11:22 10/11/2011

Nguy cơ từ xu hướng chuộng fast-food của giới trẻ Ấn Độ

Cảnh tượng thường thấy vào giờ ăn trưa hàng ngày tại các cửa hàng McDonald trên những con phố lớn nhất ở trung tâm Niu Đêli là 4-5 hàng dài những người trẻ nhấp nhổm xếp hàng lấy đồ ăn.

Cảnh tượng thường thấy vào giờ ăn trưa hàng ngày tại các cửa hàng McDonald trên những con phố lớn nhất ở trung tâm Niu Đêli là 4-5 hàng dài những người trẻ nhấp nhổm xếp hàng lấy đồ ăn. Niềm đam mê đồ ăn nhanh (fast-food) của giới trẻ Ấn Độ đang tăng lên cùng với những mối lo về sức khỏe cộng đồng.

“Mỏ vàng” cho ngành công nghiệp fast-food

Chàng sinh viên 20 tuổi Salman Khan không ngần ngại kể: “Bố mẹ tôi cứ khuyên đừng có ăn ở các cửa hàng McDonald, thứ đồ ăn ấy không tốt cho sức khỏe. Nhưng tôi chẳng nghe theo đâu. Fast-food vừa rẻ lại vừa ngon thế cơ mà”.

Một cửa hàng McDonald ở Niu Đêli.


Salman Khan chỉ là một trong vô số “fan” của đồ ăn nhanh ở Ấn Độ – những người chưa đến 30 tuổi và thuộc tầng lớp trung lưu đang bùng nổ của nước này.

Nhận thấy giới trẻ Ấn Độ đang tăng nhanh cả về số lượng lẫn khả năng tài chính, các thương hiệu fast-food hàng đầu thế giới đặt nhiều kỳ vọng vào thị trường này. McDonald dự kiến nâng số lượng cửa hàng của mình từ 200 lên 1.000 trong 5 năm tới. Tập đoàn Yum! Restaurant, sở hữu các thương hiệu KFC, Pizza Hut và Taco Bell, cũng đặt mục tiêu mở thêm 100 cửa hàng mới trong năm nay, tiến tới nâng tổng số cửa hàng trên toàn Ấn Độ lên con số 1.000 vào năm 2015.

Giám đốc tiếp thị của KFC Ấn Độ, Dhruv Kaul cho biết: “Chúng tôi tập trung vào giới trẻ. Mục tiêu số một của chúng tôi là những người dưới 30 tuổi và cả nhóm teen nữa”.

Giám đốc điều hành của McDonald ở Ấn Độ, Vikram Bakshi tự tin khẳng định: “Chúng tôi sẽ có bước phát triển nhanh chóng nhờ số lượng gia đình trẻ tăng nhanh và ngày càng có nhiều người từ bỏ kiểu bếp núc truyền thống”.

Kết quả, theo lời ông Kaul, đã được kiểm chứng trên trang Facebook của KFC Ấn Độ. Đó là vô số những câu hỏi như: “Khi nào các bạn tới đây?”, “Khi nào các bạn mở cửa hàng ở đây?”… Nó chứng tỏ nhu cầu tiềm ẩn rất lớn”.

Lợi thế mà các thương hiệu fast-food tìm thấy ở Ấn Độ không chỉ là nhóm khách hàng tiềm năng khổng lồ mà còn cả “văn hóa” ăn rong trên đường phố và thói quen ăn những món rán béo ngậy. Vì thế, đất nước 1,2 tỷ dân này có thể được xem như “mỏ vàng” cho ngành công nghiệp fast-food.

Nguy cơ hiện hữu

Xu hướng tiêu thụ ngày càng nhiều loại thức ăn chế biến sẵn giàu đường và chất béo đang làm nảy sinh mối lo ngại rằng căn bệnh béo phì ở phương Tây sẽ du nhập vào Ấn Độ, dần tích tụ thành “quả bom” sức khỏe cộng đồng không dễ tháo ngòi.

Trong khi tình trạng suy dinh dưỡng vẫn còn khá phổ biến ở Ấn Độ, với hơn 50% trẻ em ở nước này không được đảm bảo về dinh dưỡng, theo kết quả một cuộc điều tra năm 2008 của tạp chí y học The Lancet, tầng lớp trung lưu lại đang ngày càng gia tăng cả về số lượng và trọng lượng cơ thể.
Nghiên cứu tiến hành tháng 11/2010 của Quỹ quốc gia về tiểu đường, béo phì và cholesterol của Ấn Độ cho biết, trong khi tỉ lệ trẻ em béo phì trong các trường học tư ở Niu Đêli là 1/3 thì tỉ lệ này ở các trường học công là 1/10.

Thống kê của Tổ chức thăm dò mẫu quốc gia cũng cho thấy, lượng calo nạp vào cơ thể hàng ngày của một người dân thành thị ở Ấn Độ đã tăng gấp 3 lần trong giai đoạn từ 1972 – 1973 đến 2004 – 2005 và từ đó đến nay vẫn tiếp tục tăng.

Nhà nghiên cứu Seema Gulati cho rằng, tình trạng béo phì đang ngày một phổ biến hơn ở Ấn Độ và sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe cộng đồng. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, theo chuyên gia này, là “giới trẻ bị những quảng cáo đồ ăn nhanh “hút hồn”; chúng nghĩ rằng xài fast-food mới chứng tỏ được đẳng cấp nên cứ cố ăn thật nhiều”.

Không riêng Ấn Độ, cả châu Á cũng đang phải đối mặt với nguy cơ sức khỏe cộng đồng bị ảnh hưởng bởi thói quen ăn uống. Năm 2010, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã thực hiện một nghiên cứu lớn mang tên “Sự trỗi dậy của tầng lớp trung lưu châu Á” và đưa ra nhận định: Trong 20 – 30 năm nữa, châu Á sẽ chứng kiến ngày càng nhiều những căn bệnh của thời hiện đại ở mức độ chưa từng có. Đó là các bệnh ung thư, tim mạch, tiểu đường... có nguồn gốc từ lối sống ít vận động cộng với chế độ ăn nhiều đường và chất béo. Tầng lớp trung lưu càng đông đảo, càng có nhiều người phụ thuộc vào ô tô, xe máy và “lười” vận động thể chất, khiến tỉ lệ béo phì gia tăng.

Minh Minh