Hương vị bánh chưng trong lòng người xa quê

Tết đến, xuân về, người Việt Nam ta dù ở đâu chăng nữa, cũng không quên những món ăn cổ truyền của dân tộc mình như bánh chưng, giò chả.

Trong những ngày giáp Tết này, được thấy nhiều gia đình Việt kiều ở thủ đô Luân Đôn (Vương quốc Anh) gói bánh chưng, mới cảm nhận được hết tấm lòng của bà con xa quê nhớ về quê hương, gửi lòng mình qua những chiếc bánh chưng xanh thơm mùi gạo nếp lá dong. Bánh chưng - đó là hồn Việt ngày Tết mà như bà con nói: Không có bánh chưng thì chưa phải là Tết. Gia đình bác Thẩm Hồng Tân đã xa quê hơn 30 năm nhưng năm nào hai bác cũng gói bánh chưng.

Bác Thanh Phan (phải) vẫn giữ thói quen gói bánh chưng bằng giấy bạc. Ảnh: Vũ Hội (P/v TTXVN tại Anh)


Từ những năm đầu còn chưa có lá dong, bác cũng như nhiều bà con Việt kiều khác còn phải gói bánh bằng giấy bạc. Năm nay, hai bác đã ngoài 70 tuổi nhưng vẫn gói tận 50 chiếc bánh để đón Xuân Tân Mão 2011. Hai bác nói gói như vậy mới đủ cho các con các cháu và bạn bè thân thiết mỗi gia đình vài chiếc để ăn Tết.

Theo hai bác thì con cháu trong nhà đều rất thích ăn bánh chưng nên dù vất vả cũng cố làm để vừa có bánh vừa có không khí Tết. Bác Tân tâm sự: “Tết mà không gói bánh chưng thì không phải Tết nên gia đình năm nào cũng gói để cho các cháu biết Tết dân tộc của mình”.

Để có được những chiếc bánh chưng xanh vuông vắn, bác gái Lâm Thị Kiêu đã phải chuẩn bị từ nhiều ngày trước. Không đơn giản như ở Việt Nam ra chợ là có ngay lá dong, ở Luân Đôn, bác Kiêu phải mất nhiều thời gian để tìm mua lá rồi chuẩn bị những công đoạn khác. Bác cho biết: “Tôi đi mua lá dong, mua gạo, đỗ, thịt, mua dần mỗi hôm một thứ. Gần đến lúc gói bánh, tôi đun một nồi nước sôi để trần lá dong, như vậy vừa sạch vừa dễ gói”.

Hai vợ chồng bác Tân dù đã ngoài 70 tuổi nhưng năm nào cũng gói hơn 50 chiếc bánh chưng. Ảnh: Vũ Hội (P/v TTXVN tại Anh)


Chị Bùi Thị Bình, hàng xóm của bác Tân, cũng sang gói bánh giúp hai bác. Chị là một trong những người gói bánh nhanh và đẹp nên hay được bà con nhờ đến gói bánh hộ. Chị quan niệm rằng ngày Tết của dân tộc thì phải có mâm cơm cúng tổ tiên, phải có bánh chưng thì mới nhắc nhở được con cháu nhớ về cội nguồn quê hương đất nước.

Chị kể rằng khi các con chị còn nhỏ, các cháu cùng giúp chị chuẩn bị để gói bánh chưng, được nghe kể về sự tích bánh chưng bánh dầy nên cháu nào cũng thích có bánh chưng ngày Tết và đều biết gói bánh.


Đến nhà hai bác Thanh Phan, Minh Nguyệt, chúng tôi ngay lập tức cảm nhận được không khí Tết như ở Việt Nam: Hoa đào, cúc đại đóa và bánh chưng. Cũng như nhà bác Tân, năm nào nhà bác Phan cũng gói bánh chưng. Khoảng 7, 8 năm gần đây, lá dong đã có bán nhiều ở Anh, không phải gói bằng giấy bạc như trước nữa nhưng hai bác vẫn giữ thói quen cũ. Bánh được gói bằng lá dong ở bên trong, bên ngoài bọc bằng giấy bạc. Khi luộc xong, bỏ giấy bạc đi, lá vẫn xanh và bánh vuông thành sắc cạnh.

Bác Nguyệt thổ lộ: “Cô bao giờ cũng muốn Tết phải có bánh chưng, giò chả, măng lưỡi lợn, bóng xào, để các cháu trong nhà nhớ được về ngày Tết cổ truyền của dân tộc”. Trong dịp về Việt Nam dự lễ hội 1000 năm Thăng Long-Hà Nội tháng 10/2010, bác Phan đã mua những bông hoa đào làm bằng lụa ở phố Lương Văn Can (Hà Nội) mang sang Luân Đôn. Bác cẩn thận chọn lấy một cành cây có dáng của đào rồi đính những bông hoa đào vào.

Sắc hồng hoa đào cùng với vàng rực rỡ của cúc đại đóa, món quà của một nghệ nhân làm hoa giấy nổi tiếng ở Hà Nội tặng bác, làm bừng lên không khí xuân thật ấm áp.


 Khi đến siêu thị bán hàng Việt Nam ở khu Hackney, nơi có nhiều người Việt sinh sống, phóng viên TTXVN đã gặp một số sinh viên đang học tập ở thủ đô Luân Đôn đi “sắm Tết”. Hai sinh viên đang học ở trường Queen Mary cho biết: “Hôm 30 Tết bọn em vẫn phải đi học nhưng sẽ cố gắng về sớm để làm một số món như gà luộc, xôi, nem và thịt đông”. Còn bánh chưng thì các em mua ở siêu thị này.

Ở đây có bán đầy đủ nhiều mặt hàng Tết như bánh chưng, giò chả, các loại rau Việt Nam cũng như cả chuối và trầu cau. Bà chủ siêu thị cho biết đến ngày 27, 28 Tết, bà con ta đi mua bán rất đông. Ai cũng muốn mâm cơm gia đình có đầy đủ hương vị Tết, trong đó, không thể thiếu bánh chưng, để dù xa quê vẫn thấy ấm lòng ngày Tết.

Ngân Bình (P/v TTXVN tại Anh)
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN