biết về sự kiện quan trọng này, khẳng định một điều chắc chắn là “chúng ta có thể đánh Mỹ và thắng Mỹ”.


Bên cạnh việc đưa tin kịp thời, những chàng trai, cô gái nhà báo - chiến sỹ, trong đó có Huỳnh Minh Ngọc còn chủ động cầm súng chiến đấu chống trả những trận càn quét của quân thù đổ bộ bằng trực thăng tại những nơi cơ quan đóng quân. Trong quá trình di chuyển liên tục để tránh bị địch phát hiện và đảm bảo ổn định công tác thông tin liên lạc, Huỳnh Minh Ngọc thường cùng các anh chị em là phóng viên, điện báo viên bám sát địa bàn, chia ngọt sẻ bùi với bà con dân tộc, khi cùng nhau phát cây làm rẫy, săn bắn thú, có khi là những bữa ốc đá, rau rừng cầm hơi. Vì thế, tại những nơi TTXGPTTB đã từng đứng chân đều nhận được thiện cảm của người dân địa phương.


Năm 1972, được sự điều động của cơ quan, Huỳnh Minh Ngọc lại vác ba lô lên đường nhận nhiệm vụ mới. Trong đợt này có 2 cán bộ trẻ tăng cường cho mặt trận Kon Tum là Huỳnh Minh Ngọc và Nguyễn Tiến Dũng, đều là cán bộ của TTXGPTTB. Tại mặt trận mới, Huỳnh Minh Ngọc lại lao vào công việc chuyên môn và chiến đấu một cách hăng say. Trong một trận chống càn vào tháng 7/1972, Huỳnh Minh Ngọc đã anh dũng ngã xuống trên mảnh đất Diêu Bình, Đắc Tô, Kon Tum. Anh ngã xuống cho sự trường tồn của đất nước khi tuổi đời còn quá trẻ và phơi phới yêu thương.


Ngày đất nước hoàn toàn giải phóng thì tin anh hy sinh mới về đến gia đình. Dù đau thương nhưng những người thân vẫn tự hào là có người con đứng trong hàng ngũ cách mạng chiến đấu vì độc lập của dân tộc. Tiếp bước anh, những người em của Huỳnh Minh Ngọc lần lượt gia nhập lực lượng vũ trang cách mạng, chiến đấu trên mặt trận mới - mặt trận bảo vệ trật tự trị an cho xã hội. Trong cuốn sách “Chân dung các nhà báo liệt sỹ” của Hội Nhà báo Việt Nam xuất bản năm 1996, nêu hơn 400 gương nhà báo liệt sỹ thì tên anh được trân trọng ghi: Huỳnh Minh Ngọc, sinh năm 1949; quê quán Kỳ Xuân, Tam Kỳ, Quảng Nam; cơ quan Thông tấn xã Giải phóng Khu V; hy sinh năm 1972 tại Diêu Bình, Đắc Tô, Kon Tum trong một trận chiến đấu bảo vệ vùng giải phóng. Một mình anh đã đánh đuổi một đại đội địch.
Anh Huỳnh Minh Ngọc đã nằm lại trên vùng đất Tây nguyên. Vẫn biết rằng, nơi đâu cũng là đất mẹ Việt Nam thân yêu nhưng những người thân của anh vẫn mong muốn một ngày gần đây sớm đưa anh về yên nghỉ bên bờ sông Trường Giang quê nhà để hàng ngày được nghe tiếng sóng, tiếng gió biển rì rào như những ngày mẹ đưa nôi.

 

Nguyễn Sơn