06:06 18/06/2014

Nguyên nhân bất ổn tại Iraq

Tuần qua, thế giới đã phải ngỡ ngàng trước việc các chiến binh thánh chiến thuộc tổ chức Nhà nước Hồi giáo Iraq và vùng Levant (ISIL) chiếm thành phố Mosul (lớn thứ hai của Iraq) và bắt đầu tiến về thủ đô Baghdad.

Tuần qua, thế giới đã phải ngỡ ngàng trước việc các chiến binh thánh chiến thuộc tổ chức Nhà nước Hồi giáo Iraq và vùng Levant (ISIL) chiếm thành phố Mosul (lớn thứ hai của Iraq) và bắt đầu tiến về thủ đô Baghdad. Một số chuyên gia cho rằng, sự bành trướng của lực lượng Hồi giáo cực đoan tại Iraq đã có mầm mống từ cách đây ít nhất hai năm và là kết quả của việc người Sunni bị gạt khỏi chính trường.


Ngày 15/6, Emma Sky, cựu Cố vấn chính trị của Tham mưu trưởng quân đội Mỹ Ray Odierno thời ông này còn là chỉ huy tại Iraq (giai đoạn 2008 - 2010), nói với tờ "Thời báo Israel" rằng cuộc bầu cử tổng thống Iraq năm 2010 chính là bước ngoặt trong lịch sử đất nước này thời hậu Saddam Hussein.

 

Các gia đình người Hồi giáo dòng Shi’ite sơ tán khỏi làng Taza Khormato, thuộc Kirkuk, miền bắc Iraq ngày 16/6, do lo ngại xung đột leo thang. Ảnh: AFP/TTXVN

 

Thủ tướng Iraq Nouri al-Maliki đã cố thành lập một liên minh Shi'ite vững chắc với những người ủng hộ giáo sỹ Muqtada al-Sadr. Ông Maliki đã gạt ra rìa Iyad Allawi, thủ lĩnh khối thế tục Iraqiyya vốn xuất hiện lần đầu trong các cuộc bầu cử sau khi giành được sự ủng hộ rộng rãi của bộ phận dân cư thuộc phái Sunni. Người Sunni cảm thấy bị tước mất quyền công dân, bị loại khỏi hầu hết các vị trí quyền lực sau khi Tổng thống Saddam Hussein và đảng Baath bị lật đổ năm 2003.


Theo chuyên gia Sky, với sự hậu thuẫn của Mỹ, các bộ lạc Sunni đã gạt bỏ và kiềm chế al-Qaeda ở Iraq. Họ đã tham gia cuộc bầu cử năm 2010 với số lượng cử tri đông đảo. Khối Iraqiyya đã giành được sự ủng hộ lớn từ cộng đồng Sunni và giành thắng lợi bầu cử, nhưng chưa từng được trao cơ hội để thành lập chính phủ. Kể từ sau cuộc bầu cử, Thủ tướng Maliki đã loại bỏ một cách có hệ thống các đối thủ chính trị của ông, chủ yếu là người Sunni hoặc Shi'ite thế tục. Năm 2011, Phó Tổng thống người Sunni Tariq Al-Hashimi đã buộc phải chạy khỏi Iraq sau khi bị cáo buộc và kết án về các cuộc tấn công khủng bố tại đất nước này. Những người ủng hộ ông al-Hashimi cho rằng vụ án này có động cơ chính trị.


Ngay sau đó, tháng 1/2012, Bộ trưởng Tài chính người Sunni, ông Rafia al-Issawi, đã suýt thiệt mạng vì một vụ tấn công bằng bom xe, dẫn đến các cuộc biểu tình của những người ủng hộ ông này. Tháng 12 năm đó, ông Issawi phát biểu tại một cuộc họp báo rằng 150 vệ sỹ và nhân viên của ông đã bị ông Maliki bắt giữ. Tháng tiếp theo, một quả bom khác đã nhằm vào đoàn xe chở ông ở Baghdad. Việc ông Issawi bị Thủ tướng Maliki gạt sang bên lề đời sống chính trị cuối năm 2012 đã dẫn đến các cuộc biểu tình rộng khắp Iraq của người Sunni. Bắt đầu tại thành phố Fallujah ở phía tây Baghdad, bạo lực leo thang hồi tháng 4/2013 khi các cuộc trấn áp biểu tình của chính phủ tại thành phố miền bắc Hawaija làm thiệt mạng hàng chục dân thường. Đến cuối tháng đó, trên 300 người được đưa tin đã thiệt mạng.


Theo giới chuyên gia, ông Maliki đã làm suy yếu các thủ lĩnh chính trị ôn hòa, tạo môi trường thuận lợi cho ISIL tái xuất hiện. Các bộ lạc Sunni từng chống lại al-Qaeda ở Iraq giờ đây trung lập hoặc thậm chí ủng hộ tổ chức này khi chính phủ đã trở thành kẻ thù của họ. Trong khi hầu hết các chiến binh ISIL là người Iraq, lực lượng này có cả người nước ngoài, trong đó nhiều người giữ quan điểm Hồi giáo cực đoan nhưng một số dường như ủng hộ đảng Baath thế tục, vốn khôi phục một cách bất hợp pháp thời hậu Saddam. Thành phố Mosul đã trở thành một nguồn cung cấp tài chính cho ISIL thông qua các vụ tống tiền và bảo kê.


"Thời báo Israel" dẫn lời chuyên gia Sky cho rằng phương Tây phải quyết định đứng về bên nào trong cuộc xung đột, nhưng sự lựa chọn không nhất thiết phải là giữa phe Shi'ite cấp tiến và Sunni cấp tiến. Chuyên gia này cho rằng phương Tây cần xem Iraq, Syria và Liban như một chiến trường và cần một chính sách để giải quyết cuộc xung đột. Nếu không thực hiện theo hướng đi này, tình hình tồi tệ tại Iraq hiện nay sẽ lan rộng hơn, vượt ra ngoài khu vực.


Bùi Hoàn