05:10 17/05/2011

Nguyễn Tất Thành với cuộc trường chinh tìm đường cứu nước - Một trăm năm nhìn lại

Nhân kỷ niệm 100 năm Ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước (5/6/1911-5/6/2011), báo Tin Tức giới thiệu bài viết "Nguyễn Tất Thành với cuộc trường chinh tìm đường cứu nước - Một trăm năm nhìn lại" của Giáo sư Song Thành, Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh.

Nhân kỷ niệm 100 năm Ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước (5/6/1911-5/6/2011), báo Tin Tức giới thiệu bài viết "Nguyễn Tất Thành với cuộc trường chinh tìm đường cứu nước - Một trăm năm nhìn lại" của Giáo sư Song Thành, Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh.

Việt Nam, vào đầu thế kỷ XX, đã có một lớp thanh niên ưu tú rời nước ra đi, không phải vì mưu sinh mà vì khát vọng giành lại độc lập cho Tổ quốc, tự do và phẩm giá cho đồng bào. Họ nô nức Đông du theo lời kêu gọi đầy nhiệt huyết của Phan Bội Châu. Duy có một người thanh niên mảnh khảnh dám một mình tìm đường sang phương Tây. Đó là Nguyễn Tất Thành. Thành tựu chung cuộc đã làm cho việc ra đi đó trở thành một sự kiện lịch sử trọng đại, mở ra bước phát triển mới cho Cách mạng giải phóng dân tộc của Việt Nam. Chỉ có thể đánh giá hết ý nghĩa, giá trị và bài học của sự kiện này khi đặt nó vào hoàn cảnh khó khăn, bế tắc của phong trào cứu nước hồi đầu thế kỷ trước.

I. BỐI CẢNH XÃ HỘI VIỆT NAM ĐẦU THẾ KỶ XX

1. Sau thất bại của các cuộc khởi nghĩa vũ trang cuối thế kỷ XIX, tư tưởng của các sĩ phu yêu nước đã có sự chuyển biến. Họ cố thoát ra khỏi ý thức hệ phong kiến, đi tìm một con đường mới trong ý thức hệ tư sản Âu-Mỹ qua các tân thư được truyền vào từ Trung Hoa. Song những cố gắng ấy cũng đều lần lượt bị thất bại. Cuộc vận động chống sưu thuế bị đàn áp, Trần Quý Cáp bị xử tử, Phan Châu Trinh bị đày đi Côn Đảo. Vụ Hà Thành đầu độc thất bại, các nghĩa sĩ bị chặt đầu; Trường Đông Kinh nghĩa thục bị đóng cửa; căn cứ nghĩa quân Yên Thế bị bao vây, đánh phá; phong trào Đông du bị tan rã, Phan Bội Châu và các đồng chí của ông bị trục xuất khỏi nước Nhật,… Những nỗ lực cuối cùng của các sĩ phu yêu nước đầu thế kỷ hầu như đều đã thất bại.

Phong trào cứu nước, giải phóng dân tộc đứng trước một cuộc khủng hoảng, bế tắc cả về lý luận, đường lối và phương thức đấu tranh. Làm thế nào để đánh đuổi được chủ nghĩa thực dân xâm lược, giành lại độc lập cho Tổ quốc, tự do cho đồng bào? Câu hỏi đó ngày đêm nung nấu, day dứt tâm can lớp thanh niên yêu nước thế hệ Nguyễn Tất Thành lúc bấy giờ.

Sinh ra và lớn lên trong một giai đoạn đầy biến động của đất nước; được kế thừa truyền thống yêu nước, bất khuất của quê hương và gia đình, khi còn là một thiếu niên 15 tuổi, Nguyễn Tất Thành đã sớm biết đau nỗi đau mất nước, xót xa trước nỗi thống khổ của đồng bào, đã sớm có chí đuổi giặc, cứu nước, giải phóng dân tộc.

Nhưng bằng con đường nào? Liên minh với ai, dựa vào ai để chiến đấu? Cuộc tranh luận không phải về mục tiêu mà về con đường: Dựa vào Pháp để cải cách như Phan Châu Trinh hay dựa vào Nhật để cứu nước như Phan Bội Châu? Mặc dù uy tín của hai chí sĩ họ Phan đều rất lớn, nhưng anh không đứng về phe nào. Trước khi đi đến quyết định, theo tinh thần “cách vật, trí tri”, anh cần tìm hiểu đến tận cùng thực chất của thời cuộc. Sau này, trong một lần trò chuyện với nhà báo Mỹ Anna Louise Strong, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Nhân dân Việt Nam, trong đó có ông cụ thân sinh ra tôi, lúc này thường tự hỏi nhau: Ai là người sẽ giúp mình thoát khỏi ách thống trị của Pháp? Người này nghĩ là Nhật, người khác nghĩ là Anh, có người lại cho là Mỹ. Tôi thấy phải ra nước ngoài xem cho rõ. Sau khi xem xét họ làm ăn ra sao, tôi sẽ trở về giúp đồng bào tôi”[1]. Điều đó cho thấy, Nguyễn Tất Thành đã sớm có ý thức khám phá thời đại để tìm ra con đường đúng đắn cho sự nghiệp cứu nước, giải phóng dân tộc.

2. Bước sang thế kỷ XX, chủ nghĩa đế quốc đã trở thành một hệ thống thế giới, mỗi thuộc địa là một mắt khâu của hệ thống đế quốc, do đó cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc không thể chỉ là hành động riêng rẽ của một quốc gia này chống lại sự xâm lược và thống trị của một quốc gia khác như trước kia, mà đã trở thành một bộ phận của cuộc đấu tranh chung chống chủ nghĩa đế quốc quốc tế. Trong điều kiện lịch sử mới, cách mạng giải phóng dân tộc muốn thắng lợi, phải trở thành một bộ phận khăng khít của cách mạng thế giới, như Lênin đã nói. Đây chính là đặc điểm mới của thời đại mà các sĩ phu trong nước thời đó chưa có điều kiện để nhận ra.

Với nhạy cảm chính trị của một trí tuệ hiếm có, chàng thanh niên Nguyễn Tất Thành đã có được dự cảm nhất định về sự chuyển biến của thời đại. Kẻ xâm lược mới đến từ phương Tây, mang theo sức mạnh của văn minh phương Tây. Muốn thắng được họ, phải đi tìm một con đường khác. Đó là con đường nào? Ở tuổi 20, người thanh niên ấy chưa thể trả lời ngay được, nhưng sự lựa chọn đầu tiên đã tỏ ra vô cùng sáng suốt: Ngược với làn sóng Đông du, anh một mình đi sang phương Tây, nơi sớm nổ ra các cuộc cách mạng dân chủ tư sản, nơi các trào lưu tư tưởng tự do dân chủ và khoa học kỹ thuật đang phát triển mạnh mẽ. Phải ra đi xem xét họ làm ăn thế nào để trở về giúp đồng bào. Khát vọng đó của anh đã nảy nở từ rất sớm và lớn dần lên theo năm tháng.

Ngày 2/6/1911, Nguyễn Tất Thành ra bến Nhà Rồng liên hệ xin việc. Ngày 3/6/1911, anh được giới thiệu và nhận vào làm phụ bếp trên tàu Đô đốc Latusơ Tơrêvin. Ngày 5/6/1911, với tên mới Văn Ba, anh theo tàu rời nước ra đi. Không khoác áo thân sĩ, ra đi trong tư cách một người lao động, khởi nghiệp với đôi bàn tay trắng, với một ý chí mãnh liệt, một nghị lực phi thường, một mình tiến hành cuộc trường chinh 30 năm đi tìm con đường cứu nước, giải phóng dân tộc.

II. QUÁ TRÌNH TÌM TÒI VÀ HÌNH THÀNH CƠ BẢN CON ĐƯỜNG CÁCH MẠNG GIẢI PHÓNG DÂN TỘC CỦA VIỆT NAM

1. Tiến hành cuộc khảo sát rộng lớn thế giới tư bản

Nguyễn Tất Thành nhận làm bồi tàu, thủy thủ để có điều kiện được đi. Từ cảng Nhà Rồng, anh đã đi qua Xinhgapo, Côlômbô, vượt Hồng hải, qua Suez đến cảng Saïd, Marseille, Le Havre. Từ Pháp, anh trở lại Sài Gòn, rồi đi vòng quanh châu Phi, qua các nước Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Angiêri, Tuynidi, trở lại các cửa biển Đông Phi, vòng qua Cônggô, Dahomey, Ghinê, Xênêgan, vượt Đại Tây Dương tới Hoa Kỳ, vòng xuống Nam Mỹ, tới Áchentina,… Sau đó, trở lại Anh, về Pháp, qua Đức, tới Liên Xô, về Trung Quốc, sang Thái Lan…, tất cả hơn 30 nước.

Có thể nói, vào đầu thế kỷ XX, Hồ Chí Minh là một trong số rất ít các nhà cách mạng đương thời có điều kiện đi nhiều, có một vốn hiểu biết khá tường tận về chủ nghĩa đế quốc và hệ thống thuộc địa của chúng. Bản thân là người dân thuộc điạ, ra nước ngoài hòa mình vào cuộc sống lao động và đấu tranh của vô sản ở chính quốc, có gần 10 năm bôn ba, khảo sát các thuộc địa của đế quốc Anh, Pháp, Đức - từ châu Á, châu Phi đến châu Mỹ la tinh, nên có hiểu biết về bản chất chung và màu sắc riêng của mỗi nước đế quốc cũng như trình độ phát triển kinh tế-văn hóa-xã hội khác nhau giữa các nước thuộc địa. Nhờ vốn hiểu biết thực tế đó, cùng với một năng lực tư duy độc lập, tự chủ, đã giúp Người không rơi vào các khuynh hướng cơ hội nhưng cũng không dễ dàng chấp nhận một cách giáo điều những công thức lý luận không phù hợp với thực tế các nước thuộc địa, nhất là ở phương Đông.

(Còn tiếp)

------------------------------
[1] Ba lần nói chuyện với Chủ tịch Hồ Chí Minh, báo Nhân Dân số ra ngày 18/5/1965.