Tọa đàm về biển Đông tại Sri Lanka ủng hộ Việt Nam

Tại cuộc tọa đàm ở thủ đô Colombo, Sri Lanka về tình hình Biển Đông do Hội Đoàn kết Sri Lanka – Việt Nam vừa tổ chức, các ý kiếncho rằng Việt Nam đã có lịch sử lâu dài trong việc quản lý và thực thi chủ quyền của mình tại Hoàng Sa và giải pháp cần nhất lúc này là sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế đối với Việt Nam.


Tới dự toạ đàm có Chủ tịch Đảng Cộng sản Sri Lanka Raja Collure, Tổng thư ký Hội Đoàn kết Sri Lanka – Việt Nam S. Sudasinghe cùng nhiều luật sư, học giả, phóng viên báo chí và các hãng truyền hình sở tại. Đại sứ Việt Nam tại Sri Lanka Tôn Sinh Thành và một số cán bộ Đại sứ quan tham gia tọa đàm.

 

Đại sứ Tôn Sinh Thành thông báo về tình hình Biển Đông trước các đại biểu (ngày 19/6).


Đại sứ Tôn Sinh Thành đã cập nhật những diễn biến mới nhất về tình hình căng thẳng tại Biển Đông từ đầu tháng 5 đến nay với việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 trong Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và thềm lục địa của Việt Nam. Sau khi bác bỏ những lập luận vô căn cứ và đánh lừa dư luận của Trung Quốc, Đại sứ Tôn Sinh Thành khẳng định Trung Quốc đã vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế, Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS) và Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC).

 

Tại cuộc tọa đàm, Chủ tịch Đảng Cộng sản Sri Lanka Raja Collure đã phát biểu bày tỏ lo ngại trước tình hình căng thẳng hiện nay ở Biển Đông và nhấn mạnh việc Trung Quốc đặt giàn khoan chỉ cách bờ biển Việt Nam 120 hải lý, hoàn toàn nằm trong vùng EEZ và thềm lục địa của Việt Nam, là hành động sai trái.


Luật sư M.A. Razwi cho rằng Việt Nam đã có lịch sử lâu dài trong việc quản lý và thực thi chủ quyền của mình tại Hoàng Sa mà một trong số đó là sự kiện ông Paul Doumer, Toàn quyền Đông Dương, đã cho tiến hành nghiên cứu khảo sát để xây dựng Hải đăng trên quần đảo Hoàng Sa từ năm 1899. Vì vậy, Hoàng Sa phải thuộc chủ quyền của Việt Nam. Luật sư Razwi khẳng định việc Trung Quốc dùng vũ lực chiếm đoạt quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam năm 1974 là bất hợp pháp. Hơn nữa, Hoàng Sa với các đảo san hô, bãi cạn không có điều kiện tự nhiên cho con người sinh sống nên không thể có riêng vùng biển tiếp giáp theo quy định của UNCLOS. Vì vậy, giàn khoan Trung Quốc đã xâm phạm vùng EEZ và thềm lục địa của Việt Nam.

 

Đi sâu vào khía cạnh pháp lý của sự việc, Luật sư P. Disanayake viện dẫn điều 12 Công ước Luật Biển năm 1958 quy định khi các bên chưa thống nhất trong việc phân chia vùng biển chồng lấn thì không bên nào được vượt qua đường trung tuyến tính từ các điểm gần nhất trên đường cơ sở của mỗi nước. Vì vậy, địa điểm hạ đặt giàn khoan của Trung Quốc là vi phạm luật pháp quốc tế, xâm phạm vùng EEZ và thềm lục địa của Việt Nam.

 

Đặc biệt, sinh viên Thiyagarajah của trường Bishop College tại Colombo đã đưa ra lời cảnh báo về những nguy cơ có thể nảy sinh xuất phát từ việc thiếu kiểm soát đối với sự nổi lên của Trung Quốc. Theo Thiyagarajah, giải pháp cần nhất lúc này là sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế đối với Việt Nam. Thiyagarajah cho rằng nếu dư luận quốc tế cùng lên tiếng thì Trung Quốc không thể phớt lờ những đề nghị tích cực của Việt Nam như trong thời gian qua. Thiyagarajah đề nghị phải tích cực tổ chức các hoạt động như cuộc tòa đàm này để thức tỉnh cộng đồng quốc tế hiểu bản chất sự việc và cùng lên tiếng ủng hộ Việt Nam.


 

TTXVN / Tin tức

Mỹ quan ngại các giàn khoan mới của Trung Quốc
Mỹ quan ngại các giàn khoan mới của Trung Quốc

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Jen Psaki cho biết Mỹ sẽ rất quan ngại nếu Trung Quốc hạ đặt các giàn khoan mới trong vùng biển tranh chấp ở Biển Đông.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN