12:18 25/12/2014

Nguyên nhân giúp đồng ruble tăng giá ngoạn mục

Đồng ruble Nga cuối tuần này đã củng cố giá trị đáng kể trên thị trường ngoại hối và hầu như đã quay trở lại mức giá trước khủng hoảng.

Đồng ruble Nga cuối tuần này đã củng cố giá trị đáng kể trên thị trường ngoại hối và hầu như đã quay trở lại mức giá trước khủng hoảng. Sau ngày "Thứ Ba đen tối" (16/12) mất giá thảm hại, đồng tiền Nga hầu như đã trở lại mức hồi đầu tháng.

Trong ngày 23/12, tỷ giá của đồng ruble với USD là 54,55 ruble/USD, với euro là 66,60 ruble/euro. Kênh truyền hình DW của Đức đã đưa ra đánh giá nguyên nhân đồng ruble lấy lại giá trị mạnh mẽ chỉ sau 1 tuần, và liệu nhà chức trách Nga có khả năng duy trì đà này trong tương lai gần hay không.
 

Người dân Nga mua sắm tại siêu thị ở Moskva. Ảnh: THX-TTXVN


Lãi suất chủ đạo tăng

           
Các chuyên gia đều cho rằng một trong những nguyên nhân chính khiến đồng ruble tăng giá là động thái Ngân hàng TƯ Nga (SBR) tăng lãi suất chủ đạo từ 10,5% lên tới 17%/năm trong đêm 16/12. Điều này khiến các khoản vay bằng ruble trong hệ thống ngân hàng tăng giá mạnh.

Vasily Solodkov, Giám đốc Viện Ngân hàng của trường Kinh tế Cao cấp Nga nhận xét: "Tăng lãi suất chủ chốt dẫn tới cuộc khủng hoảng thanh khoản đồng ruble". Theo ông, lãi suất tiền gửi đồng ruble ở một số ngân hàng hiện đã tăng tới mức 25%. Ông bình luận: "Tin cho biết ngay cả ngân hàng Sberbank (Ngân hàng Tiết kiệm) nay cũng giữ khách hàng doanh nghiệp ở mức 30%/năm. Nếu SBR không hạ lãi suất trong tương lai gần, chúng ta rất có thể đối mặt với khủng hoảng ngân hàng".

Bà Oksana Baidina, Phó giáo sư Bộ môn Tài chính và tín dụng, Khoa kinh tế, Đại học Quốc gia Moskva (MGU) cũng cho rằng: "Trong nỗ lực giảm cung tiền ruble, SBR không chỉ tăng lãi suất, mà còn thắt chặt hạn chế theo đó họ bảo đảm sự thanh khoản của đồng ruble cho các ngân hàng thương mại".

Bà Baidina đã thấy nguy cơ đối với sự ổn định của hệ thống ngân hàng: "Các ngân hàng đang trên bờ vực vỡ nợ. Nhà chức trách tài chính không biết làm gì - không để giữ đồng ruble, mà cũng chẳng để cứu hệ thống tài chính". Theo quan điểm của bà, 2 mục tiêu này nay xung đột với nhau. Để duy trì tỷ giá đồng ruble cần giảm khối lượng tiền ruble còn để duy trì thanh khoản cho ngân hàng phải làm ngược lại.
 
Cầu viện nhà xuất khẩu
           
Một yếu tố quan trọng khác giúp đồng ruble ổn định, theo các chuyên gia, là sự can thiệp vào thị trường ngoại hối - trên thực tế mới chỉ là tuyên bố. SBR không trực tiếp bán ra ngoại tệ, mà theo quan điểm của Tổng thống Vladimir Putin là "không đốt dự trữ vô ích". Tuy nhiên nhà chức trách nỗ lực tăng nguồn cung USD và euro bằng cách khác.

SBR đã thông báo áp dụng các biện pháp duy trì sự ổn định của ngành tài chính Nga. Nhà phân tích Anna Bogdyukevich của UniCredit Bank cho biết: "Như một phần trong gói giải pháp, nhà quản lý đã cam kết củng cố cơ chế cung cấp thanh khoảng ngoại tệ - cả thông qua các hoạt động REPO, cũng như các tín dụng bảo đảm bằng tải sản phi thị trường".

Bà Baidina cho rằng ảnh hưởng rất lớn tới tỷ giá là các biện pháp hành chính. Ngày 23/12, báo "Thương gia" cho biết các công ty xuất khẩu quốc doanh trong vòng 2 tháng tới phải bán phần lớn ngoại tệ họ tích tụ, để bảo đảm cung ra thị trường khoảng 1 tỷ USD/ngày. Theo Reuters, các ngân hàng Nga đã làm việc với các kiểm soát viên SBR, những người đang giám sát hoạt động giao dịch bằng ngoại tệ.
           
Một nguồn giấu tên tại một trong 5 ngân hàng lớn của Nga giải thích: "Chúng ta phải báo cáo với họ (nhân viên kiểm soát) mọi hoạt động của mình, họ rất tỉ mỉ". Bà Baidina đánh giá các công ty xuất khẩu quốc doanh và một số công ty tư nhân đã tham gia ổn định đồng ruble. Chuyên gia này giải thích: "Họ không bị bắt buộc, tuy nhiên họ hiểu rõ trong trường hợp thất bại họ có thể trông cậy vào hậu thuẫn của chính phủ, và điều này rất nguy hiểm trong trường hợp cuộc khủng hoảng ngày càng hiện hữu".

Ngược lại, chuyên gia Solodkov lại nghi ngờ thông báo hợp tác bán nguồn thu ngoại tệ. Ông bày tỏ: "Tôi rất nghi ngờ có những thỏa thuận như vậy. Các doanh nghiệp sẽ rất không có lợi". Theo chuyên gia này, trong tương lai gần, thị trường có thể đánh giá một cách khách quan động thái bán thu nhập ngoại tệ của các nhà nhập khẩu. Solodkov giải thích: "1 tỷ USD họ có lẽ phải bán mỗi ngày là 1/4 khối lượng giao dịch trên thị trường ngoại hối. Chúng ta có thể dễ dàng thấy liệu có 1 tỷ USD trên thị trường hay không".
 
Điều gì tiếp theo?

Dù đồng ruble đã tăng giá song các chuyên gia đều từ chối dự đoán về thị trường trong tháng tới. Bà Baidina nói: "Điều này trên nguyên tắc là không thể! Có quá nhiều yếu tố tác động tới tình hình". Theo quan điểm của bà, nói tới việc đồng ruble củng cố hiện nhìn chung là không chính xác, chúng ta nên nói đến sự ổn định nào đó. Bà nhận xét: "Để đồng ruble tăng giá thực sự, chính phủ cần có thêm các nỗ lực".

Ông Solodkov cũng cho rằng: "Tình hình hoàn toàn không thể dự đoán". Tuy nhiên theo ông nếu các nhà nhập khẩu bắt đầu bán 1 tỷ USD/ngày, đương nhiên đồng bạc xanh Mỹ có thể giảm giá "đáng kể xuống dưới mức 50 ruble".

Ngoài ra, vẫn có yếu tố dầu, giá dầu có ảnh hưởng lớn tới thị trường hối đoái. Tuy nhiên do OPEC không muốn cắt giảm sản lượng nên theo Solodkov vẫn còn nhiều yếu tố chưa rõ ràng.


Duy Trinh (P/v TTXVN tại Nga)