10:10 17/10/2011

Nguyễn Nho Trường Sa và Công Trí “tỏa sáng”

Với chủ đề “Đam mê”, Đẹp Fashion Show 10 (DFS) đã thể hiện rõ sự đam mê rực cháy của mình trong khoảng 150 phút của đêm 15/10 vừa qua tại Nhà thi đấu Nguyễn Du (TP.HCM). Trong “đám cháy” hừng hực đó, có vài “ngọn lửa” vươn lên cao ngất và tỏa nhiều màu sắc quyến rũ.

Với chủ đề “Đam mê”, Đẹp Fashion Show 10 (DFS) đã thể hiện rõ sự đam mê rực cháy của mình trong khoảng 150 phút của đêm 15/10 vừa qua tại Nhà thi đấu Nguyễn Du (TP.HCM). Trong “đám cháy” hừng hực đó, có vài “ngọn lửa” vươn lên cao ngất và tỏa nhiều màu sắc quyến rũ.

DFS có cấu trúc khá lạ khi bố trí Nguyễn Nho Trường Sa là người khai cuộc, với lối chơi guitar điện rất quái dị. Sàn diễn rộng rãi và tối om, một ánh sáng lóe chính giữa, Sa được máy nâng đẩy lên từ dưới hầm, tiếp theo vài câu guitar “chào hàng” là cuộc biến tấu cùng DJ Trí Minh ca khúc Walk This Way (tạm dịch: Đi lối này) của ban nhạc Aerosmith. Khán giả ồ lên khi thấy một thanh niên trọc đầu lăn lóc, quằn quại trên máy nâng, với tiếng guitar pha trộn sự mạnh mẽ của rock với chất ma quái, lãng tử, giang hồ. Đứng, ngồi, nhảy nhót và nằm lăn trên sàn là các tư thế của Sa; có lúc Sa còn dùng cả lưỡi và răng để chơi nhạc.

“Điên như Sa mới điên”

Phần đông khán giả chưa biết Sa là ai, mà chương trình thì không giới thiệu nghệ sĩ của từng tiết mục, nên khán phòng đầy ắp tiếng xì xào hỏi tên. Mở màn cùng cuộc phối ngẫu hiệu quả của Trí Minh và Trường Sa là bộ sưu tập Hồ thiên nga của Devon Nguyễn. Một đoàn thiên nga, vừa trắng vừa đen xuất hiện, trong đó có hai con thiên nga “điên” với điệu múa cuồng loạn, lạc bầy. Lúc này Sa chơi vài nét trong bản nhạc cổ điển Hồ thiên nga, trước khi quay lại với giai điệu rock trong ca khúc Come Together của The Beatles, rồi kết thúc phần mở màn. Phải mô tả dài dòng như vậy để thấy sự kết hợp giữa Nguyễn Nho Trường Sa với Trí Minh là đầy phá cách, ngẫu hứng, nhưng rất hiệu quả.


Cây guitar “điên” Nguyễn Nho Trường Sa. Ảnh: Trần Việt Đức.


Kế đến là bộ sưu tập Kiếp sau của Trương Thanh Hải, Sa chơi guitar thùng, Trí Minh chơi piano, họ rời chất nhạc điện tử để bước sang chất acoustic, với một đoạn ứng tác tại chỗ. Sau bộ sưu tập này thì Sa rời chương trình, để Trí Minh ở lại với các bộ sưu tập tiếp theo. Chỉ khoảng 20 phút xuất hiện nhưng Sa đã thể hiện rõ kĩ năng, cảm xúc và đam mê chơi nhạc một cách lạ lùng của mình. Có lẽ vì đam mê này mà tổng đạo diễn Việt Tú đã chọn Sa cho phần mở đầu, nó thể hiện rõ ý tưởng về đam mê của cả chương trình.

Khoảng 23h thì đêm diễn kết thúc, bước ra khỏi cửa, vẫn thấy Sa bị vây giữa khán giả, đa số chỉ muốn hỏi tên và chụp hình lưu niệm. Tôi hỏi Sa tập với Trí Minh bao lâu và làm sao em có thể phiêu như vậy ngay tiết mục đầu tiên? Sa trả lời: “Hai buổi tập và hai buổi chạy chương trình”. “Còn tại sao phiêu?”. “Vì em phải chơi như vậy thì mới thấy hạnh phúc, em “điên” mà”. Khi Sa nói đến đây, thì đâu đó trong nhóm khán giả phía sau hét to: “Điên như Sa mới điên”. Chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên, nhưng nghĩ về hiệu ứng mà Sa đã mang lại cho người xem DFS, thấy hoàn toàn đúng.

Và bộ sưu tập “nặng đô” nhất của Công Trí

Nhà thiết kế Công Trí là tên tuổi gắn với DFS ngay từ đầu, nhưng 3-4 kỳ gần đây anh “lặn” mất, để năm nay tung ra bộ sưu tập No 4 - 2011. Nhìn tổng thể từ chương trình, bộ sưu tập của Công Trí “nặng đô” nhất, nếu xét về hình ảnh (nào xương cốt, bụng bầu, giải phẫu...) và cả triết lý về sự sinh tồn, cái chết, cũng như sự hủy diệt. Bước vào nghề khoảng 10 năm, với rất nhiều thiết kế thành công, nhiều bộ sưu tập ấn tượng, nhưng có lẽ đây là lần đầu tiên Công Trí phô diễn trực tiếp những ưu tư của mình. Nó vượt qua các chủ đề chung chung của thời trang, vốn thiên về cảm xúc, để đi đến sự bày tỏ câu chuyện và cách nhìn của nghệ sĩ về môi trường sống hiện tại.


Một khoảnh khắc trong BST No 4 - 2011 của Công Trí. Ảnh: Trần Việt Đức.

Chất triết lý cũng thể hiện rõ trong cách mà Công Trí gọi tên bộ sưu tập của mình, nếu trước đây là Loài hoa bất tử, Máu, Tay kéo mộng du, Siêu thoát... khá khu biệt, thì hôm nay là No 4 - 2011 (tạm hiểu là “số 4 năm 2011”). Bởi nếu gọi tên cụ thể, thì chắc chắn không thâu tóm được hết các ý tưởng, hoặc sẽ có cái tựa rất là dài.

Về bề nổi, chương trình mở đầu rất ấn tượng và rầm rộ, để sau đó “lãng đãng trôi” rồi kết thúc nhẹ nhàng, trên nền nhạc hơi đều đều của Trí Minh. Thế nhưng, nếu tập trung vào câu chuyện mà Công Trí gửi gắm qua bộ sưu tập cuối cùng, hẳn chúng ta sẽ nghĩ khác đi. Bởi 20 phút đầu, dường như chương trình muốn hướng ra ngoại giới, thì 20 phút cuối lại đi vào nội giới, với những trải nghiệm sâu xa về kiếp người. Quả là một sự cân đối chông chênh, nhưng đầy ẩn ý và thú vị.


Theo thethaovanhoa.vn