04:22 07/04/2015

Nguyễn Trần Trung Quân và hành trình dũng cảm

Nói dũng cảm bởi việc chấp nhận bỏ hết thành công ở thể loại pop - ballad mà chàng ca sĩ trẻ này đã mất 2 năm “gây dựng” sau khi đăng quang tại Sao Mai Điểm Hẹn 2012, để chuyển sang thể loại nhạc điện tử (electro)...

Nói dũng cảm bởi việc chấp nhận bỏ hết thành công ở thể loại pop - ballad mà chàng ca sĩ trẻ này đã mất 2 năm “gây dựng” sau khi đăng quang tại Sao Mai Điểm Hẹn 2012, để chuyển sang thể loại nhạc điện tử (electro) - một thể loại nhạc còn rất kén người nghe tại Việt Nam; là điều không nhiều ca sĩ dám làm, nhất là với những ca sĩ trẻ vừa bắt đầu con đường sự nghiệp.

Thế nhưng, đó lại là cách để Nguyễn Trần Trung Quân thành công, để cái tên còn mới mẻ này được nhắc tới trong suốt cả năm 2014 vừa qua và được xướng lên tới hai lần trong lễ trao giải Cống hiến của Báo Thể thao & Văn hóa (TTXVN) tối 6/4, ở hạng mục “Ca sĩ của năm” và “Album của năm”.

Nguyễn Trần Trung Quân nhận giải thưởng cho “Album của năm” với album “Khởi hành”.



Chia sẻ về thành công lớn khiến cho Nguyễn Trần Trung Quân đến giờ phút này “vẫn như thấy mình sống trong mơ”, chàng ca sĩ trẻ khẳng định: Dù được công chúng yêu mến và mệnh danh là “Hoàng tử ballad” sau Sao Mai Điểm Hẹn, nhưng Quân lại tìm ra được con người của mình qua nhạc điện tử. Ở âm nhạc điện tử, chàng ca sĩ trẻ thấy mình như được quyện cùng với âm nhạc và được thể hiện tất cả cảm nhận qua giọng hát của mình.

Chính vì vậy, khi thực hiện album đầu tay “Khởi hành”, Trung Quân đã quyết định thực hiện cuộc “lột xác”, thay đổi hướng đi. Trung Quân đã đề xuất với nhạc sĩ Khắc Hưng ý tưởng về một album với "một tinh thần trẻ trung mà sâu sắc, một nội dung gần gũi nhưng âm nhạc khác biệt, một trải nghiệm cũ mà mới". Qua quá trình tìm hiểu và cân nhắc, Khắc Hưng đã chọn phong cách và hướng đi lâu dài cho Trung Quân là dòng nhạc điện tử.

Mỗi người chọn cho mình một con đường và cách làm nghệ thuật riêng biệt. Với cá nhân, Quân nghĩ mình không giỏi chạy nước rút mà mình phù hợp với chạy sức bền hơn, nên sẽ chọn cách đi từ tốn, chậm mà chắc. Không phải Quân không dám mạo hiểm mà đơn giản là Quân biết mình phù hợp với cách đi nào đúng đắn nhất. Quan điểm của Quân về nghệ thuật là phải chọn cho mình một con đường phù hợp nhất với bản thân mình.

Đồng tình với sự thay đổi này, Trung Quân đã nghiên cứu rất kỹ lưỡng và học hỏi được thêm khá nhiều kinh nghiệm về dòng nhạc mới. Lấy chủ đề là "Một ngày", các bài hát trong album “Khởi hành” được sắp xếp và lên ý tưởng như dòng chảy xuyên suốt từ đầu đến cuối. Mỗi một bài lại là một câu chuyện nhỏ khác, mang một nội dung, cảm xúc khác nhau, gửi gắm những thông điệp rất đời thường, gần gũi trên nền nhạc điện tử biến hóa. Sáng, trưa, chiều, tối, đêm... những mảng âm nhạc sẽ nối tiếp nhau dẫn tới những khung giờ, những cảm nhận suốt hai năm qua được đúc kết trong một ngày của Trung Quân. Cụ thể, album “Khởi hành” gồm 10 bài hát, sắp xếp theo thứ tự: "Thức giấc" (Khắc Hưng); "Hừng sáng" (Khắc Hưng); "Ảo ảnh trưa" (Nguyễn Trần Trung Quân), "Hồ nước" (Huyền Sambi); "Tiếng mưa dai dẳng" (Khắc Hưng); "Cỏ" (Huyền Sambi); "Nghiêng" (Huyền Sambi); "Lửa" (Khắc Hưng); "Thử thách đêm" (Sa Huỳnh); "4 giờ sáng" (Khắc Hưng).

Bản thân tên album, "Khởi hành", cũng đánh dấu một cột mốc và bước đi mới của Trung Quân, để tiếp nhận và khám phá, tìm tòi và thử nghiệm với chất nhạc điện tử, và hơn hết là để khẳng định con đường riêng biệt của mình đối với các ca sĩ trẻ hiện tại. “Album “Khởi hành” là một album để khẳng định phong cách âm nhạc của Quân. Chắc chắn Quân sẽ kiên định với con đường này của mình, đó là nhạc điện tử. Nếu có thay đổi, thì sẽ chỉ thay đổi về xu hướng trong âm nhạc điện tử, bởi vì trong âm nhạc điện tử có rất nhiều nhánh khác nhau”, Trung Quân chia sẻ.

Với Trung Quân, “Khởi hành” là một sự mở đầu của hành trình âm nhạc, chính vì vậy, ngay sau album này, chàng ca sĩ trẻ đã bắt tay vào chuẩn bị cho việc ra mắt một CD nhạc điện tử tiếp theo. Thời gian tới, Quân cũng sẽ trích một phần số tiền bán được 10.000 đĩa “Khởi hành” để lập một quỹ mang tên “Khởi hành”, mang số tiền đó gửi tới những bạn trẻ vùng cao có đam mê về âm nhạc, nhưng không có cơ hội được học nhạc một cách chuyên nghiệp.

AM