01:08 16/01/2015

Nguyên nhân thúc đẩy Trung Quốc tiếp tục đánh 'hổ lớn'

Công cuộc chống tham nhũng của lãnh đạo thế hệ thứ 5 ở Trung Quốc đã đánh đổ 4 con “hổ lớn”, gồm 1 quan chức giữ chức trưởng ở cấp nhà nước và 3 quan chức giữ chức phó ở cấp nhà nước.

Tờ “Đông phương Nhật báo” của Hong Kong số ra ngày 15/1 cho rằng nếu gọi nguyên Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị kiêm Bí thư Chính pháp Trung ương Trung Quốc Chu Vĩnh Khang là “hổ siêu lớn”, thì nguyên Ủy viên Bộ Chính trị kiêm Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương Từ Tài Hậu, nguyên Phó Chủ tịch Chính hiệp Toàn quốc Tô Vinh (người từng làm Bí thư Tỉnh ủy) và nguyên Trưởng Ban Mặt trận Thống nhất Trung ương Lệnh Kế Hoạch (người từng làm Chủ nhiệm Văn phòng Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc) chính là “hổ lớn”.

Tới nay, công cuộc chống tham nhũng của lãnh đạo thế hệ thứ 5 ở Trung Quốc đã đánh đổ 4 con “hổ lớn”, gồm 1 quan chức giữ chức trưởng ở cấp nhà nước và 3 quan chức giữ chức phó ở cấp nhà nước nêu trên. Không chỉ có vậy, hàng chục “con hổ thông thường” là các quan chức cấp tỉnh, bộ (giữ hàm từ Thứ trưởng trở lên) cũng đã bị hạ bệ. Đây là thành tích tốt chưa từng có trong lịch sử “đánh hổ”, chống tham nhũng của Trung Quốc. Thành quả đấu tranh chống tham nhũng mấy chục năm qua của Ban Kiểm tra Kỉ luật Trung ương gộp lại cũng không được huy hoàng như vậy.

Kết quả chống tham nhũng trong một năm còn hơn cả mấy chục năm của lãnh đạo thế hệ thứ 5 sẽ để lại dấu tích quan trọng trong lịch sử Trung Quốc nói chung và lịch sử nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa nói riêng. Tuy nhiên, lãnh đạo thế hệ thứ 5 không vì thế mà thỏa mãn, ngược lại, họ sẽ tiếp tục tăng cường chống tham nhũng và trong năm 2015 này sẽ đưa cuộc chiến chống tham nhũng ở Trung Quốc đi vào chiều sâu.

Ông Chu Vĩnh Khang (giữa) rời Tứ Xuyên đi Bắc Kinh đảm nhận chức vụ mới trong Chính phủ trung ương năm 2002. Ảnh AFP/TTXVN


Trước tiên là do cuộc đấu tranh chống tham nhũng không có dấu chấm hết, không có điểm cuối cùng, cần được tiến hành mãi mãi. Hai là, tình hình hiện nay được đánh giá là vẫn rất phức tạp, không thể coi thường khả năng các thế lực tham nhũng phản ứng, “quay đầu vồ lại”.

Trở lực đối với việc điều tra các vụ án tham nhũng là rất lớn, rủi ro rất cao, tính mạng của nhân viên điều tra bị uy hiếp, thủ đoạn chống trả của thế lực tham nhũng rất tàn độc, khó phòng chống. Tới thời điểm hiện nay, lãnh đạo thế hệ thứ 5 và Ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương vẫn phải cảnh giác về các nguy cơ cũng như hậu quả nghiêm trọng của cuộc chiên chống tham nhũng, đồng thời quyết tâm không để "thua" trong cuộc chiến này.

Bên cạnh đó, trải qua hai năm tiến hành thanh tra, điều tra, vẫn còn những vụ án lớn, vẫn thấy bóng dáng của những con “hổ siêu lớn”, “hổ lớn” và “hổ thông thường”. Cần phải xử lý vấn đề này như thế nào? Tên đã được bắn ra không thể trở lại cung nữa! Nếu lãnh đạo thế hệ thứ 5 và Ban Kiểm tra Kỉ luật Trung ương dừng cuộc chiến chống tham nhũng lại sẽ làm mất niềm tin trong đảng, trong quân đội và trong nhân dân, hậu họa rất khó lường.

Ngoài ra, thành tích đạt được trong cuộc chiến chống tham nhũng hiện nay vẫn chưa đủ để lãnh đạo thế hệ thứ 5 hoàn toàn kiểm soát đại cục, có được đại quyền chỉ định người kế nhiệm tại Đại hội Đại biểu Đảng Toàn quốc lần thứ 19, thực hiện bố trí quyền lực (như mong muốn). Nó cũng chưa đủ để lãnh đạo thế hệ thứ 5 hoàn thành đại kế hoạch đầy tham vọng là “thúc đẩy cải cách kinh tế toàn diện”.

Xuất phát từ các nguyên nhân nêu trên, tờ “Đông phương Nhật báo” cho rằng điều khiến dư luận suy đoán và tin tưởng là cuộc chiến chống tham nhũng ở Trung Quốc năm nay sẽ còn khiến “hổ lớn” giữ chức phó ở cấp nhà nước, thậm chí là “hổ siêu lớn” giữ chức trưởng ở cấp nhà nước, bị đánh đổ. Tuy nhiên, số lượng có vượt qua năm 2014 hay không tạm thời rất khó nói. Chỉ có điều nếu như không đánh đổ được “hổ lớn”, cái gọi là “duy trì áp lực cao trong cuộc chiến chống tham nhũng, không lơi lỏng” mà lãnh đạo thế hệ 5 vừa tuyên bố ngày 13/1 tại Hội nghị Toàn thể lần thứ 5 Ban Kiểm tra Kỉ luật Trung ương khóa 18 sẽ bị mất đi nửa phần tin tưởng.


TTK