Kỳ công làm bánh chưng ngày Tết ở Nhật Bản

Đã thành thông lệ, tại Nhật Bản cứ mỗi dịp Tết đến, nhóm BetoAji tức "Hương vị Việt Nam" lại tập trung để làm các món ăn truyền thống ngày Tết của Việt Nam, trong đó có bánh chưng.

Các thành viên Betoaji gói bánh chưng chuẩn bị Tết Đinh Dậu 2017.

Năm nay, chuẩn bị đón Tết Đinh Dậu 2017, nhóm đã tập hợp các thành viên, tình nguyện viên quanh khu vực Tokyo để thực hiện chương trình “bánh tét yêu thương”.

Nhóm Betoaji được thành lập từ năm 2012 với mục đích quảng bá văn hóa ẩm thực Việt Nam tới bạn bè Nhật Bản và mang hương vị quê nhà cho cộng đồng người Việt sinh sống tại đây. Lợi nhuận thu được, nhóm sẽ chuyển toàn bộ cho những trẻ em nghèo ở Việt Nam, giúp các em “thắp sáng” ước mơ đến trường.

Một bạn nữ chuẩn bị lá dong.

Nguyệt Anh, thành viên nhóm Betoaji, đang làm nghiên cứu sinh tại Nhật Bản, cho biết lúc bắt đầu chương trình “bánh tét yêu thương”, nhóm khá băn khoăn, vì tại Nhật Bản để làm được một chiếc bánh chưng cần phải có nguyên liệu và người làm. Đối với nguyên liệu, lá dong và lạt buộc ở Nhật Bản không có, hoặc có nhưng sẽ khá đắt, như lá dong trong những ngày này, có thể được chuyển từ Việt Nam sang bán tại Nhật Bản, nhưng khá hiếm và giá rất cao. 1.000 yen (200.000 đồng) có thể chỉ mua được 10 lá.

Gạo nếp sau khi ngâm được vớt ra cho ráo nước.

Đối với người làm, cộng đồng người Việt Nam tại đây rất bận, ít có thời gian dành cho các công việc tình nguyện. Song đây cũng là điều làm cho chiếc bánh chưng tại “xứ sở hoa anh đào” có những nét riêng. Nguyệt Anh chia sẻ do lá dong hiếm và đắt, để tiết kiệm nhóm chỉ gói bánh với một lớp lá bên trong, bên ngoài sẽ bọc giấy bạc thực phẩm; lạt buộc được thay thế bằng dây ni lông; sau khi luộc xong bánh được vớt ra ép cho “rền”, rồi lại tiếp tục được bọc bên ngoài một lớp ni lon theo tiêu chuẩn an toàn thực phẩm và nhìn giống lá chuối; đây là công đoạn gần như cuối cùng, nhờ đó chiếc bánh nhìn đẹp mắt và hấp dẫn hơn.

Chương trình “bánh tét yêu thương” do nhóm Betoaji tổ chức còn là dịp để những người Việt Nam tại Nhật Bản gặp gỡ, giao lưu, truyền hơi ấm cho những người con xa quê hương khi ngày Tết đang cận kề. Những món ăn truyền thống Việt Nam như phở, nem… đã không còn quá xa lạ ở Nhật Bản. Tuy nhiên, với bánh chưng, có lẽ chỉ những người Nhật Bản nào quan tâm đến Việt Nam, từng đến và yêu mến Việt Nam mới biết đến thứ bánh này.

Nhân bánh chưng được cân một cách cẩn thận.

Chị Kozawa Masao, người đã nhiều lần sang Việt Nam du lịch, tiếp xúc với người Việt Nam, cho biết: “Bánh chưng là thứ không thể thiếu được trong ngày năm mới của người Việt Nam, do đó tôi đã rất tò mò muốn làm và nếm thử. Tôi cũng đã tự làm được bánh chưng tại nhà, nhưng thực sự ở Nhật Bản rất ít có cơ hội thưởng thức bánh chưng. Hôm nay, tham gia cùng nhóm Betoaji làm bánh chưng, tôi cảm thấy rất vui”.

Chiếc bánh chưng Việt Nam nhưng được làm từ gạo nếp, thịt lợn của “xứ sở hoa anh đào” cũng là một nét riêng mà chỉ ở đây mới có. Những chiếc bánh chưng của nhóm Betoaji sẽ được gửi đến cho cộng đồng người Việt Nam tại Nhật Bản để đón một cái tết xa quê nhưng vẫn đầy ắp hương vị Việt Nam. Một cái tết nữa lại đến, cộng đồng người Việt Nam ở Nhật Bản sẽ ngày càng phát triển cùng quan hệ hữu nghị tốt đẹp, bền chặt giữa hai quốc gia.

Bánh chưng sau khi luộc được xếp ra bàn để ép cho “rền".

Thành quả ngon mắt.

Các thành viên nhóm Betoaji.


Tin, ảnh: Thành Hữu - Gia Quân (P/v TTXVN tại Nhật Bản)
Kỷ niệm 67 năm quan hệ Việt-Séc và đón Tết Đinh Dậu tại Praha
Kỷ niệm 67 năm quan hệ Việt-Séc và đón Tết Đinh Dậu tại Praha

Tối 18/1, tại Praha, Đại sứ quán Việt Nam đã tổ chức Lễ kỷ niệm 67 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và CH Séc và đón Tết Đinh Dậu.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN