Tâm sự “người chiến sĩ” dầu khí Việt Nam ở Angiêri

Trong những ngày đầu tiên của năm 2011, tôi đã có dịp trò chuyện với kỹ sư Hà Ngọc Tâm thuộc Tổng Công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí (PVEP) – người vừa hoàn thành chuyến công tác biệt phái 3 năm ở Angiêri.


Tâm sự mà anh Tâm trao gửi tôi có lẽ cũng là nỗi lòng chung của những “người chiến sĩ” ngành dầu khí Việt Nam đang làm nhiệm vụ ở nước bạn.

Theo quyết định của Ban lãnh đạo PVEP, kỹ sư khoan Hà Ngọc Tâm đến Angiêri nhận nhiệm vụ tại Công ty PVEP-Angiêri bắt đầu từ tháng 7/2008 với sự hứng khởi và tự hào khi được tham gia vào đề án thăm dò khai thác dầu khí đầu tiên do Việt Nam làm chủ đầu tư tại nước ngoài.


Các cán bộ của PetroVietnam tại Angiêri chuẩn bị các ống khoan cho dự án khoan khai thác tại sa mạc Sahara. Ảnh:Tiến Phú

Anh Tâm nhớ lại: “Sau gần 20 giờ ngồi máy bay, tôi đặt chân tới đất nước mang trong mình một phần sa mạc Sahara. Cảm giác lâng lâng, xung quanh không một ai quen biết! Bỗng có một người Angiêri tìm đến hỏi tôi: “Anh có phải người PVEP không?”.


Tôi vui mừng, theo người đó lên xe về công ty. Cảm giác xa lạ dần tan biến bởi sự cởi mở, chân tình của người lái xe và qua cửa kính ô tô, dường như tôi lại nhìn thấy những ngôi nhà mái ngói ở nông thôn Việt Nam trong những năm 1960 – 1970. Một cảm giác lạ mà quen”.

Ở Angiêri, các kỹ sư Việt Nam được bố trí ở trong những khu nhà mà anh em gọi vui là làng: Làng Delly IBrahim A, làng Delly IBrahim B, làng Bellevue, làng Hassi Messaoud…


Tùy vào tính chất công việc mà mỗi người sau một thời gian có thể lại dọn đến làng khác. Đi rồi ở, ở rồi lại đi vốn là lẽ thường tình, thế mà mỗi cuộc chia tay, mỗi lần di chuyển vẫn cứ khiến các anh nao lòng bởi các anh đã coi nơi đây như gia đình đông anh em của mình.


Xa làng, ai cũng nhớ, nhớ như nhớ cái bờ tre, gốc rạ, cổng làng nhà mình; nhớ như nhớ cái góc nhỏ, phố nhỏ, nhà ai ở đó. Nhớ những cảnh anh em ra xe về rồi cùng nhau nấu cơm chiều.


Người tưới cây, người dạo ra vườn tìm những bông hoa đẹp nhất mang vào cắm, thậm chí chỉ là những lá cây xanh mà nếu như ở Việt Nam thì sẽ là vô nghĩa, nhưng ở đây, nó được con người nâng niu, cắt tỉa và cắm vào những chiếc lọ đẹp nhất (vốn là vỏ những chai rượu quý) góp phần làm xanh tươi cuộc sống xứ người.


Nhớ những buổi anh em quây quần bên nhau, người đàn, người hát, kẻ thả hồn theo tiếng nhạc nhớ về quê hương xa xôi. Nhớ những bữa cơm chiều mà đang ăn bỗng thấy đắng và lạo xạo trong miệng.


Ghé mắt nhìn qua ô cửa, thấy bão cát sa mạc đang ập tới dữ dội, trời bỗng sáng và bao phủ cả một màu vàng sẫm! Các cánh cửa đã được đóng kín, nhưng với vận tốc và độ khuếch tán lớn, các hạt bụi cát nhỏ li ti qua những khe kẽ vẫn quyết ghé thăm…

Anh Tâm kể: “Tháng 9/2008, vào một ngày trời thật cao và xanh, tôi đáp máy bay từ văn phòng ở thủ đô Angiê tới căn cứ của dự án nằm giữa sa mạc Sahara.


Cảm giác đầu tiên khi vừa ra khỏi cửa máy bay là cái nóng, có dễ đến hơn 50°C. Nóng hầm hập, nóng như nuốt trọn người, nóng như bước vào lò luyện gang thép ở Thái Nguyên của nước ta vậy.


Nhìn những giếng khoan vốn sừng sững trên biển là thế mà giữa biển cát mênh mông của sa mạc Sahara thật nhỏ bé nhưng vẫn không kém phần hiên ngang. Còn dãy container - ốc đảo làm việc của chúng tôi như những toa tàu nhỏ nằm nối đuôi nhau trơ trọi trên sa mạc cát cháy.


Nếu không trực tiếp trải qua những tháng ngày đóng chốt ở đây, tôi dám chắc ít ai hình dung ra được những thử thách, khó khăn, nhọc nhằn, vất vả, hy sinh mà các bậc đàn anh đi trước đã vượt qua để thăm dò và phát hiện ra dòng dầu thương mại cho dự án và dựng nên cơ ngơi này”.

Trước đó, dự án PVEP - Angiêri đã đón và tiễn nhiều thế hệ kỹ sư Việt Nam, những người đã mang lại thành công hôm nay của dự án. Sự có mặt của các anh - những người đi tìm lửa trên sa mạc từ những ngày đi khảo sát, thực địa, thăm dò, tìm kiếm cho đến khi ngọn lửa thử vỉa phụt lên rực sáng tại giếng khoan BRS-6bis ngày 19/12/2005 – đã mang lại sự khởi đầu thành công cho dự án.


Cho đến ngày 10/2/2009, Thỏa thuận Điều hành chung đưa vào phát triển khai thác mỏ Bir Seba thuộc lô 433a và 416b tại Angiêri được ký kết giữa nước chủ nhà với PVEP của Việt Nam và PTTEP của Thái Lan) đã đánh dấu một bước trưởng thành của dự án và đặt những viên gạch đầu tiên cho chiến lược đầu tư ra nước ngoài của ngành dầu khí Việt Nam.

Trong những ngày cuối năm 2010, cán bộ, kỹ sư dầu khí Việt Nam công tác tại Angiêri đã vui mừng được đón nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình tới thăm. Các anh đã hứa với nguyên Phó Chủ tịch nước quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ được giao, phát huy truyền thống và củng cố mối quan hệ tốt đẹp giữa hai nước Việt Nam - Angiêri .

Hoàng Chiến
(P/v TTXVN tại Angiêri)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN