07:10 13/07/2014

Người Việt ở Séc: Trăn trở trước sự 'rải thảm' của Zelezna Ruda

Zelezna Ruda là thành phố nhỏ thuộc vùng sâu, vùng xa của CH Séc. Nhưng do tiểu vùng khí hậu và vị trí địa lý đặc thù mà địa phương này trở thành trung tâm thể thao mùa Đông và du lịch nổi tiếng.

Zelezna Ruda là thành phố nhỏ thuộc vùng sâu, vùng xa của CH Séc. Nhưng do tiểu vùng khí hậu và vị trí địa lý đặc thù mà địa phương này trở thành trung tâm thể thao mùa Đông và du lịch nổi tiếng.

Bao quanh thành phố là đồi núi nhấp nhô với ngút ngàn rừng thông xanh rì và cao vút. Mùa hè thời tiết mát mẻ- người Việt gọi đây là “Đà Lạt của Séc”. Mùa Đông núi rừng được bao phủ một lớp tuyết dày trắng xóa. Từ thời còn Tiệp Khắc Zelezna Ruda với những khu biệt thự nằm lưng chừng núi là nơi nghỉ dưỡng lý tưởng của các đoàn viên công đoàn. Bây giờ các căn biệt thự đó đã được tư hữu hóa và những người lao động bình thường không có đủ khả năng tài chính để đến nghỉ ngơi. Còn người giàu ở Séc thì chỉ thích đi du lịch ở nước ngoài.

Đại sứ Trương Mạnh Sơn (thứ hai từ trái sang phải) hội đàm với ban lãnh đạo thành phố Zelezna Ruda.


Lợi thế duy nhất mà Zelezna Ruda còn tận dụng được là nằm sát với vùng Bavaria của LB Đức và là nơi tiếp đón, phục vụ khách du lịch Đức. Đến nơi đây, ta có cảm giác đã bước sang lãnh thổ của đất nước láng giềng vì trên đường phố người Đức xuất hiện tràn ngập và các quán rượu, quán ăn đều "định hướng" vào khách du lịch Đức. Chính người Đức cũng là nguồn khách chủ chốt của các khu chợ và cửa hàng người Việt. Và bởi vì định hướng vào người Đức mà một số người Việt ở Zelezna Ruda dù không biết tiếng Séc nhưng bắt buộc phải lõm bõm dăm câu tiếng Đức và giá cả không đề bằng đồng curon mà bằng euro.

Thời hoàng kim của Zelezna Ruda và cũng là của những người kinh doanh Việt đã đến cách đây 15 năm và kéo dài khoảng 8 năm. Lúc đó cánh cửa nước Séc mở ra với Tây Âu chưa lâu, sự tò mò của người CH LB Đức đối với đất nước láng giềng được "rào kín" trong gần nửa thế kỷ vẫn còn cao. Hàng hóa giá rẻ với chất lượng tàm tạm ở vùng biên giới Séc rất hấp dẫn đối với những người Đức có thu nhập cao nhưng tính tình lại chắt chiu, cần kiệm. Người Việt gọi quãng thời gian 8 năm đó là "cơn mưa vàng" bởi doanh thu cũng như tỷ lệ lợi nhuận đều lớn. Nhiều người trong số họ đã phất lên thành "đại gia".

Nhưng "cơn mưa vàng" đã tạnh. Từ 7 năm nay lượng khách từ Đức qua cửa khẩu ở Zelezna Ruda giảm dần và số tiền họ bỏ ra để mua hàng hóa của người Việt còn sụt nhiều hơn nữa. Ai cũng biết tình thế đã thay đổi nhưng phải làm gì để thích nghi thì không ai nghĩ ra được. Dần dần các hộ kinh doanh người Việt lựa chọn phương án ra đi tìm miền đất hứa mới.

Một cửa hàng người Việt ở Zelezna Ruda.


Ông Nguyễn Quang Trung, chủ một khu chợ Việt ở sát cửa khẩu và đồng thời là Chủ tịch Chi hội Người Việt ở Zelezna Ruda, tâm sự: "Trước đây cửa khẩu hoạt động tích cực, việc kinh doanh thuận lợi thì có hơn 1.000 người Việt sinh sống tại thành phố. Nhưng bây giờ chỉ có gần 150 người bám trụ và việc làm ăn ngày càng chật vật hơn". Chính ông là người đã chắp nối cho cuộc gặp giữa ban lãnh đạo thành phố với Đại sứ quán Việt Nam và các doanh nhân Việt tại Séc. Ông rất trăn trở về tương lai của cộng đồng tại thành phố cửa khẩu từng sầm uất này.

Không chỉ người Việt mà Hội đồng thị chính thành phố Zelezna Ruda cũng đang đau đầu để tìm ra lối thoát cho nền kinh tế địa phương đang lâm vào tình thế khó khăn. Thị trưởng Michal Snebergr cho biết rằng cộng đồng người Việt đã đóng góp không nhỏ vào sự phát triển của kinh tế địa phương trong thời gian qua và ông muốn trong tương lai sự đóng góp này sẽ lớn hơn nữa và dưới những hình thức đa dạng hơn. Theo ông, các doanh nhân Việt có khả năng không chỉ đơn giản là đưa gia đình, giới thiệu cho bạn bè, đối tác đến chơi thể thao hay nghỉ dưỡng tại Zelezna Ruda mà còn đầu tư vào các công trình thể thao, du lịch tại địa phương. Mô hình kinh doanh cũ không phù hợp thì các doanh nhân Việt cần có bước chuyển biến để bắt kịp với xu thế và gắn bó với mảnh đất đã từng nuôi sống mình chứ không chỉ đơn giản "khó là bỏ", là "rũ áo ra đi".

Thị trưởng Michal Snebergr đã mời Đại sứ Việt Nam Trương Mạnh Sơn, đại diện Hội Người Việt Nam tại Séc, một số doanh nhân người Việt tại địa phương tới tòa thị chính để trao đổi về cơ hội hợp tác và đầu tư. Đây là một tín hiệu tốt cho thấy vị lãnh đạo thành phố coi trọng vai trò của cộng đồng người Việt nói chung và giới doanh nghiệp Việt nói riêng.

Lời kêu gọi và sự "rải thảm" của ban lãnh đạo thành phố Zelezna Ruda khiến các doanh nhân Việt phải suy nghĩ thật thấu đáo và câu trả lời có lẽ chưa có được trong một sớm một chiều.

Trả lời phỏng vấn của phóng viên TTXVN, Đại sứ Trương Mạnh Sơn cho biết: "Thế hệ thứ hai, thứ ba, tức các cháu đang học tập rất tốt tại các trường chuyên của CH Séc, sau này ra trường sẽ tham gia vào việc chuyển đổi hình thức kinh doanh của cộng đồng để hội nhập vào xã hội Séc và đóng góp vào nền kinh tế của thành phố du lịch Zelezna Ruda".


Bài, ảnh: Quang Vinh
(P/v thường trú TTXVN tại CH Séc)