05:11 24/05/2012

Nguy cơ "hạ cánh cứng" của kinh tế Trung Quốc

Theo báo cáo về các nền kinh tế đang phát triển châu Á của Ngân hàng Thế giới (WB) vừa được công bố, tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc sẽ tiếp tục chững lại trong năm nay, đặt ra thách thức cho các nhà hoạch định chính sách nước này trong việc ngăn chặn nguy cơ "hạ cánh cứng" của nền kinh tế.

Theo báo cáo nửa năm một lần về các nền kinh tế đang phát triển châu Á của Ngân hàng Thế giới (WB) vừa được công bố, tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc sẽ tiếp tục chững lại trong năm nay, đặt ra thách thức cho các nhà hoạch định chính sách nước này trong việc ngăn chặn nguy cơ "hạ cánh cứng" của nền kinh tế.

Báo cáo của WB cho rằng thách thức chính sách trước mắt đối với Trung Quốc là duy trì tăng trưởng kinh tế với kịch bản "hạ cánh mềm". Mặc dù khả năng "hạ cánh mềm" của kinh tế nước này vẫn cao, song vẫn có những lo ngại về tốc độ sụt giảm quá nhanh. Tuy nhiên, Trung Quốc được cho là vẫn có đủ các biện pháp chính sách để đối phó với nguy cơ này. WB dự báo nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sẽ tăng trưởng 8,2% năm 2012, so với các mức tăng 9,2% năm 2011 và 10,4% năm 2010. Trong khi đó, Chính phủ Trung Quốc đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2012 là 7,5%, trong nỗ lực nhằm duy trì tỷ lệ thất nghiệp trong tầm kiểm soát và tránh gây ra bất ổn xã hội.


Theo WB, tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc sẽ tiếp tục chững lại trong năm nay. Trong ảnh: Hoa quả được bày bán tại quầy hàng ở thành phố Thượng Hải, ngày 11/5. Ảnh: THX/TTXVN



Theo báo cáo trên, khi nhu cầu tại các thị trường xuất khẩu chủ chốt yếu đi, Trung Quốc cần giữ vững nền tảng cho nền kinh tế định hướng xuất khẩu bằng việc tăng cường chi tiêu. Theo WB, Trung Quốc có nhiều biện pháp để thúc đẩy chi tiêu, song cần tránh việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng một cách ồ ạt như đã làm trong cuộc khủng hoảng năm 2008. Thay vì vậy, các biện pháp tài khóa để thúc đẩy tiêu dùng như miễn giảm thuế có trọng điểm, chi tiêu cho phúc lợi xã hội và các chi tiêu xã hội khác nên được cân nhắc như ưu tiên hàng đầu.

Những lo ngại về sự giảm tốc của kinh tế Trung Quốc gia tăng sau khi các số liệu mới công bố cho thấy tăng trưởng sản lượng công nghiệp, nhập khẩu, xuất khẩu, đầu tư tài sản cố định và tín dụng đều chậm lại trong tháng 4 vừa qua. Trước thực tế đó, Trung Quốc đã hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc của các ngân hàng và các nhà kinh tế nhận định nước này sẽ còn phải áp dụng nhiều biện pháp hơn nữa.

Một sự sụt giảm nhu cầu mạnh hơn ở các nước phát triển sẽ nhanh chóng ảnh hưởng tới các mạng lưới sản xuất và thương mại ở khu vực Đông Á mà ở đó Trung Quốc chiếm vị trí trung tâm. Bên cạnh đó, nguy cơ suy giảm của kinh tế Trung Quốc cũng đang nổi lên từ sự điều chỉnh đang diễn ra trong thị trường bất động sản, mặc dù cho đến nay những điều chỉnh như vậy vẫn diễn ra chậm và có trật tự.

Kinh tế Trung Quốc giảm tốc sẽ kéo tăng trưởng của cả khu vực xuống. WB dự báo các nền kinh tế đang phát triển ở châu Á-Thái Bình Dương sẽ tăng trưởng 7,6% năm 2012, so với mức tăng 8,2% năm 2011. Sau khi bùng nổ trong năm 2011, xuất khẩu hàng hóa ở khu vực này có thể bị ảnh hưởng nếu kinh tế Trung Quốc giảm tốc nhanh hơn dự kiến. Các nước đang phát triển trong khu vực cần nhanh chóng giảm sự phụ thuộc vào xuất khẩu trong lúc thúc đẩy tiêu dùng nội địa hơn nữa để duy trì mức tăng trưởng cao.

Tuy nhiên, WB nhận định khu vực Đông Á và Thái Bình Dương có thể chống đỡ tốt trước một biến động mới trên toàn cầu, khi nhiều nước vẫn đạt thặng dư tài khoản vãng lai và có mức dự trữ ngoại tệ cao, còn hệ thống ngân hàng nhìn chung được tái cấp vốn đầy đủ. Mặc dù vậy, những rủi ro đến từ châu Âu vẫn có thể ảnh hưởng tới khu vực thông qua các quan hệ về thương mại và tài chính.

Lê Minh (Theo AFP)