12:10 27/12/2012

Nguy cơ nổ ra cuộc chiến tiền tệ trong 2013

Các thành viên G-10 gồm các nước: Bỉ, Canada, Pháp, Đức, Italy, Nhật Bản, Hà Lan, Thụy Điển, Thụy Sĩ, Anh và Mỹ đã phát ra những tín hiệu rằng họ sẽ can thiệp thị trường nhằm ghìm giá nội tệ trước làn sóng nới lỏng định lượng toàn cầu.

Hai chuyên gia kinh tế thuộc ngân hàng Hoàng gia Canada (CIBC) cho rằng một năm sau khi các nước đang phát triển như Brazil cáo buộc Mỹ và một số nền kinh tế phát triển khác thao túng tỷ giá thông qua làn sóng nới lỏng định lượng, các Ngân hàng Trung ương thuộc nhóm 10 quốc gia thành viên của Hiệp ước những dàn xếp chung về cho vay (G-10) cũng nỗ lực hơn nhằm ghìm giá nội tệ.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.


Các thành viên G-10 gồm các nước: Bỉ, Canada, Pháp, Đức, Italy, Nhật Bản, Hà Lan, Thụy Điển, Thụy Sĩ, Anh và Mỹ đã phát ra những tín hiệu rằng họ sẽ can thiệp thị trường nhằm ghìm giá nội tệ trước làn sóng nới lỏng định lượng toàn cầu.

Hai nhà kinh tế thuộc CIBC là Adam Cole và Elsa Lignos cho biết có nhiều bằng chứng cho thấy tỷ giá hối đoái đóng vai trò lớn hơn trong quyết định chính sách của các Ngân hàng Trung ương. G-10 nhiều khả năng sẽ theo chân các nước mới nổi tăng cường can thiệp thị trường tiền tệ hoặc ít nhất điều chỉnh chính sách hối đoái.

Các Ngân hàng Trung ương G-10 đã phát tín hiệu rằng họ có thể can thiệp vào thị trường này. Để đo mức độ sẵn sàng can thiệp thị trường, các chuyên gia đã lập ra một chỉ số “can thiệp” với thang điểm từ 0-10. Nếu chỉ số này càng thấp nghĩa là can thiệp chỉ ở mức "tuyên bố", nhưng chỉ số càng cao cho thấy sự sẵn sàng "hành động" nhằm đạt được mục tiêu tỷ giá hối đoái nào đó.

Thực tế khảo sát cho thấy, ngoài Ngân hàng Trung ương Thụy Sỹ áp trần tỷ giá đồng franc với euro, Ngân hàng Trung ương Na Uy có chỉ số can thiệp cao nhất khi luôn đưa ra liên hệ giữa đồng krone mạnh với khả năng hạ lãi suất để ghìm giá nội tệ.

Trong khi đó, Ngân hàng Trung ương New Zeland nhạy cảm nhất với những biến động của nội tệ - trái ngược hoàn toàn với Ngân hàng Trung ương Australia với mức độ lo ngại thấp nhất.

Mỹ bơm lượng tiền khổng lồ vào nền kinh tế, tiếp đó là đến Ngân hàng trung ương châu Âu và hiện thị trường đang trong tình trạng cảnh giác cao khi tân Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe chủ trương nới lỏng tiền tệ mạnh mẽ để ghìm giá đồng yên.

Trước đó, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Anh Mervyn King đã cảnh báo rằng các nền kinh tế hàng đầu thế giới có nguy cơ rơi vào cuộc chiến tranh tiền tệ mới khi nhiều nước tìm cách giải quyết vấn đề kinh tế bằng cách thao túng tiền tệ nhằm đạt được lợi thế thương mại. Ông King cũng cho rằng, các nước có thặng dư thương mại lớn như Trung Quốc, Đức nên chấp nhận để đồng nội tệ mạnh hơn và hành động để thúc đẩy nhu cầu nội địa và nhập khẩu.


TTXVN/Tin tức