04:09 20/04/2011

Nguy cơ bùng phát dịch bệnh trên gia súc, gia cầm

Ba loại dịch bệnh phổ biến trên gia súc, gia cầm là: Tai xanh, lở mồm long móng và cúm gia cầm đều đang có nguy cơ lây lan cao tại nhiều tỉnh trên cả nước.

Ba loại dịch bệnh phổ biến trên gia súc, gia cầm là: Tai xanh, lở mồm long móng và cúm gia cầm đều đang có nguy cơ lây lan cao tại nhiều tỉnh trên cả nước. Để đối phó với tình trạng này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã cử nhiều đoàn công tác đi các địa phương để chỉ đạo công tác chống dịch, quyết tâm không để dịch bệnh bùng phát.

Nguy cơ lây lan cao

Chiều qua (19/4), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã tổ chức cuộc giao ban về công tác phòng chống dịch cúm gia cầm, lở mồm long móng và dịch tai xanh. Theo nhận định của Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch cúm gia cầm, hiện nay dịch cúm trên gia cầm đã thành dịch ở địa phương nên nguy cơ dịch lây lan cao, đặc biệt trong giai đoạn hiện nay vì đàn gia cầm đã hết miễn dịch, thời tiết thay đổi làm giảm sức đề kháng của đàn gia cầm.

Đối với dịch lở mồm long móng (LMLM), đã được khống chế nhưng hiện virút đã lưu hành rộng rãi trong môi trường, trong đàn gia súc lành bệnh lâm sàng và đặc biệt trong những đàn gia súc nhập lậu về Việt Nam. Do vậy, nguy cơ dịch tiếp tục phát sinh và lây lan là rất cao. Còn với dịch tai xanh, hiện chỉ còn ở Nghệ An và Quảng Trị, nhưng dịch vẫn tiếp tục lây lan trong tỉnh, do vậy, nguy cơ dịch tiếp tục lây lan rộng trong thời gian tới là rất cao.

Nhân viên thú y tiêm vắcxin phòng chống dịch LMLM ở thành phố Trà Vinh, tỉnh Trà Vinh. Ảnh : Đình Huệ - TTXVN


Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Diệp Kỉnh Tần, vắcxin đang sử dụng để tiêm phòng cho gia cầm có hiệu quả không cao. Các trung tâm nghiên cứu đang tập trung phân tích để tìm loại vắcxin phù hợp. Do vậy, trước mắt, nếu địa phương nào có dịch phải tiêu hủy, xử lý ngay, không để lây lan. Trong thời gian qua, nhờ sự chỉ đạo quyết liệt của Bộ NN&PTNT, dịch LMLM đã có xu hướng giảm dần. Việc chống dịch đã có kết quả tốt do xác định được đúng chủng virút, đồng thời việc sử dụng vắcxin cũng tiết kiệm hơn so với các năm trước, cho hiệu quả cao hơn vì xác định được đúng bệnh của gia súc. Tuy nhiên: “Không được chủ quan vì virút vẫn còn đang tiềm ẩn ngoài môi trường và trong đàn gia súc khỏi bệnh lâm sàng”, Thứ trưởng Tần nói.

Về dịch tai xanh, thường xuất hiện trong giai đoạn chuyển mùa, hiện có 2 tỉnh bị nhiễm nhưng tiềm ẩn lây lan nhanh. “Do vậy, Cục Thú y vùng, cơ sở phải rà soát lại các ổ dịch, làm quyết liệt để giải quyết triệt để, không để lây lan sang các địa phương khác”, Thứ trưởng Tần chỉ đạo.

Khẩn trương dập dịch

Tại buổi giao ban, ông Lê Minh Sắt, Phó Vụ trưởng Vụ Các ngành Kinh tế Kỹ thuật, Bộ KH - CN cho rằng, việc giám sát và phát hiện dịch bệnh trên gia súc, gia cầm trong thời gian qua chưa tốt, khiến dịch bệnh lây lan.

Theo ông Sắt, việc đối phó với dịch bệnh phải được thực hiện liên tục, thường xuyên và cần có dự báo trước. Không phải để đến khi có dịch xảy ra rồi mới giám sát, tiêu hủy. Như ở Thái Lan, đàn gia súc không được tiêm phòng mà vẫn không xảy ra hiện tượng lây lan dịch bệnh, trong khi chúng ta tiêm phòng nhiều năm nay mà dịch vẫn lây lan.

Trước mắt, để đối phó với tình hình dịch bệnh, ông Đàm Xuân Thành, Cục phó Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) cho rằng, địa phương tăng cường giám sát, đặc biệt là những địa phương có ổ dịch, phân công cán bộ và tổ chức giám sát và xử lý kịp thời, triệt để khi có dịch cúm xảy ra.

Ngoài ra, “cần tổ chức các biện pháp đồng bộ phòng chống dịch như vệ sinh, tiêu độc, khử trùng khu vực chăn nuôi, điểm vận chuyển, giết mổ, chợ buôn bán gia cầm, tăng cường công tác tuyên truyền nhằm giảm thiểu các hành vi có nguy cơ làm phát sinh và lây lan dịch bệnh, kiểm soát chặt việc vận chuyển dịch bệnh, đặc biệt là trong vùng có dịch. Chuẩn bị mọi điều kiện cần thiết để tiêm phòng ngay khi có vắcxin”, ông Thành nói.

Đối với dịch LMLM, Cục Thú y tập hợp, báo cáo Bộ về các typ virút LMLM lưu hành tại Việt Nam để có chiến lược sử dụng vắcxin phù hợp.

Kết luận buổi họp, Thứ trưởng Diệp Kỉnh Tần cho rằng, từ nhiều năm nay, chúng ta luôn bị động với các dịch bệnh trên gia súc gia cầm. Vì vậy, sau các đợt dịch bệnh này, phải có chương trình cụ thể, lâu dài để chủ động hơn với việc đối phó với dịch bệnh. Ví dụ như ở Thái Lan đã chủ động sản xuất được vắcxin cho LMLM, trong khi đó Việt Nam bị dịch bệnh từ nhiều năm mà chưa sản xuất được vắcxin. Đó là vấn đề mà các nhà khoa học cần cần suy nghĩ. Cục Thú y cũng nên xây dựng các chương trình hành động đối phó với dịch bệnh và dần dần giao quyền, phân cấp cho địa phương để họ chủ động hơn trong việc chống dịch bệnh.

Hữu Vinh