07:15 10/07/2014

Nguy cơ khi tự chăm sóc người bệnh tâm thần tại nhà

Anh Hào hay tự múa hát không kiểm soát, nhiều khi nửa đêm không ngủ mà lang thang ra đồng lội bờ bụi, nhiều lúc anh hoang tưởng mình có thể bay được nên luôn có ý định nhảy từ mái nhà xuống.

Bà Nguyễn Thị Kình, Duy Tiên - Hà Nam có con trai là Lại Thiên Hào mắc chứng tâm thần phân liệt. Theo bà Kình, anh Hào hay tự múa hát không kiểm soát, nhiều khi nửa đêm không ngủ mà lang thang ra đồng lội bờ bụi, nhiều lúc anh hoang tưởng mình có thể bay được nên luôn có ý định nhảy từ mái nhà xuống.

Bà Phạm Thị Tuyển, Duy Tiên - Hà Nam tâm sự: Chồng bà từ khi mắc bệnh thường không nói, không biết gì mà chỉ đi loanh quanh trong nhà. Lúc bất thường ông phá đồ đạc, gào thét chửi bới và đánh đập bà. Sau đó lại ngồi bất thần, vô cảm.

Bà Nguyễn Thu Trang (bên phải) - đại diện Trung tâm Nghiên cứu đào tạo và Phát triển cộng đồng - trao quà cho các bệnh nhân tại xã Tiên Ngoại (Duy Tiên, Hà Nam).


Hiện nay, tình trạng người mắc bệnh tâm thần sống chung với gia đình và giữa cộng đồng không là điều lạ. Tuy nhiên, tâm lý và hành động người bệnh luôn khó đoán. Khi mất kiểm soát hoặc bị kích thích, họ dễ có những hành động gây nguy hại tới bản thân và mọi người xung quanh. Mới đây, tại Tuy Phước, Bình Định xảy ra một vụ án đau lòng liên quan tới người tâm thần. Đối tượng Nguyễn Ba (37 tuổi) đã lấy cọc tre đánh vỡ sọ não mẹ mình là bà Nguyễn Thị Hoa (59 tuổi) ngay tại nhà. Ba bị tâm thần phân liệt đã 5 năm, nhưng do không có kinh phí nên không đưa tới trung tâm. Trên các báo và mạng xã hội cũng đưa ra nhiều vụ án tương tự mà người gây án đều có đặc điểm chung mắc bệnh tâm thần.

Theo TS, Bác sĩ Lã Thị Bưởi, chuyên gia Tâm thần học: “Những người bị tâm thần do khó kiểm soát nên thường tiềm ẩn nguy cơ đáng ngại, họ có thể gây hại bản thân và gây hại cho người khác”.

Nên xin ý kiến chuyên môn

Theo Bác sĩ Lã Thị Bưởi, số lượng người bị tâm thần dạng nặng, hay gọi là tâm thần phân liệt chỉ chiếm 0,5 - 0,7% dân số, nhưng chỉ vài ba chục phần trăm trong số đó có nguy cơ gây hại.

TS, Bác sĩ Trần Tuấn, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu đào tạo và phát triển cộng đồng (RTCCD) cho rằng: “Không phải trường hợp nào cũng cần đưa tới bệnh viện, cơ sở chuyên môn”. Tuy nhiên, chúng ta không thể đoán trước suy nghĩ và hành động của người tâm thần và cũng không biết cụ thể người bệnh nào nằm trong nguy cơ có thể gây ra những mối lo ngại để có ứng xử hợp lý.

Tuy nhiên, có một thực tế là các cơ sở chuyên môn có các chuyên gia, bác sĩ, phương tiện máy móc và thuốc men cùng kinh nghiệm điều trị thì hạn chế của nó là dễ làm người bệnh mặc cảm về bệnh lý và tốn kém kinh tế. Mặt khác, “Nếu điều trị lâu dài, có thể bệnh nhân sẽ mắc chứng “lưu viện”, nghĩa là bệnh nhân chỉ thực sự tốt khi sinh hoạt trong viện nhưng không thể hòa nhập và sẽ tái phát nếu về với cộng đồng”, theo TS, BS Nguyễn Mạnh Hùng, Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Ban ngày Mai Hương.

Hiện nay, nhiều gia đình đang sống chung với người tâm thần, thậm chí để họ sống chung giữa cộng đồng. Cách làm này giảm đỡ mối lo về kinh tế, bệnh nhân được chăm sóc và điều trị thường xuyên và liên tục, đồng thời khiến người bệnh không bị mặc cảm và thấy bị xa lánh. Tuy nhiên, theo ông Hùng: “Hạn chế lớn nhất là dễ làm tình trạng bệnh xấu đi, thậm chí dễ bị mãn tính hóa tâm thần nếu người chăm sóc không có kiến thức về chăm sóc, điều trị”. Còn theo bà Lã Thị Bưởi, trường hợp bệnh nhân bột phát kích động, sẽ khó kiểm soát.

Đối với bệnh tâm thần, để dự phòng và tránh tình trạng bệnh diễn tiến xấu, các chuyên gia đưa ra lời khuyên, nếu thấy người thân có dấu hiệu bất thường nên đưa đi khám sớm để chẩn đoán, được tư vấn và sàng lọc. Hạn chế dùng thuốc trong điều trị là cách tốt nhất. Và quan trọng nên chữa trị bằng tâm lý cho bệnh nhân tâm thần bằng cách gần gũi, cảm thông và tôn trọng. “Khi bệnh nhân có các biểu hiện: Thường kích động, đập phá, gây hấn, tấn công người khác. Luôn có ý tưởng tự sát và nghĩ tới cái chết. Bỏ ăn, chống đối… thì nên đưa tới các cơ sở chuyên môn để điều trị”, bà Lã Thị Bưởi nói.

Đề cao dự phòng

Hiện nay, trong xã hội, tình trạng rối nhiễu sức khỏe tâm trí xảy ra thường xuyên hơn, với những biểu hiện như rối loạn giấc ngủ, lo âu, sợ hãi, trầm cảm.... Tuy nhiên, thường chỉ khi có những biểu hiện nặng thì mọi người mới quan tâm chăm sóc, chữa trị. Do vậy, nên có tầm nhìn xa, thậm chí dự phòng đối với rối nhiễu tâm trí, tránh tình trạng bệnh nặng dần, có thể dẫn tới tâm thần mãn tính.

Theo ông Hùng: “Nước ta mỗi năm có từ 3.000 tới 6.000 bệnh nhân tâm thần bị mãn tính hóa, các trung tâm, cơ sở và bệnh viện về tâm thần dù được phát triển hệ thống cũng không đủ để đáp ứng thực trạng trên”.

Trên thế giới đang thực hiện mô hình giảm dần các viện tâm thần, đẩy mạnh đưa trả người bệnh về địa phương, điều trị và chăm sóc tại cộng đồng, tăng các đội điều trị tại nhà nếu cần thiết, ông Tuấn chia sẻ. Cùng quan điểm trên, ông Hùng cho rằng: “Hướng giải quyết sẽ tiết kiệm được chi phí ngân sách Nhà nước, thu hút được nhiều lực lượng phối hợp chung tay chăm sóc, quan tâm, điều trị, tâm lý người mắc bệnh sẽ ổn định hơn”.

Để dự phòng, cách đối phó tốt nhất là nên đi khám nếu thấy biểu hiện lạ để chẩn đoán, sàng lọc và tư vấn cách thức chăm sóc hay điều trị tốt nhất. “Những năm gần đây vấn đề người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí được nghành Y tế đặc biệt quan tâm, nghành Tâm thần nói riêng cũng đang có những chiến lược để chăm sóc, hỗ trợ, thậm chí xây dựng chương trình quốc gia về phòng, chăm sóc và chữa trị bệnh tâm thần”, bà Lê Thị Bưởi cho biết.

Nguyễn Anh Đức