11:13 06/11/2014

Nhà báo Hải Phòng với biển đảo

Tại cuộc gặp mặt mới đây của các nhà báo đã từng đặt chân đến Trường Sa và cả những nhà báo trẻ chưa một lần ra đảo do Hội Nhà báo Hải Phòng tổ chức, tình yêu và cả sự đồng cảm, sẻ chia những nỗi vất vả...

Tại cuộc gặp mặt mới đây của các nhà báo đã từng đặt chân đến Trường Sa và cả những nhà báo trẻ chưa một lần ra đảo do Hội Nhà báo Hải Phòng tổ chức, tình yêu và cả sự đồng cảm, sẻ chia những nỗi vất vả nhưng rất đỗi tự hào của mỗi người dân, của mỗi người chiến sỹ đang ngày đêm sống, làm việc và canh giữ các vùng biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc đã được chia sẻ...

Nhà báo Hoàng Thiềng, thường trực Hội Nhà báo Hải Phòng chia sẻ: Bao giờ cũng vậy, được đến thăm một vùng đất nào đó, tâm trạng ai cũng mong được gặp người đồng hương. Và ngược lại, người ở nơi xa xôi lại càng mong được gặp người cùng quê. Thật may mắn và hạnh phúc, chuyến thăm quần đảo Trường Sa của ông đã được gặp những người đồng hương Hải Phòng.



"Anh em chuẩn bị rất chu đáo, 5 cơ quan báo chí của thành phố cùng với ngành Văn hóa Thể thao và Du lịch, Bệnh viện Phụ sản, Công đoàn Ban Tuyên giáo Thành ủy và Nhà xuất bản đều có quà gửi ra Trường Sa. Nghệ sĩ nhiếp ảnh Hoàng Kim Đáng chuẩn bị hơn 50 bức ảnh nghệ thuật với chủ đề đất nước và con người Việt Nam do ông sáng tác, với hy vọng sẽ làm những cuộc triển lãm nhỏ khi đặt chân tới các đảo. Riêng tôi, ngoài thư và quà của vợ gửi cho chiến sỹ Trường Sa, tôi còn mang theo cuốn tiểu thuyết "Người trong cuộc" do tôi sáng tác để tặng bộ đội Trường Sa... Mỗi người đều cố gắng bằng cách riêng của mình để bày tỏ tấm lòng đối với Trường Sa." - Nhà báo Hoàng Thiềng chia sẻ thêm.

Hai nhà báo Bùi Vũ và Thế Hưng - Đài Phát thanh và Truyền hình Hải Phòng tâm sự: "Từ cuộc vận động "Cả nước vì Trường Sa - Trường Sa vì cả nước" và phong trào "Góp đá xây dựng Trường Sa", chỉ trong một thời gian ngắn, những doanh trại đã mọc lên, công trình quốc phòng được tu bổ nâng cấp và nhiều công trình dân sinh, kinh tế, đường giao thông được thực hiện... Để làm được một khối lượng công việc lớn như vậy giữa biển khơi xa, cách đất liền hàng trăm dặm này, đó là một kỳ tích của những người lính công binh Hải quân, những người đã đổ bao mồ hôi, nước mắt, thậm chí cả xương máu để làm đổi thay, tươi mới 33 điểm đảo trên quần đảo Anh hùng này. Chúng tôi, những phóng viên đã ra đảo công tác nhiều lần, luôn đau đáu một nỗi niềm, được quay phim về những nỗi vất vả nhọc nhằn của các anh".

Minh Hảo và Mạnh Tuấn - hai nhà báo của Đài Phát thanh và Truyền hình Hải Phòng không dưới 1 lần thăm đảo, xúc động nói: "Phòng Hồ Chí Minh trên đảo là nơi các cán bộ, chiến sỹ trau dồi kiến thức. Những vấn đề về lịch sử, chiến công của dân tộc luôn được các chiến sỹ trẻ đặc biệt quan tâm. Ở những nơi này, bài học về Bác luôn mang tính thời đại. Và mỗi khi khó khăn nhất, lời căn dặn đầy ân tình của Người: "Là chiến sĩ Hải quân các chú phải yêu quý đảo như yêu quý nhà mình, chịu khó cải tạo xây dựng thành những mảnh đất vừa giàu, vừa đẹp có lợi cho mình lại có lợi cho đất nước..." lại vang lên như lời nhắc nhở, lời động viên, sự khích lệ để lính đảo vượt qua mọi gian khó, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Ra đến Trường Sa mới thấy cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" đã thực sự đi vào trong lòng mỗi người".

Nhà báo Hồng Thanh - Báo Hải Phòng cho biết: Hải Phòng là một trong số ít địa phương hàng năm đều có đoàn đại biểu là lãnh đạo thành phố cùng đại diện các ban ra thăm và tặng quà ở đảo. Ngoài những món quà về vật chất, tại những nơi đoàn đến, các cuộc gặp mặt cán bộ, chiến sỹ là người Hải Phòng luôn xúc động và thắm tình quân dân, tình đồng hương. Đối với họ, những hơi ấm từ đất liền, nhất là về sự đổi thay của thành phố luôn có ý nghĩa to lớn để họ có thêm động lực phấn đấu, vượt khó mọi khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Nhà báo Hồng Thanh cho biết thêm: "Từ trước đến nay, bao giờ cũng vậy, ở đâu có bóng dáng người lính, ở đó có âm vang của những lời thề sắt son. Trong chuyến đi Trường Sa lần này, chúng tôi được chứng kiến nhiều lễ chào cờ trên các đảo, nhưng lần nào cũng vậy, mỗi khi được nghe những người lính hô vang tưởng chừng đến vỡ lồng ngực 2 tiếng “Xin thề” là lại thấy trái tim mình sôi sục bầu máu nóng, thấy lâng lâng tự hào. Chúng tôi cảm nhận được sự vĩ đại của đất nước mình, dân tộc mình; sự hy sinh của cha ông, lớp lớp thế hệ đi trước. Và cũng ngay lúc đó, chúng tôi cảm nhận được trách nhiệm của mình sâu sắc hơn..."

Đoàn Minh Huệ