04:12 17/04/2011

Nguyên nhân cái chết của anh hùng Yuri Gagarin

Ngay trước lễ kỷ niệm 50 năm ngày phi hành gia Yuri Gagarin thực hiện chuyến bay đầu tiên của con người vào vũ trụ, Nga đã công bố kết quả điều tra của Ủy ban điều tra trực thuộc chính phủ về thảm họa xảy ra tại khu rừng ở Kirzhach cách đây 43 năm, gây ra cái chết của anh hùng Gagarin.

Ngay trước lễ kỷ niệm 50 năm ngày phi hành gia Yuri Gagarin thực hiện chuyến bay đầu tiên của con người vào vũ trụ (12/4/1961 – 12/4/2011), Nga đã công bố kết quả điều tra của Ủy ban điều tra trực thuộc chính phủ về thảm họa xảy ra tại khu rừng ở Kirzhach cách đây 43 năm, gây ra cái chết của anh hùng Gagarin.

Yurin Gagarin trong chuyến bay đầu tiên của con người lên vũ trụ ngày 12/4/1961.

Ngày 27/3/1968, Yuri Gagarin cùng người hướng dẫn, phi công Vladimir Sereghin, bay trên chiếc máy bay tiêm kích Mig – 15 để thực hiện các bài tập luyện như thường lệ. Nhưng điều bất thường đã xảy ra khi chiếc máy bay bổ nhào và lao xuống đất. Một cú va đập mạnh tới mức chiếc máy bay nặng 5 tấn vỡ tan tành, giống như chiếc lọ pha lê bị rơi xuống nền xi măng.

Ngay sau tai nạn, một Ủy ban trực thuộc chính phủ Liên Xô đã được thành lập để điều tra về nguyên nhân cái chết của nhà du hành vũ trụ nổi danh nhất thế giới và huấn luyện viên của ông. Hàng trăm chuyên gia đã tham gia cuộc điều tra này. Từng xăngtimét ở khu vực chiếc máy bay Mig - 15 rơi trong cánh rừng Kirzhach được kiểm tra kỹ lưỡng. Từng mảnh vỡ, dù là nhỏ nhất của chiếc máy bay xấu số cũng được nghiên cứu kỹ. Nhưng tất cả những phát hiện của Ủy ban điều tra vụ tai nạn đều được giữ kín. Cho đến tận ngày 8/4/2011, tức là một ngày trước khi kết luận của Ủy ban điều tra được công bố, nguyên cái chết của Gagarin và Sereghin chỉ chính thức được đề cập đến trong bài điếu văn được Bộ Chính trị Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô ký ở dưới, qua vài chữ ngắn gọn: “... Do tai nạn trong khi thực hiện chuyến bay tập luyện...”. Giờ đây, sau 43 năm, nguyên nhân cái chết của anh hùng Gagarin đã được công bố là do một động tác bổ nhào quá gấp.

Ông Aleksander Stepanov, Giám đốc bộ phận lưu trữ của Tổng thống Nga, trích dẫn kết luận của Ủy ban điều tra cho biết, căn cứ vào kết quả phân tích hoàn cảnh xảy ra tai nạn và các tài liệu thẩm định, nhiều khả năng nguyên nhân tai nạn là việc thực hiện động tác bổ nhào quá gấp để tránh quả cầu – bóng thám không hoặc để đề phòng máy bay bay vào phía trên của lớp mây đầu tiên.

Nhưng ai là tác giả của cú bổ nhào chết người đó? Có bằng chứng nào cho thấy Gagarin đã thực hiện động tác bổ nhào quá gấp? Có thể khi đó Sereghin hướng dẫn Gagarin điều khiển máy bay để tránh nguy hiểm, song, theo một số chuyên gia, cũng có thể khi đó Sereghin đang cầm lái.

Trong những năm qua đã xuất hiện không dưới 10 giả thuyết về nguyên nhân cái chết của Gagarin. Có giả thuyết cho rằng, những con chim đã sa vào động cơ của chiếc máy bay tiêm kích Mig – 15. Lại có giả thuyết đề cập đến khả năng chiếc máy bay của Gagarin đã rơi vào vùng không khí xoáy, hình thành sau khi một máy bay khác bay qua. Thậm chí, còn có cả giả thuyết về việc người ngoài hành tinh đã bắt cóc nhà du hành vũ trụ nổi tiếng của Trái đất, hay cơ quan đặc biệt nào đó quá lo ngại về sự nổi tiếng của Gagarin nên đã tìm cách thủ tiêu.

Từ những năm 1970, nhà du hành vũ trụ thứ hai của thế giới Gherman Titov, đã kiên trì bảo vệ giả thuyết giống như kết luận của Ủy ban điều tra tai nạn. Titov cho rằng, máy bay có thể đã va phải một trong những quả cầu – bóng thám không, do các nhà khí tượng học thả ra. Những vật nặng đặc biệt được gắn vào những quả cầu này có thể đã đập vào cánh hay cabin của chiếc Mig-15.

Ba năm trước, báo “Sự thật đoàn thanh niên cộng sản Cômxômôn” cũng công bố kết quả điều tra của ông Igor Kuzneshov, chuyên gia về thiết bị hàng không. Ông Kuzneshov khẳng định, cabin của máy bay đã mất độ kín. Trong một vài giây, hai phi công bị bất tỉnh. Ông Kuzneshov cũng nhấn mạnh, chiếc Mig–15 đã bổ nhào xuống bất thình lình. Khi Gagarin và Sereghin tỉnh lại thì không thể làm gì được nữa, máy bay chỉ còn cách mặt đất vài mét.

Cường Dũng (P/v TTXVN tại LB Nga)