Khách sạn Thăng Long ở Béclin - Một cơ duyên tiền định?

Người Việt thường hay nói tới chữ "cơ duyên". Có lẽ những người tham dự Lễ khai trương khách sạn Thăng Long ở số nhà 89 Đại lộ Treskow (Treskowallee) tại Béclin, CHLB Đức ngày 25/11/2005, cũng không thể ngờ được rằng nửa thế kỷ trước, ngày 22/12/1955 chính tại ngôi nhà này đã diễn ra Lễ khai trương và bàn giao trụ sở Đại sứ quán đầu tiên của Việt Nam trên đất Đức cho Tham tán, Đại biện lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Cộng hòa Dân chủ Đức Nguyễn Song Tùng.


Lá cờ Việt Nam tung bay trong ngày khai trương khách sạn Thăng Long.


Vậy cơ duyên nào đã đưa đến việc trụ sở cơ quan đại diện ngoại giao đầu tiên của Việt Nam tại Đức trở thành khách sạn Việt Nam đầu tiên trên đất Đức?

Anh Võ Văn Long, Tổng giám đốc Công ty TNHH Thăng Long, trong đó có khách sạn Thăng Long cho biết, vừa tình cờ, vừa quyết tâm, anh đã mua lại được ngôi nhà này để cải tạo thành khách sạn đầu tiên mang phong cách Việt Nam trên nước Đức.

Năm 2000, trong chuyến về thăm Việt Nam, khi nghỉ tại khách sạn Rex ở Thành phố Hồ Chí Minh, anh Long cảm thấy rất thích thú với những đồ dùng bằng mây trong khách sạn như bàn, ghế, giường, tủ, chao đèn... và anh nảy ra ý định xây dựng một khách sạn tương tự tại Béclin, nơi anh đang sinh sống. Năm 2004, khi nghe tin Treuhand, Cơ quan được ủy thác quản lý tài sản của CHDC Đức trước đây sẽ đem bán đấu giá một số tòa nhà, trong đó có ngôi nhà ở số 89 Đại lộ Treskow được xây dựng từ năm 1930, anh Long đã đăng ký xin đấu giá.

Trong khi làm thủ tục để đấu giá, nghe một người hàng xóm kể rằng trước đây, ngôi nhà này từng là Đại sứ quán Việt Nam. Nghe vậy, mặc dù chưa có bằng chứng xác thực, anh đã quyết tâm mua. Để chắc chắn mua được, anh Long đã tìm cách tiếp cận hai anh em người Đức là những người được thừa kế ngôi nhà, một người đang ở Canađa và một người đang ở miền bắc nước Đức và thuyết phục họ bán cho mình không qua đấu giá. Sau khi mua, anh Long cho cải tạo gấp và 7 tháng trước khi World Cup 2006 tại Đức khai mạc, khách sạn Thăng Long với 60 phòng mang đậm dấu ấn Việt Nam đã được khai trương. Hiện nay, khách sạn còn có nhà hàng, phòng tắm hơi, massage đúng theo phong cách châu Á.

Trong dịp khai trương khách sạn, ông Peter Birkholz, một hàng xóm người Đức, đã mang tới tặng anh Long một món quà bất ngờ: Đó là một tập tài liệu quý về lai lịch ngôi nhà mà anh Long đã mua làm khách sạn và khởi điểm quan hệ Việt - Đức liên quan tới ngôi nhà. Ông Birkholz đã công phu dành thời gian tới tòa án quận Lichtenberg để sao lại sổ địa bạ về những chủ cũ của ngôi nhà, lục tìm được trong hồ sơ lưu trữ của Bộ Ngoại giao CHDC Đức trước đây những công hàm, thư từ trao đổi liên quan tới việc thiết lập quan hệ ngoại giao, thành lập Đại sứ quán giữa hai nước, trong đó có công văn của Thứ trưởng Ngoại giao Ung Văn Khiêm thông báo sẽ cử đồng chí Nguyễn Song Tùng sang làm Đại biện lâm thời, trưởng cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam đầu tiên tại Đức và đặc biệt là bút tích của Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Văn Đồng trong bức thư ngày 25/2/1956 gửi Bộ trưởng Ngoại giao CHDC Đức Lothar Bolz, cảm ơn sự giúp đỡ đầy nhiệt tình của Chính phủ CHDC Đức về những tặng phẩm để trang bị cho Đại sứ quán Việt Nam tại Béclin.

Những hồ sơ, tài liệu đó cùng danh sách các Đại sứ, Đại biện lâm thời Việt Nam và địa chỉ Đại sứ quán, nơi ở của Đại sứ qua các thời kỳ cũng như văn bản xác nhận của chính quyền quận Lichtenberg đã khẳng định rằng ngôi nhà hình chữ U ở góc phố Godesberger và Treskowallee, hiện nay mang số 89, nhưng trước đây mang số 105, chính là trụ sở đầu tiên của Đại sứ quán Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Cộng hòa Dân chủ Đức từ năm 1955 tới năm 1969.

Đây là một sự trùng hợp hết sức thú vị, có thể gọi là "cơ duyên", vì theo thông lệ ngoại giao, khi ngôi nhà này là trụ sở Đại sứ quán Việt Nam thì khuôn viên của ngôi nhà được coi như "lãnh thổ Việt Nam". Giờ đây, ngôi nhà thuộc "lãnh thổ Việt Nam" trước đây nay lại thuộc quyền sở hữu của một người Việt Nam và trở thành khách sạn Thăng Long, mang tên thủ đô Thăng Long - Hà Nội yêu quý giữa thủ đô Béclin của nước Đức thống nhất.

Anh Võ Văn Long, hiện là Chủ tịch Hội doanh nghiệp Việt Nam tại CHLB Đức, cho biết, sau gần 6 năm đi vào hoạt động, khách sạn Thăng Long đã xây dựng được uy tín nhất định. Nhiều người nước ngoài và người Đức ở các thành phố khác, cũng như người Việt Nam từ Mỹ, Canađa, từ các nước châu Âu khác khi sang thăm Béclin rất thích đến nghỉ lại tại khách sạn Thăng Long, có lẽ vì ở đây, họ tìm lại được chút không khí Việt Nam giữa trời Âu.
Không khí Việt Nam tại một nơi vốn là trụ sở cơ quan ngoại giao đầu tiên của Việt Nam trên đất Đức, phải chăng đây là "cơ duyên tiền định"?

Bài và ảnh: Văn Long (P/v TTXVN tại Đức)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN