02:00 11/02/2012

“Nguy cơ gia tăng bệnh nhân nhiễm cúm A/H5N1”

Nguy cơ dịch cúm A/H5N1 trên gia cầm bùng phát ở nhiều tỉnh, thành trong thời gian tới là rất cao. Do đó, các chuyên gia y tế rất lo ngại về khả năng dịch bệnh nguy hiểm này có thể sẽ lây lan nhanh từ gia cầm sang con người,...

Nguy cơ dịch cúm A/H5N1 trên gia cầm bùng phát ở nhiều tỉnh, thành trong thời gian tới là rất cao. Do đó, các chuyên gia y tế rất lo ngại về khả năng dịch bệnh nguy hiểm này có thể sẽ lây lan nhanh từ gia cầm sang con người, nhất là khi cả 2 ca nhiễm cúm A/H5N1 từ đầu năm đến nay đều đã tử vong.

Lực lượng thú y huyện Hải Lăng (Quảng Trị) tiêu hủy đàn vịt bị cúm gia cầm của một hộ gia đình ở xã Hải Thọ, ngày 3/2/2012.


Liệu “bức tranh” về dịch bệnh có ngày một ảm đạm hơn? Người dân cần phải làm gì để phòng tránh cúm A/H5N1? PGS.TS Nguyễn Trần Hiển (ảnh), Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương trao đổi với phóng viên báo Tin Tức xung quanh vấn đề này.

Dịch cúm A/H5N1 ở người có thể bùng phát mạnh trong thời gian tới không, thưa ông?

Theo tôi, nguy cơ lây nhiễm virút cúm A/H5N1 từ động vật sang người là rất lớn. Tuy vậy, diễn biến dịch bệnh cúm A/H5N1 ở Việt Nam trong thời gian tới phụ thuộc nhiều vào việc kiểm soát dịch cúm gia cầm ở gia cầm và dự phòng lây truyền từ gia cầm sang người.

Ở Việt Nam, dịch cúm gia cầm lây sang người thường xảy ra vào mùa đông xuân, lạnh và ẩm. Để phòng tránh bệnh dịch này, người dân cần ưu tiên ngăn chặn ngay lập tức sự lan truyền dịch ở gia cầm bằng cách: Thực hiện an toàn sinh học trong chăn nuôi, thường xuyên vệ sinh tẩy uế chuồng trại bằng các thuốc sát khuẩn, tiêu hủy và tiêm vắcxin cho đàn gia cầm. Cần phát hiện sớm hiện tượng gia cầm chết hàng loạt và thông báo ngay cho chính quyền địa phương để kịp thời ngăn chặn dịch lây lan. Tuyệt đối không được giết mổ và sử dụng gia cầm bệnh. Tuân thủ các nguyên tắc đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trong chế biến thức ăn, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng trước khi ăn. Khi có người bị sốt cao có liên quan đến gia cầm bị bệnh phải đến ngay cơ quan y tế để khám phát hiện và điều trị kịp thời. Theo GS.TS Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ TƯ

Khó khăn lớn nhất hiện nay là virút cúm A/H5N1 đang lưu hành ở các đàn gia cầm, đặc biệt là ở các đàn vịt dưới dạng gia cầm lành mang virút mà không có biểu hiện bệnh. Do đó, người dân không thể biết được là gia cầm đã bị bệnh để đề phòng. Sau một thời gian dài không có ca bệnh ở người, người dân rất dễ nảy sinh tâm lý chủ quan cho là dịch đã được thanh toán hoàn toàn nên không thực hiện thường xuyên các biện pháp phòng bệnh. Hơn nữa, do virút ở gia cầm đã biến đổi từ phân nhóm di truyền 2.3.4 sang phân nhóm 2.3.2 nên việc tiêm vắcxin trên một số đàn gia cầm không có tác dụng nữa.

Virút cúm A/H5N1 đã biến đổi trên gia cầm, vậy virút lưu hành trên người có biến đổi, làm tăng độc lực và khả năng lây lan dịch bệnh không, thưa ông?

Hiện nay, virút cúm A/H5N1 phân lập ở người tại miền Bắc thuộc nhóm 2.3.4, còn ở miền Nam là phân nhóm 1.1. Phần lớn các chủng virút cúm A/H5N1 phân lập ở người trong giai đoạn 2007-2010 thuộc nhóm 2.3.4, tương đồng với virút cúm A/H5N1 lưu hành trên gia cầm tại miền Bắc trong giai đoạn này.

Ngay các kết quả nghiên cứu gần đây vẫn cho thấy virút cúm A/H5N1 ở người vừa xảy ra ở miền Nam vẫn tương đồng như virút lưu hành ở gia cầm ở Việt Nam và ở Campuchia trong năm 2011, độc lực vẫn cao như chủng cúm lưu hành từ năm 2005 trở lại đây. Theo thống kê, từ năm 2003 đến nay có 61 ca tử vong trong tổng số 121 ca nhiễm cúm A/H5N1, tùy từng năm mà tỷ lệ tử vong khác nhau, có thời điểm tỷ lệ tử vong lên tới 100%.

Tỷ lệ tử vong do cúm gia cầm A/H5N1 ở Việt Nam cũng tương đương như ở các nước trong khu vực. Qua phân tích các trường hợp tử vong gần đây tại Việt Nam cho thấy, hầu hết các trường hợp đều nhập viện và điều trị thuốc Tamiflu muộn. Do đó, việc chẩn đoán, phát hiện và điều trị sớm là rất quan trọng.

Như vậy, từ 2005 đến nay, virút cúm A/H5N1 tuy có biến đổi chút ít, nhưng độc lực vẫn như trước và chưa có khả năng lây truyền bệnh từ người sang người. Bởi vậy, bức tranh về cúm gia cầm ở người cho đến nay vẫn không thay đổi: Dịch cúm A/H5N1 xảy ra tản phát và lẻ tẻ ở người, chủ yếu ở khu vực có sự lưu hành của virút ở gia cầm, qua tiếp xúc với gia cầm hay môi trường bị nhiễm virút, đặc biệt chưa lây từ người sang người.

Nguy cơ đáng lo ngại nhất là virút có thể tiếp tục biến đổi nhỏ trong quá trình tiến hóa tự nhiên, hợp với các virút cúm lưu hành ở động vật và người để hình thành một chủng virút cúm mới có độc lực cao và có khả năng lây truyền từ người sang người. Do đó, cần chủ động tăng cường công tác giám sát virút cúm ở gia cầm để sớm áp dụng các biện pháp phòng chống dịch thích hợp, ngăn chặn sự lây truyền dịch ở gia cầm và từ gia cầm sang người, phát hiện sớm các chùm ca bệnh viêm phổi nặng ở người.

Xin cảm ơn ông!

Vinh Phương Liên (thực hiện)